Học tập đạo đức HCM

Lên Tây Côn Lĩnh ngắm ruộng bậc thang

Thứ bảy - 15/09/2012 23:33
Đã nhiều lần lên Tây Côn Lĩnh, chụp không biết bao nhiêu ảnh, từ thời "máy cơ" chụp phim cho đến thời "kỹ thuật số" hiện đại hôm nay, vậy mà lần nào trong tôi cũng dâng trào cảm xúc mỗi khi bấm máy và quả thật cũng chưa chụp được bức ảnh nào ưng ý với mình. Lần này thì không đơn giản chỉ là cảnh sắc thiên nhiên, là bậc thang ruộng, bậc thang vườn, bậc thang xóm làng mà có cả bậc thang "cảm xúc" mãnh liệt. Ngày mai 16-9, hệ thống những thửa ruộng huyện Hoàng Su Phì của Hà Giang trên dãy Tây Côn Lĩnh đón nhận Bằng " Di tích Quốc gia ruộng bậc thang".
 

 
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì vào mùa gặt.   ( Ảnh: HỒ SĨ TRUNG )
 
Chộn rộn cho chuyến đi sáng tác, trở lại với những thửa ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, một chuyến đi đến nơi "đất quen mà lạ", bởi lần nào cũng vậy, không thể cưỡng lại tay máy, chỉ còn việc "bấm và bấm" rồi khi ra về lại tiếc ngẩn ngơ và cũng có muôn vạn cái "giá như". Ðây là một trong hai di tích Quốc gia về ruộng bậc thang trong cả nước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận. Năm 2007, khu ruộng bậc thang long lanh đến mê hồn của ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã được đón nhận "Bằng di tích". Ðể rồi có lần tôi phải đi xe ôm lên tận nơi, tận mắt chứng kiến mùa vàng hòa vào mây trời, hòa vào mưa nắng, hòa vào sắc phục người Mông mà say cái kiệt tác nằm trong cảm tác những người nông dân "cầm cuốc thay cầm bút vẽ". Còn lần này, đi bằng cảm xúc của "người viết" và "người chụp", bằng niềm tự hào bởi tôi cũng là người Hà Giang, người ít nhiều đã chia mưa nắng với vùng cao nguyên đá này.

Khi đứng trước thiên nhiên ở xã Bản Luốc hay xã Sán Sả Hồ... nhìn những "bậc thang hạnh phúc" bám vào núi, vào làng, vào bản, tôi không khỏi tự hào về sức lao động, sáng tạo đến không cùng của đồng bào quê khó. Những bậc thang hạnh phúc ấy đâu dễ hình thành một sớm, một chiều, nó đã xuyên suốt bao cuộc đời với những bản "lý lịch: canh nông vi bản", và cũng theo quy luật của tạo hóa để định hình nên một kiểu ruộng như "dán tranh thủy mạc vào vách núi". Chẳng thế mà "ruộng bậc thang, những nấc thang hạnh phúc" của Việt Nam đã được nhiều tạp chí trên thế giới bình chọn. Mới đây là ruộng bậc thang Sa Pa của tỉnh Lào Cai "lọt vào mắt xanh", đứng trong tốp bảy của những "Kỳ quan ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới" cùng những ruộng bậc thang: Banaue của Phi-li-pin, Yuangyang của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; Ubud của Ba-li ở In-đô-nê-xi-a; Annapurna của Nê-pan; Mae rim ở Chiềng Mai của Thái-lan và Long Ji ở Quế Lâm, Trung Quốc.

Từng đi nhiều vùng núi cao có ruộng bậc thang, nhưng với riêng tôi, chưa có một vùng ruộng bậc thang nào đẹp như Bản Luốc, Sán Sả Hồ trên dãy Tây Côn Lĩnh. Ðó là độ chia cắt mạnh, độ dốc lớn, có những ánh nắng le lói như thốt lên lời tâm tình, bản "nhạc núi" và mây sương giăng đủ bốn mùa. Lần đi với anh Nhân, hồi ấy anh còn làm Phó Văn phòng Huyện ủy Hoàng Su Phì, anh bảo tôi: "Lạ, rất lạ chú ạ, sáng đến chụp ảnh một khác, trưa đến chụp một khác, chiều chụp lại khác... và lúc nào cũng đẹp, thậm chí là rất đẹp. Có lẽ cháu phải mua máy ảnh để đi chụp thôi, chụp bằng máy điện thoại không "đã" đâu, về nhìn tấm ảnh xót ruột lắm...". Rồi khi sang làm Trưởng phòng Văn hóa huyện, anh lại say, rất say với ruộng bậc thang, với "bậc thang hạnh phúc".

Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì được công nhận là di tích quốc gia đợt này nằm ở thôn Nậm Lỳ của xã Bản Luốc và thôn Lủng Dăm của xã Sán Sả Hồ, đây là hai khu ruộng của người dân tộc Nùng và người Dao áo dài. Hai xã Bản Luốc và Sán Sả Hồ đều nằm ở phía nam và tây - nam huyện, cho nên hầu như ruộng bậc thang quay theo hướng bắc - nam nhiều hơn các hướng khác. Cũng tại nơi ấy có nguồn nước dồi dào, có thế đất đỡ dốc hơn các hướng còn lại, ruộng vườn cũng mượn "thế núi, hướng sông" mà định hướng cho mình. Với tổng diện tích tự nhiên của hai xã cộng lại là gần bốn nghìn ha, thì ruộng bậc thang của hai thôn trung tâm di tích là 25,9 ha. Thôn Nậm Lỳ nằm bên bờ phải, thôn Lủng Dăm nằm bên bờ trái con suối Thầu, xuôi theo dòng chảy để cho ra hình hài một di tích ruộng bậc thang vừa kỳ vĩ, vừa hữu tình.

Ðứng tựa lưng vào tả ly dương của con đường liên thôn trên sườn đồi Nậm Lỳ, thả tầm nhìn xuống những nét vẽ bậc thang thấy rõ bốn mùa với những sắc thái, hình ảnh như trong huyền thoại. Kia là trảng ruộng có hình "cánh chim bay" ngang trời, kia là "bàn chân của đất", bên này là "bộ xương cá voi" khổng lồ, bên kia là "bàn tay tạo hóa"... Với những người đã nhiều lần lên nơi đây như chúng tôi mà vẫn say đến mê mệt bức tranh tuyệt đẹp này của tạo hóa. Mà nghĩ cho cùng, ai không say sao được, đến cụ bà Hoàng Thị Chín, năm nay 83 tuổi, người dân tộc Nùng, sinh ra lớn lên trên vùng đất này và đã tự tay mình phạt núi, đắp bờ, thau nước... góp mồ hôi công sức và những năm tháng cuộc đời vào ruộng bậc thang hạnh phúc, còn đứng tựa lưng vào cây rừng xem tôi chụp ảnh. Ðến khi chụp xong mời cụ xem ảnh, cụ cười để lộ cả hai hàm nguyên lợi, không răng: "Ðẹp, đẹp quá cháu nhỉ. Nhìn cả cái quả núi thế này không hết, cháu cho nó vào cái ảnh, nó đẹp, đẹp quá. Muốn cháu cho bà một cái bằng giấy bà xem, bà treo lên vách nhà cho đẹp và có nhiều người xem cái đẹp nhé...".

Với độ cao trung bình trên bảy trăm mét so với mực nước biển, thiên nhiên nơi đây đã ban phát cho đồng bào Nùng, đồng bào Dao áo dài một cảnh sắc có một không hai. Nghe chuyện "chôn đá" thật mà như bịa, vậy mà cụ bà Hoàng Thị Chín bảo chính cụ cũng tham gia cùng anh em trong bản "chôn" nhiều đá lắm rồi. Lên cao nguyên đá, xem cạy đá đắp bờ giữ mùn đất, giữ chút nước sương trời nuôi cây. Còn bây giờ lên cao nguyên đất trên Tây Côn Lĩnh xem "chôn đá" giữ ruộng, giữ núi, mà giữ luôn cả cuộc sống xanh cho bao đời.

Khi bắt đầu cắm "phạt" khai địa, mở sườn đất núi lúc gặp nhiều đá "mồ côi" thì biết bỏ đi đâu? Thế là đồng bào tôi nghĩ ra cách "chôn đá". Chỉ còn cách "đổi đá lấy đất" làm cho nền ruộng vững hơn, sườn dốc vững chãi hơn. Một cuộc "hiếu hỷ" với đá cùng đất núi ra đời, cứ đào hố chôn những hòn đá to xuống nền ruộng, phủ đất lên trên, sao cho đủ sâu để khỏi làm gãy lưỡi cày là được. Ði cùng chúng tôi, ông trưởng thôn Nậm Lỳ bảo: "Nền ruộng trông thì phẳng đất, phẳng bùn thế thôi, chứ ít nhất mỗi thửa ruộng ôm vào sườn núi kia cũng phải có vài ba chục hố chôn đá. Ðó cũng là cách thoát nước cho núi, cũng là cách làm chắc cho sườn dốc, cho những mảnh ruộng chồng tiếp lên cao, lên cao mãi...".

Có thể nói ruộng bậc thang ở Nậm Lỳ và ở Lủng Dăm không có độ dốc cao lắm như ở Nậm Ty, như trong Bản Péo và nhiều vùng khác. Không có những ruộng bậc thang ôm trọn quả núi, quả đồi, không vươn lên cao vút như nhiều xã trong huyện nhưng bù lại bậc thang trong di tích lại trải dài ôm sóng núi, ôm lấy con suối Thầu 2, mặt ruộng rộng tạo ra một hình ảnh đầy ấn tượng. Những vòng tay ôm khi vàng, khi xanh, khi trắng nước, một "công trình tự sáng tạo" của nông dân như một trang sách mở trước gió, được lật hết trang này sang trang khác. Chưa ai biết rõ và khẳng định thời gian "khai địa" của ruộng bậc thang nơi đây có từ khi nào, chỉ biết rằng trong báo cáo của thời Pháp thuộc cách đây 97 năm có ghi: "Những năm gần đây người dân sống trên Tây Côn Lĩnh, Hoàng Su Phì, Việt Nam có khai thác sườn núi, sườn đồi làm ruộng bậc thang chuyển sang trồng lúa nước. Diện tích được khai phá đến vài trăm ki-lô-mét vuông, bởi việc làm nương rẫy khó khăn, cây trồng kém phát triển không đủ sống...".

Như vậy có thể khẳng định ruộng bậc thang nơi đây đã ra đời trên dưới một trăm năm, hình thành những kinh nghiệm đúc rút trong việc đào sườn dốc, đắp bờ, san mặt ruộng, khai dòng nước để phát triển cây trồng dựa theo từng mùa vụ. Những khu ruộng bậc thang trên Hoàng Su Phì nói riêng và trong cả nước nói chung là sự sáng tạo đến phi thường của những người nông dân trong sự chia sẻ với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để cùng tồn tại. Một biểu tượng văn hóa, một sự thích ứng, ứng xử đầy trách nhiệm với núi rừng, với những vùng đất dốc. Cũng nhờ có ruộng bậc thang để việc "du canh, du cư" không còn tồn tại, giữ rừng, giữ đất, xây dựng cuộc sống cộng đồng, hình thành những khu dân cư một cách bền vững. Một hình thức canh tác phù hợp, thu được nhiều kết quả, hiệu quả từ điều kiện tự nhiên, Hoàng Su Phì - Nậm Lỳ - Lủng Dăm là một điểm nhấn điển hình cho ruộng bậc thang và cuộc sống của đồng bào dân tộc ít người vùng núi đất. Như ruộng bậc thang của đồng bào La Chí ở Bản Phùng, ruộng bậc thang ở Hồ Thầu, Nậm Ty, Thông Nguyên của người Dao áo đỏ, ruộng bậc thang ở Bản Máy, Bản Luốc, Chiến Phố, Sán Sả Hồ... của người Nùng. Người Nùng và người Dao đã quần cư trên vùng đất Bản Luốc, Sán Sả Hồ này từ bảy đến chín thế hệ và ruộng bậc thang đã trở thành sự gắn kết máu thịt giữa con người và thiên nhiên, giữa sự sống và rừng núi. Một sự trao đổi đầy tính lịch sử để tạo ra vùng đất vùng người.

Qua giá trị kinh tế, giá trị văn hóa, giá trị lịch sử... ruộng bậc thang của đồng bào Nùng, đồng bào Dao áo dài ở Bản Luốc, ở Sán Sả Hồ còn là tâm điểm cho bức tranh đầy sắc màu trên Tây Côn Lĩnh. Bằng sức lao động không mệt mỏi, bằng sự sáng tạo có cả chiều dài thế kỷ, người họa sĩ "nông dân" đã cho ra đời một kiệt tác đầy màu sắc, một công trình kiến trúc vĩ đại. Công trình ấy đã trả công đồng bào quê tôi bằng những mùa vàng trĩu hạt, bằng những mùa thả tiếng mõ trâu vào không gian thanh bình, bằng những mùa hoa đào đỏ rừng, để ánh mắt em gái Nùng, Dao lúng liếng, trao quả còn bay qua vòng đỏ, trao quả pao qua bàn tay dệt vải se lanh...

Nguyễn Quang
Theo nhandan.com.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập263
  • Hôm nay20,706
  • Tháng hiện tại392,095
  • Tổng lượt truy cập90,455,488
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây