Học tập đạo đức HCM

Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái rừng

Thứ hai - 04/07/2016 06:13

Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái rừng

Dải đất Lam Hồng, phía Đông là biển rộng, sông dài; phía Tây là rừng vàng đa dạng hệ sinh thái, cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm lại gắn chặt với lịch sử ngàn năm của dân tộc, chính là những tiềm năng, thế mạnh để Hà Tĩnh phát triển du lịch sinh thái rừng.


danh thuc tiem nang du lich sinh thai rung

Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ

Tiềm năng

Chiếm hơn 3/4 tổng diện tích tự nhiên, rừng Hà Tĩnh được coi là kho báu tài nguyên vô tận, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà. Đặc biệt, những cánh rừng xanh giữa đại ngàn đang chở mang nhiều giá trị lịch sử - văn hóa với hệ sinh thái phong phú, trở thành điểm trải nghiệm, khám phá hấp dẫn du khách thập phương. Tiêu biểu là Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên); thác Vũ Môn (Hương Khê); Khu Bảo tồn rừng quốc gia Vũ Quang, căn cứ địa Phan Đình Phùng (Vũ Quang); Khu du lịch nước sốt Sơn Kim, Khu du lịch sinh thái Hải Thượng (Hương Sơn)...

Chúng tôi đã có dịp theo chân các đoàn du khách ngược về vùng hồ Kẻ Gỗ thăm thú, trải nghiệm cảnh vật thiên nhiên kỳ thú. Mùa hè năm nay, do sự cố môi trường biển, các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng, lượng khách đến các khu du lịch sinh thái rừng trên địa bàn Hà Tĩnh nói chung và hồ Kẻ Gỗ nói riêng tăng. Nằm cách trung tâm TP Hà Tĩnh chưa đầy 20 km về phía Tây Nam, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ có diện tích tự nhiên 35,159 ha, thuộc địa phận 3 huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Hương Khê. Hồ Kẻ Gỗ là công trình đại thủy nông với trữ lượng 350 triệu m3 nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hồ Kẻ Gỗ còn là nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào cho các vùng dân cư với chiều dài hơn 30 km. Hồ tựa như chiếc gương khổng lồ soi bóng núi, rừng cây ngút ngàn.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ được bao phủ bởi rừng với nhiều loại cây gỗ quý có tên trong sách đỏ Việt Nam như: lim xanh, sến mật, gụ, lau, vàng tâm, trầm hương, song mật, lát hoa, côm bạch mã, chùm bao Trung bộ, bời lời vàng v.v... Đến nay, tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã phát hiện được 364 loài động vật có xương sống, trong đó có đến 18 loài thú, động vật quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới. Rừng Kẻ Gỗ cũng là xứ sở của các loại mộc lan, phong lan đẹp và quý như quế hương, tai tượng, tai trâu, đuôi chồn, nghinh xuân, phượng vĩ v.v... Giữa dòng nước chảy xiết vẫn có những loài cây sinh trưởng và tỏa bóng mát. Mặt hồ Kẻ Gỗ còn được điểm trang bởi nhiều ốc đảo nhỏ. Nơi đây có di tích miếu thờ các liệt sỹ hy sinh tại sân bay dã chiến Libi, đền thờ Tổng Bí thư Lê Duẩn…

danh thuc tiem nang du lich sinh thai rung

Vũ Môn - một trong những danh thắng thiên nhiên kỳ vĩở Hương Khê

Cùng với Khu du lịch sinh thái Kẻ Gỗ, Hương Khê có thác Vũ Môn - một trong những danh thắng thiên nhiên kỳ vĩ lưu giữ nhiều truyền thuyết dân gian. Thác Vũ Môn nằm trên dãy núi Giăng Màn (Khai Trướng), ở phía Tây Nam huyện Hương Khê, với độ cao 1.700m so với mực nước biển. Theo truyền thuyết, đây là chỗ hàng năm cá chép thi vượt thác để được hóa rồng: “Mồng bảy cá đi ăn thề. Mồng tám cá về vượt thác Vũ Môn”. Thác Vũ Môn có 3 cấp nước, mỗi cấp có hình chài, dài khoảng 40m, như một dải lụa mềm trắng vắt qua núi tuyệt đẹp và tiếng nước chảy ngân vang. Ở đây, quanh năm như chìm trong sương mù; mùa hè rất mát mẻ, nhiệt độ khoảng 18-20oC.

Đặc biệt, du khách đến Hà Tĩnh sẽ tiếc thầm khi chưa khám phá vẻ đẹp kỳ vĩ của núi non, sông suối và các loại động vật, thực vật hoang dã quý của rừng quốc gia Vũ Quang. Giữa những cánh rừng nguyên sinh giàu hệ sinh thái là căn cứ địa Phan Đình Phùng, một trong những địa danh liên quan đến cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1895) gắn với những trận đánh, những tên tuổi như Cao Thắng, Phan Đình Phùng. Tọa lạc trên độ cao 800m so với mặt nước biển, thuộc khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa với nhiệt độ trung bình năm 23oC, Vườn quốc gia Vũ Quang và căn cứ địa Phan Đình Phùng nằm ở vị trí quan trọng trong dãy Trường Sơn, nơi rừng núi hiểm trở nằm phía Tây xã Hương Quang, có con sông Ngàn Trươi chảy qua với các suối Sa Vách, đỉnh núi Rào Cỏ, dãy núi Giăng Màn… nay đều thuộc Vườn quốc gia Vũ Quang. Khu căn cứ địa Phan Đình Phùng có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Theo kết quả điều tra của các chuyên gia trong nước và quốc tế, Vườn quốc gia Vũ Quang có tới 76% diện tích rừng nguyên sinh với nhiều loài gỗ quý như: cẩm lai, lát hoa, lim, dổi, trầm hương... Theo thống kê, rừng quốc gia Vũ Quang có tới 60 loài thú, 187 loài chim, 38 loài bò sát, 26 loài lưỡng cư quý hiếm. Ngoài ra, Vườn quốc gia Vũ Quang còn có 36 loài phụ thú đặc hữu của khu rừng Trường Sơn Bắc như: voọc vá chân nâu, voọc Hà Tĩnh, vượn má vàng… Đặc biệt, tại đây, năm 1993 đã phát hiện được 2 loài thú lớn mới là sao la, còn gọi là dê rừng dài và mang lớn.

Bởi tính đa dạng sinh học cao và với việc phát hiện 2 loài thú mới, Vũ Quang đã trở thành địa chỉ du lịch sinh thái đầy tiềm năng. Tại đây, du khách có thể thực hiện những chuyến du lịch mạo hiểm, khám phá những bí ẩn bất ngờ của rừng; hay tham gia tour du lịch thể thao đến thác Vũ Môn theo huyền thoại cá chép hóa rồng…

Phát triển du lịch sinh thái rừng là tất yếu

Nhiều năm qua, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cùng với việc tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh và nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái rừng đã được quan tâm phát triển theo hướng tích cực. Nhiều khu du lịch sinh thái gắn với du lịch rừng đã được đầu tư khai thác hiệu quả.

danh thuc tiem nang du lich sinh thai rung

Cảnh quan khu du lịch sinh thái Sơn Kim.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Lê Trần Sáng chia sẻ: Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế được thiên nhiên ban tặng, những năm qua, tỉnh đã quy hoạch phát triển các khu du lịch sinh thái rừng trên cơ sở kêu gọi thu hút đầu tư phát triển theo hướng xã hội hóa. Trong đó, vùng hồ Kẻ Gỗ đã được xác định là một trong những trọng điểm du lịch ưu tiên đầu tư trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2005-2020. Vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch hồ Kẻ Gỗ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Đây cũng là cơ sở để triển khai lập quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch.

Theo thiết kế, Khu du lịch hồ Kẻ Gỗ sẽ được đầu tư xây dựng với quy mô 4.816 ha (bao gồm diện tích mặt nước 2.030 ha, đất đồi núi thấp ven hồ và đất hiện trạng khoảng 2.786 ha), trên địa bàn 2 xã Cẩm Mỹ và Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên), theo đúng tính chất của một khu du lịch sinh thái tổng hợp với các dịch vụ đa dạng, chất lượng cao, góp phần tạo động lực phát triển du lịch cho cả vùng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Thị Bảo Ngọc chia sẻ: “Hiện nay, huyện đang xúc tiến lập các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống các dịch vụ để xây dựng nơi đây thành khu du lịch sinh thái tổng hợp với nhiều loại hình giải trí như đua thuyền, lướt ván, leo núi, câu cá, cùng các khu thể thao tennis, cầu lông, bóng chuyền, xây dựng vườn thú, vườn chim, vườn cây cảnh”.

Các huyện Hương Khê, Hương Sơn và Vũ Quang cũng đã được tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch sinh thái lâm viên theo hướng bền vững. Theo đó, Hương Khê đang kêu gọi thu hút đầu tư các dự án khu du lịch thác Vũ Môn theo hướng xã hội hóa. Trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, huyện đã triển khai dự án xây dựng Khu du lịch sinh thái rừng quốc gia Vũ Quang gắn với căn cứ địa Phan Đình Phùng với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng và hiện nhiều hạng mục như khu tượng đài Phan Đình Phùng đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Hương Sơn đang tích cực đầu tư nâng cấp Khu du lịch nước khoáng nóng Sơn Kim và tiếp tục triển khai đầu tư giai đoạn 2 Khu du lịch sinh thái Hải Thượng theo hướng xã hội hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Giám đốc Công ty Quý Gia Nguyễn Xuân Lợi chia sẻ: “Từ đầu hè lại nay, Khu du lịch sinh thái Hải Thượng đã đón hơn 200 đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế với hơn 25.000 lượt, do đó, hệ thống dịch vụ nghỉ dưỡng luôn bị “cháy phòng”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh, hoạt động đầu tư, khai thác phát triển du lịch sinh thái của tỉnh ta chưa thật xứng tầm với tiềm năng. Tỉnh luôn xác định, phát triển du lịch sinh thái rừng là tất yếu. Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh đang tập trung chỉ đạo ngành VH-TT&DL và các địa phương tích cực thu hút đầu tư, tập trung mở mang sản phẩm, loại hình để du lịch sinh thái rừng trở thành mũi nhọn phát triển KT-XH của tỉnh nhà.

Theo Quang Sáng/baohatinh.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập613
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại786,206
  • Tổng lượt truy cập93,163,870
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây