- Thưa Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự, một trong những giải pháp quan trọng tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2014 đã được chúng ta tổng kết, đánh giá - đó là công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của UBND tỉnh ngày càng được đổi mới, đi vào chiều sâu và hiệu quả. Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh có thể chia sẻ về điều này?
Thời gian qua, UBND tỉnh đã nghiên cứu và đưa ra các nhóm giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, đã quy định rõ trách nhiệm, phạm vi, cách thức giải quyết công việc của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng như giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, giám sát chặt chẽ và tổ chức kiểm tra thường xuyên tại các cơ quan, đơn vị, gắn kiểm tra, thanh tra công vụ; xây dựng các chế tài chi tiết xử lý đối với các đối tượng vi phạm và xây dựng cơ chế sàng lọc, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức gắn chặt việc chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 158. Ngày 25/11/2013, đề án 3713 được UBND tỉnh ban hành, đưa ra những giải pháp cụ thể, quyết liệt để nâng cao chất lượng hoạt động của các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã.
Kết quả cụ thể của việc tổ chức lãnh đạo, điều hành và quản lý ngày càng khoa học, hiệu quả của UBND tỉnh thời gian qua thể hiện rõ nét nhất là chúng ta đã triển khai sớm, có chất lượng các nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành. Chúng ta đã hoàn chỉnh được quy hoạch tổng thể và đang tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh các quy hoạch chi tiết ở các địa phương, ngành, lĩnh vực. Hệ thống cơ chế, chính sách được thực hiện khả thi, đồng bộ. Quá trình chỉ đạo các nhiệm vụ phát triển KT-XH có sự hài hòa, cân đối giữa “diện” và “điểm”; cân đối giữa các khu vực, lĩnh vực và ngành.
Công tác chỉ đạo, điều hành kiên định, sáng tạo, quyết liệt và sâu sát đã giúp bộ máy chính quyền có đủ năng lực để điều hành một khối lượng công việc lớn với nhiều chiến lược mới. Đặc biệt, chúng ta đã điều hành được cả một đại công trường, quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế với sự hội nhập sâu kinh tế thế giới; có chiến lược để kết hợp nội lực và ngoại lực, khơi dậy được tổng hợp các nguồn lực cho phát triển. Đồng thời, đã rất kiên trì, bền bỉ trong xây dựng các mô hình trên các lĩnh vực KT-XH để tổng kết và nhân ra diện rộng.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn Keppel tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh diễn ra ở Singapore (tháng 11/2014). Ảnh: Bá Tân |
- Đổi mới này là yếu tố nền tảng để tỉnh ta thực hiện thành công các chương trình, mục tiêu phát triển KT-XH trong điều kiện bối cảnh quốc tế, trong nước còn nhiều khó khăn. Theo Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm chúng ta đúc rút được là gì?
Phải nói thế này mới đúng, công tác chỉ đạo điều hành là một trong những giải pháp căn bản để chính quyền thực hiện hiệu quả vai trò lãnh đạo, chỉ đạo. Còn nguyên nhân quan trọng nhất giúp tỉnh ta triển khai thành công những giải pháp chiến lược, tạo nên kết quả nổi bật trong phát triển KT-XH năm qua, trước hết đó là cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn xóm, cộng đồng DN và các tầng lớp nhân dân đã vào cuộc thường xuyên, liên tục và quyết liệt. Nguồn lực của sự đoàn kết, thống nhất chung một ý chí, hành động, chính là nền tảng để Hà Tĩnh huy động tổng lực của nhiều dòng vốn (FDI, ODA, tín dụng, ngân sách, DN, nhân dân…) để tạo nên sự bứt phá trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chưa ra khỏi giai đoạn khủng hoảng... Đây vừa là nguyên nhân, vừa là bài học kinh nghiệm mãi mãi còn nguyên vẹn giá trị cho những giai đoạn phát triển mới.
Phân tích cụ thể hơn, có thể thấy, thời gian qua, chúng ta đã thành công khi thu hút được nguồn đầu tư từ nước ngoài (FDI) lớn nhất Việt Nam, vận dụng tốt nguồn ODA. Hai nguồn vốn này đã tác động tích cực đến nguồn ngân sách các cấp và thu hút được nguồn vốn tín dụng trên địa bàn. Cũng từ đó, huy động được nguồn lực quan trọng của các DN, HTX và đặc biệt là khơi dậy nội lực của người dân. Cùng với các kênh vốn này, Hà Tĩnh chẳng những thu hút những dự án trọng điểm mà còn khơi thông dòng chảy của các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo...
KKT Vũng Áng tăng tốc phát triển |
Hà Tĩnh trở thành điểm đến của 4 quốc gia lớn, đã đầu tư thành công vào Việt Nam là: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Singapore. Thành công của chiến lược xúc tiến đầu tư và lựa chọn đúng mũi đột phá công nghiệp đã giúp Hà Tĩnh hình thành các khu kinh tế (KKT) trọng điểm. Trong đó, KKT động lực - Vũng Áng với hàng vạn công nhân đang thi công các công trình trọng điểm đã tạo lực đẩy quan trọng cho phát triển TM-DV và là thị trường rộng lớn cho các sản phẩm nông nghiệp. Qua tính toán cho thấy, KKT này đang chiếm 79% GDP và 62% tổng thu ngân sách của toàn tỉnh. Với 3 lĩnh vực thế mạnh vượt trội là: cảng biển, luyện thép và nhiệt điện, KKT Vũng Áng không chỉ là trung tâm công nghiệp của cả nước mà còn của khu vực Đông Nam Á trong tương lai không xa. Đây là điểm đột phá để tỉnh ta đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, huy động nguồn lực để đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự kiểm tra tình hình sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên cát ven biển tại HTX Hằng Bảy (Thạch Văn). Ảnh: Nguyễn Oanh |
- Thưa Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh, sắp sửa khép lại nhiệm kỳ Đại hội 2010-2015, Hà Tĩnh đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Với những thành tựu lớn lao đó và yêu cầu nhiệm vụ mới, những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm mới sẽ được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo là gì?
Nền tảng vững chắc mà chúng ta đã xây dựng trong 4 năm nay, đó là sự phát triển nhanh, cao, liên tục và toàn diện trên các lĩnh vực. Riêng năm 2014, GDP của Hà Tĩnh đã vượt lên đứng đầu cả nước về tỷ lệ phần trăm, gấp 3,7 lần so với Quảng Trị, gấp 3,5 lần so với Quảng Bình, gấp 1,7 lần so với Nghệ An và Thanh Hóa; gấp 4,5 lần so với bình quân cả nước. Thu ngân sách của tỉnh đã chạm tới con số 12.000 tỷ đồng, gấp 11 lần so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rất nhanh và bền vững.
Từ cơ sở này, chúng ta nhận định rõ những cơ hội và thách thức đặt ra trong năm 2015 - năm có những sự kiện đặc biệt quan trọng nhưng cũng đã thể hiện không ít khó khăn. Đặc biệt là khi những biến động của tình hình thế giới sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới Hà Tĩnh, bởi chúng ta đã hội nhập sâu ngay trên sân nhà. Nhiệm vụ của năm 2015 hết sức nặng nề, vì nó không chỉ quyết định kết quả của các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII mà còn tác động lớn tới việc triển khai thực hiện kế hoạch trung hạn 2016-2020. Mục tiêu xuyên suốt đặt ra là phát triển nhanh, an toàn, bền vững và nguyên tắc là ưu tiên phát triển văn hóa - xã hội ngang tầm phát triển kinh tế; giữ vững ANTT, ổn định chính trị và công bằng xã hội; phát triển kinh tế bằng cả “2 chân”: nông nghiệp và công nghiệp, gắn với phát triển dịch vụ, giải quyết việc làm.
Trên cơ sở những định hướng chiến lược đó, năm 2015, cơ cấu đầu tư của tỉnh có sự ưu tiên lớn cho nông nghiệp, NTM, trong đó, chủ yếu tập trung cho sản xuất; ưu tiên bố trí nguồn vốn thỏa đáng cho phát triển văn hóa, thể thao, giáo dục; khuyến khích phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp chế biến (đặc biệt là chế biến sâu các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản); phát triển mạnh các DN, HTX, hộ kinh doanh cá thể. Các chỉ tiêu phấn đấu chúng ta xây dựng trong năm 2015 khá cao nhưng hoàn toàn có tính khả thi. Trong đó, cần quan tâm đầu tiên và đặt quyết tâm cao đối với việc thực hiện 3 chỉ tiêu: giảm nghèo, tăng GDP và tăng thu ngân sách.
Bộ mặt nông thôn Hà Tĩnh ngày càng khởi sắc |
Những giải pháp cũng là nhiệm vụ đột phá của năm 2015 đã được vạch ra rất rõ: Thứ nhất, tập trung cải cách hành chính với yêu cầu giảm tối đa thời gian và chi phí không minh bạch, trong đó, chú trọng tới cải cách từ yếu tố con người, kỷ cương hành chính. Thứ hai, hoàn thiện hệ thống quy hoạch đến năm 2020 đối với các lĩnh vực, ngành nghề. Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để khơi dậy các nguồn lực, trong đó, ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng NTM, công nghiệp phụ trợ, công nghệ chế biến sâu. Thứ tư, huy động tổng nguồn lực trong và ngoài tỉnh để xây dựng hạ tầng KT-XH, phát triển công nghệ thông tin; tiếp tục thu hút các dòng vốn bằng nhiều hình thức đầu tư, đặc biệt, khuyến khích đầu tư theo PPP (tư nhân đầu tư, Nhà nước hỗ trợ). Thứ năm, tập trung chỉ đạo, giải quyết khó khăn cho các DN, đảm bảo tiến độ các công trình, dự án trọng điểm. Cùng với đó là chú trọng tới việc siết chặt kỷ cương hành chính, tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các cấp, ngành; thường xuyên chỉ đạo đảm bảo QPAN, phòng chống tham nhũng… Tất cả các giải pháp đó thực chất là nội hàm của nhiệm vụ xuyên suốt là tái cấu trúc kinh tế, trước mắt, trên 3 trụ cột chính là công nghiệp, nông nghiệp, TM-DV, du lịch gắn với chuyển đổi cơ cấu lao động.
- Trên nhiều diễn đàn, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh đã nhắc tới cụm từ “đưa Hà Tĩnh ra khỏi danh sách tỉnh nghèo và phấn đấu để sớm lên tốp 2 tỉnh khá”. Mong muốn thiết tha này của Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh và các vị lãnh đạo tỉnh nhà đã nhìn rõ được tính khả thi?
Phải nói rằng, đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của mọi chủ chương, chính sách, của những chiến lược, giải pháp mà chúng ta đang xây dựng và nỗ lực thực hiện. Để có thể đi đến gần mục tiêu này là cả một quá trình phấn đấu qua nhiều năm, nhiều thế hệ. Và cho đến 4 năm gần đây, đích đến ngày càng rõ hơn khi tỉnh nhà đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, thể hiện trên các chỉ tiêu tăng trưởng GDP, cho thấy, chúng ta đã đủ căn cứ cả về chất và lượng để rút ngắn thời gian của lộ trình thực hiện mục tiêu nói trên. Đặc biệt, bình quân thu nhập đầu người của Hà Tĩnh từ chỗ thấp nhất khu vực, nay đã vượt xa mức bình quân khu vực với con số 35-40 triệu đồng/người/ năm. Hà Tĩnh đã đứng số 1 về thu nhập bình quân đầu người khu vực Bắc Trung bộ. GDP tăng nhanh, tăng cao, tăng liên tục 4-5 năm và đồng đều trên các lĩnh vực. Tăng trưởng vốn đầu tư xã hội đứng tốp đầu cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 23% (năm 2011) xuống chỉ còn 7,7% năm 2014. Đây là những căn cứ quan trọng để chúng ta hình thành một động lực mạnh mẽ, rõ rệt hơn cho mục tiêu thoát khỏi danh sách tỉnh nghèo, vươn lên tỉnh khá.
Mặt khác, nhìn từ thực tế phát triển của tỉnh nhà, nhân dân đang đặt những mong muốn, yêu cầu cao hơn, đòi hỏi hệ thống chính trị phải quyết liệt hơn nữa để đáp ứng mong đợi của nhân dân. Mà mong đợi của nhân dân là chính đáng, vì chúng ta đã có bước phát triển mới, đường nét, sắc thái mới trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ hiện nay cùng với kinh nghiệm điều hành những năm qua và những đường nét, sắc thái mới mà chúng ta đã có được, đang đặt nhiệm vụ cho BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới (2015-2020) phải khẳng định quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu đưa Hà Tĩnh thoát nghèo, bước vào tốp khá để tạo đà vươn tới vị trí các tỉnh tốp đầu cả nước trong khoảng 10 năm tới.
Đưa Hà Tĩnh ra khỏi danh sách tỉnh nghèo cũng chính là thực hiện mong muốn mỗi người dân đều được nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Và đó cũng chính là đáp số của mọi chủ trương, chính sách, của sự nỗ lực, quyết liệt, nghiêm túc và tâm huyết mà toàn tỉnh đang dồn sức thực hiện trong những năm qua.
Mai Thuỷ - Đình Trung
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;