Theo ông Nguyễn Văn Thắm (thôn Cao Trà, xã Kim Hoa), năm nay nhung được mùa nhưng giá thấp hơn mọi năm
Ra tết, từ tháng Giêng đến đầu tháng 3 là mùa ra lộc, thời kỳ cao điểm của thu hoạch nhung hươu. Thời điểm này những năm trước, trên các miền quê của “thủ phủ” hươu sao Hương Sơn là khung cảnh nhộn nhịp của du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm “hái lộc” và mua bán nhung. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mùa “hái lộc” năm nay không còn sôi động như trước, thị trường nhung tiêu thụ chậm, rớt giá.
“Thời điểm này của những năm trước, làng nuôi hươu chúng tôi suốt ngày tấp nập khách vào ra mua nhung. Nhiều đoàn khách từ TP. Vinh, TP. Hà Tĩnh và các tỉnh phía Bắc đi mua nhung, tham quan, trải nghiệm cảnh cắt nhung. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, từ ra tết đến nay hầu như chỉ có thương lái vào thu mua, không còn cảnh tấp nập như trước” – ông Nguyễn Văn Thắm, người nuôi hươu ở xã Kim Hoa cho biết.
Những năm trước, sau “hái lộc”, hội cắt nhung và khách cùng chủ nhà còn có dịp ngồi với nhau uống chén rượu huyết, chúc mừng gia chủ. Nhưng năm nay, thực hiện “giãn cách xã hội”, thủ tục đó bỏ, cắt nhung xong ai về nhà nấy.
Theo ông Thắm, không chỉ hoạt động “hái lộc”, mua bán trầm lắng mà nhung năm nay cũng “rớt” 2-3 giá so với năm 2019. Nếu vào thời điểm đầu hay cuối mùa năm 2019, nhung có giá 12 - 13 triệu đồng/kg, nhưng năm nay vào thời điểm cuối mùa như hiện nay chỉ có giá 9-9,5 triệu đồng/kg.
“Những năm trước, sau “hái lộc”, hội cắt nhung và khách cùng chủ nhà còn có dịp ngồi với nhau uống chén rượu huyết, chúc mừng gia chủ. Nhưng năm nay, thực hiện “giãn cách xã hội”, thủ tục đó bỏ, cắt nhung xong ai về nhà nấy” – ông Thắm cho hay.
Hàng năm, Hương Sơn tổ chức nhiều lễ hội đầu xuân, trong đó có lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Đây là cơ hội “vàng" để người chăn nuôi, kinh doanh nhung hươu tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, do dịch bệnh, các lễ hội này đã bị hủy bỏ nên ảnh hưởng lớn đến thị trường tiêu thụ của người dân trên địa bàn.
Thị trường trầm lắng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng nghìn hộ chăn nuôi hươu ở Hương Sơn mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ nhung trên địa bàn.
Công ty CP Nông nghiệp Chiến Sơn là 1 trong 4 cơ sở, doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm nhung hươu trên địa bàn Hương Sơn. Sản phẩm được công nhật đạt chuẩn 4 sao - chương trình OCOP Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu
“Nếu tầm thời điểm này năm trước, Công ty CP Nông nghiệp Chiến Sơn chúng tôi đã tiêu thụ được gần 1 tấn nhung, thì năm nay chỉ mới tiêu thụ được 7 tạ. Trước ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, chúng tôi có đơn hàng 10 kg nhung từ Hà Nội nhưng sau đó bị hoãn vì khách không trực tiếp vào tham gia cắt được” – ông Trần Đình Chiến – Giám đốc công ty cho biết.
Cũng theo ông Chiến, mặc dù có khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng nhờ năm 2018-2019, một số doanh nghiệp, HTX kinh doanh, chế biến sản phẩm nhung hươu đã tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” nên các sản phẩm nhung đã được chế biến sâu, không còn phải xuất thô như trước. Vì vậy, nhung của người chăn nuôi trên địa bàn cơ bản vẫn được các HTX, doanh nghiệp thu mua hết dù giá cả có giảm hơn trước.
“Ngoài giá trị về dinh dưỡng, nhung hươu là sản phẩm có giá trị kinh tế lớn. Vì vậy, những cơ sở kinh doanh, chế biến sản phẩm này phải có nguồn vốn lưu động lớn, bình quân 10-15 tỷ đồng/cơ sở. Trong khi thị trường tiêu thụ chậm lại, vốn tồn đọng khá lớn, việc tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng, hỗ trợ chính sách vẫn còn rất nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành sớm tháo gỡ khó khăn này để doanh nghiệp, HTX như chúng tôi đồng hành tốt hơn nữa với người chăn nuôi” - ông Chiến đề xuất.
Ông Phan Văn Đức – Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn cho biết, trước những thuận lợi của việc chế biến sâu sản phẩm nhung hươu nên 2 năm qua, ngoài việc tăng đàn thì tại các hộ cũng để sản phẩm nhung có trọng lượng lớn hơn trước mới xuất bán. Trước đây, bình quân mỗi cặp nhung có trọng lượng từ 0,8 -1,2 kg là người dân đã cắt bán, nhưng năm nay bình quân từ 1,3 -1,7 kg, nhiều cặp nhung “khủng” có trọng lượng 2,7-3,3 kg. Tính chung, sản lượng nhung trên địa bàn năm nay tăng khoảng 20% so với năm 2019, đạt khoảng 16 tấn.
Sau khi tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, các doanh nghiệp, HTX đã tham gia chế biến sâu sản phẩm từ nhung như: Nhung hươu tán bột, nhung hương thái lát, sấy khô, nhung hươu mật ong, rượu nhung hươu…
Nhung hươu Hương Sơn được biết đến là một trong bốn vị thuốc đại bổ cho sức khỏe con người. Sản phẩm nhung hươu được quảng bá, tiêu thụ mạnh hơn khi năm 2019 được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Hương Sơn” dùng cho sản phẩm nhung hươu.
Mặc dù có những khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng người chăn nuôi và kinh doanh sản phẩm từ nhung hươu trên địa bàn Hương Sơn vẫn tin tưởng, lạc quan và duy trì, phát triển nghề chăn nuôi truyền thống, góp phần không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cho thu nhập cao, ổn định.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã