Học tập đạo đức HCM

Người hiểu được tiếng chim

Chủ nhật - 15/11/2015 09:04
Yên Thành (Nghệ An) là vùng rừng núi rộng lớn và hữu tình, thế nhưng bầy cò trắng lại chỉ chọn nhà anh Vũ Văn Ngân ở xóm 10 (xã Lý Thành) làm nơi trú ngụ. Như một duyên nợ với đàn cò, anh Ngân đã dành nhiều thời gian, công sức và tình cảm để bảo vệ, níu giữ bầy chim trắng. Người dân nơi đây bảo rằng, anh hiểu được tiếng chim và có thể trò chuyện được với chúng…

Vườn cò nhà anh Ngân

Duyên nợ với đàn chim

Về Lý Thành, từ xa chúng tôi đã nhìn thấy những cánh cò trắng lượn bay trên các ngọn cây phía chân đồi. Càng đến gần, tiếng kêu, tiếng vỗ cánh cộng hưởng của hàng ngàn con chim inh ỏi, huyên náo cả một vùng. Đứng trước sân nhà anh Ngân, có thể dễ dàng nhận ra cơ man nào là cò trắng, sếu, vạc, vàng anh, sáo, yểng…, chúng bay lượn rợp cả khoảng trời rộng lớn.

Anh Giang Đống, người dẫn đường cho chúng tôi chỉ người đàn ông đang bơi dưới ao sau nhà: “Ngân đó, anh ta đang cứu hộ cò”. Ngân có dáng người vạm vỡ, da dẻ đỏ như đồng hun, vừa bế 2 chú cò con từ ao lên vừa nói: “Trận gió lớn lúc đêm làm mấy chú cò non này rơi xuống. Tội nghiệp, nếu không phát hiện kịp thì chúng chết mất. Các anh vào nhà chơi, chờ em đưa mấy con cò này về chỗ của chúng”. Nói rồi thoắt cái, Ngân đã lẩn vào đám bụi tre trả những chú cò non về tổ. Như đã quá quen với việc làm của chủ, hàng ngàn con chim vẫn yên vị mà không bay đi.

Vườn của anh Ngân chủ yếu là tre, tràm, keo, bạch đàn và bời bời lâu năm. Hàng trăm tổ chim lúc lỉu trên những cành cây, vỏ trứng, phân chim trắng cả lối đi. Theo Ngân thì vườn chim này có từ thời ông nội anh. ông anh kể rằng: vào tiết Bạch lộ tháng 8/1950, đột nhiên cò ở đâu bay về đậu trắng cây. Cơ man nào là cò, chúng bay lượn lung tung húc cả vào người, sà vào nhà. Lúc đó trẻ con, người lớn xách súng cao su, có người còn lấy đất đá để ném, thế là cò bay hết. Không ngờ chỉ ít phút sau chúng lại quay về và tới chiều hôm sau thì về và ở lại.

Anh Ngân cứu hộ cò.

Theo những bậc cao niên trong làng thì ông nội và cha anh Ngân là những người hết lòng bảo vệ đàn chim. Những năm giáp hạt đói kém, thà ăn rau, ăn sắn trừ bữa, cũng không bắt cò đem bán để mua gạo. Đến đời anh Ngân cũng vậy, luôn hết lòng yêu thương và bảo vệ chúng. Ngân tâm sự: Từ thuở nhỏ tui đã được ông nội dạy rằng: “Đất lành chim đậu, ở Yên Thành lắm rừng nhiều cây sao chim không ở mà lại về vườn nhà mình.Con hãy ghi nhớ điều này: Phải giữ gìn và bảo vệ. Hãy yêu thương lấy chúng”.

Để níu giữ đàn chim ở lại và phát triển ngày một đông đúc, Ngân dành nhiều thời gian, công sức và tình cảm cho đàn chim. Ngân kể: “Từ khi ông nội mất, nhiều người vào vườn săn bắn chim. Những tay săn chim ở nơi khác cũng kéo về, chim bay loạn xạ, đêm đến họ còn soi đèn bắn và bẫy nhựa. Hồi đó tui còn nhỏ, nhìn họ bắn chim chết, tui khóc dữ lắm. Năm 10 tuổi, tui dẫn theo đứa em, đêm đến nhặt từng rổ đá ra vườn trực không cho họ bắn chim”.

Khi lớn lên, lấy vợ sinh con cũng thế, Ngân kiên quyết bảo vệ bầy chim. Ngân lấy nhiều tấm ván dùng sơn viết lên dòng chữ: “Cấm săn bắn chim” cắm xung quanh vườn. Rồi anh đi từng nhà có trẻ con khuyên các cháu và nói với ông bà, cha mẹ nhắc nhở con em không dùng súng cao su bắn chim. Ngân đến cả trường học để nhờ nhà trường tuyên truyền về việc bảo vệ đàn chim là bảo vệ môi trường. Đối với những người đi săn nói không được, Ngân tịch thu súng. Anh em họ hàng đến xin anh bắt mấy con để cải thiện bữa ăn anh cũng không cho. Một số cán bộ huyện, xã đến xin vào vườn anh cũng lắc đầu. Chị Ánh, vợ anh Ngân, tâm sự: “Có những khi gia đình gặp khó khăn, nhiều người đến mua cả đàn bằng cách bẫy lưới với giá 10.000 -15.000 đồng/con, không những không bán, anh còn đuổi họ ra khỏi nhà. Lúc đầu tui cũng tức lắm nhưng dần dần hiểu ra việc anh ấy làm là đúng nên đã cùng con cái ra sức bảo vệ đàn chim”. Ngân nói với tôi, giọng trầm buồn: “Tui bảo vệ chim nên mất lòng hàng xóm, anh em nhiều lắm. Nhưng tui thà mất lòng họ còn hơn mất lòng chim. Người ta chưa hiểu rồi họ hiểu, còn chim đã bỏ đi thì khó có thể quay về”. 

Có một năm đến cữ cò về (15-20/3/2010 âm lịch) mà vườn cây vắng lặng chưa thấy gì, Ngân cứ thẫn thờ vào ra như người mất hồn và bật khóc khi chiều đến mà không thấy một cánh cò nào. Nhưng rồi, mấy ngày sau, từng đàn cò trắng lại rủ nhau trở về bên anh. Ngân vui mừng nhảy cẫng lên như đứa trẻ nói với vợ: “Anh với cò có duyên nợ, nó nhớ anh nên nó không bỏ được anh”. 

Hiểu được tiếng chim

Đêm đó, Ngân mời chúng tôi ở lại nghe tiếng khóc của chim non. Khi cả miền quê đã chìm vào giấc ngủ, chúng tôi bắt đầu nghe nhiều tiếng chim non kêu chiêm chiếp, lúc yếu ớt, lúc dồn dập trong đêm. Ngân trầm buồn: “Ở Nghệ An, huyện, xã nào cũng có người bẫy cò để bán. Tiếng cò mà anh đang nghe là tiếng khóc của những con chim non mất bố mẹ. Nghe chim non khóc vì đói, mất bố mẹ mà nhiều đêm tôi không ngủ được.” 

Có lẽ gắn bó và yêu thương đàn chim nên suốt nhiều năm - đến hẹn lại lên, cứ đến cữ 15-20/3 âm lịch, từng đàn cò trắng lại rủ nhau về vườn nhà anh trú ngụ, làm tổ cho đến tháng 9 mới tạm chia tay anh để đi tránh rét.

Hiện, Ngân đang trồng thêm tràm, keo và mở rộng ao giữa vườn để tạo điều kiện thuận lợi cho bầy chim trú ngụ và làm tổ. Tất cả những việc anh làm như một duyên nợ với bầy chim trắng.

Việc anh làm không những bảo vệ môi sinh môi trường mà còn là tấm gương giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng nhân ái và tình yêu thiên nhiên; làm đẹp thêm cảnh quan vùng đất Yên Thành nhiều sông núi, nổi tiếng là địa linh nhân kiệt này.

Nay, vườn anh Ngân không chỉ có cò trắng mà nhiều loại chim khác cũng kéo nhau về làm tổ. Mảnh đất lành và tấm lòng của anh đã trở thành mái ấm thân thiết cho các loài chim; con người anh như giao hoà với thiên nhiên tạo nên vườn chim sinh thái độc đáo bậc nhất miền quê xứ Nghệ.

Theo Tiến Dũng/kinhtenongthon.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập461
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm460
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại861,614
  • Tổng lượt truy cập92,035,343
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây