Mười hai năm trước, ông Như cùng gia đình từ huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) lên xã Phước Bình, của huyện miền núi Bác Ái để khai hoang lập nghiệp. Huyện Bác Ái với trên 90% dân số là đồng bào thiểu số Raglai, vốn nổi tiếng về những bộ đàn đá cổ. Chung sống với bà con Raglai, nên âm vang đàn đá của đại ngàn không biết từ lúc nào đã “hút hồn” ông Như. Vậy là tranh thủ những lúc rãnh rỗi, ông Như lại lang thang ở nhiều vùng núi Bác Ái, tìm những phiến đá… “biết nói”, thuê xe chở về nhà cũ ở huyện Ninh Sơn để dành.
Ông Như biểu diễn đàn đá như một món quà đãi khách từ miền xuôi lên thăm
Năm 2011, khi số đá sưu tập đủ làm đàn, ông Nhu bắt tay vào mài dũa, chế tác. Với vốn nhạc lý thời học sinh phổ thông, ông Như dùng đàn ghi ta để định âm từng phiến đá và nhờ một nhạc sĩ công tác ở Trung tâm Văn hóa huyện Bác Ái thẩm âm cho bộ đàn đá.
Ông Như bảo để có được bộ đàn đá 13 phiến, nặng gần 100 kg hiện nay, ông đã phải mất mười năm tìm kiếm, tuyển chọn hàng chục ngàn phiến đá. Phiến đá lớn nhất trong bộ đàn đá dài 52 cm, rộng 22 cm, dày 3cm, nặng khoảng 7 kg; phiến nhỏ nhất dài 28 cm, rộng 6 cm, dày 3cm, nặng khoảng 2 kg. Vào dịp lễ hội của bà con Raglai hay khi có bà con, bạn bè từ dưới xuôi lên thăm, ông Như lại mang đàn đá ra biểu diễn những bài ca cách mạng quen thuộc như: Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Tiếng đàn Ta Lư, Cô gai vót chông… như món quà đãi khách.
“Thanh âm thì khá hay nhưng tới giờ các cơ quan chức năng của tỉnh cũng chưa thẩm định bộ đàn đá này có giống với đàn đá cổ của người Raglai hay không. Nếu có cán bộ văn hóa đủ trình hướng dẫn tôi chế tác đàn đá xưa, để lưu giữ những âm thanh tuyệt vời của đá núi đại ngàn thì còn gì bằng.” – ông Như bộc bạch.