Hơn một thập kỷ bám cơ sở, ăn cùng dân, ngủ cùng dân, cầm tay chỉ việc từng cán bộ, đảng viên, quần chúng, đến bây giờ có thể khẳng định lợi ích phong trào NTM đem lại cho nhân dân Hà Tĩnh cực kỳ to lớn và ý nghĩa. Thước đo chính là sự hài lòng của người dân; hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư bài bản, hiện đại; đời sống tinh thần, vật chất của bà con ngày càng được nâng lên.
Những năm đầu phát động phong trào, Hà Tĩnh đi sâu tuyên truyền thay đổi nhận thức về xây dựng NTM cho cán bộ và người dân, chú trọng về số lượng xã đạt chuẩn nhưng giai đoạn 2015 – 2020 chuyển hướng đi vào chiều sâu, bền vững.
Năm 2021, năm thứ 2 thực hiện đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguồn lực dành cho chương trình hạn chế, song bằng nhiều cách làm “sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt”, trong năm Hà Tĩnh có thêm 2 huyện Vũ Quang, Cẩm Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM; huyện Hương Sơn được liên ngành Trung ương thẩm định, đánh giá đạt yêu cầu trình xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM; Lộc Hà được Văn phòng Điều phối NTM Trung ương khảo sát và thống nhất để huyện hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định.
Năm 2021 là năm có số xã đạt chuẩn NTM nâng cao nhiều nhất từ trước lại nay, với 25 xã đạt chuẩn; có thêm 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 2 xã khó khăn về đích NTM là Kỳ Lạc và Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh; 236 khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt chuẩn. Có thêm 95 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
“Kết quả đạt được rất đáng ghi nhận nhưng về lâu dài cần thay đổi tư duy, cách làm về xây dựng NTM. Phải xác định làm NTM là quá trình liên tục, không ngừng nghỉ và phải có tính bền vững. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhưng phải đảm bảo chất lượng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, không được đốt cháy giai đoạn, làm hình thức, làm tắt, không thực chất”, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải nhấn mạnh.
Một số nội dung, lĩnh vực có sự chuyển biến mạnh, như việc phá dỡ công trình vệ sinh bất hợp lý, xây dựng công trình vệ sinh tự hoại; xây dựng các công trình xử lý nước thải sinh hoạt hộ gia đình; việc mở rộng đường trục thôn, ngõ xóm tiếp tục trở thành phong trào rộng khắp; nhiều xã đã nâng cấp được mặt đường bằng vật liệu công nghệ mới, nhựa hóa với khối lượng khá lớn.
Một số mô hình mới bước đầu được khởi tạo, như: khu dân cư NTM kiểu mẫu thông minh, mô hình kinh tế số, mô hình kinh tế tuần hoàn, nhà văn hóa cộng đồng - ngôi nhà trí tuệ…
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022; trao bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; phát động phong trào thi đua xây dựng NTM giai đoạn 2022-2025 diễn ra mới đây, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, chương trình xây dựng NTM đã thay đổi bộ mặt hạ tầng nông thôn, các mô hình kinh tế gia tăng cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt, đời sống tinh thần người dân ngày càng đoàn kết, thắm đượm nghĩa tình.
Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế lâu nay đang gặp phải như: thu nhập bình quân đầu người đang ở mức thấp; việc xử lý rác thải tập trung còn nhiều khó khăn, nhất là tại các huyện chưa có khu xử rác thải tập trung.
Đối với chương trình OCOP, số lượng sản phẩm đạt chuẩn lớn nhưng chất lượng chưa tương xứng, quy mô còn nhỏ. Chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP có chi phí tư vấn chiếm tỷ lệ lớn, dẫn đến lãng phí, tốn kém, trong khi kinh phí hỗ trợ trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất còn hạn chế.
Còn 4 năm nữa để hoàn thành mục tiêu xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM. Thời gian ngắn, nhiệm vụ còn nhiều, song Hà Tĩnh xác định đây là trách nhiệm không chỉ của tỉnh với Trung ương và cả nước mà còn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu ở từng cấp, từng ngành.
Do đó, cơ quan, đơn vị, các địa phương cần chủ động, khẩn trương xây dựng khung kế hoạch, lộ trình tổ chức, bắt tay ngay vào triển khai thực hiện có hiệu quả đề án; ưu tiên bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện đề án; khâu nối, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong quá trình thực hiện.
Tiếp tục quán triệt sâu sắc và tập trung cao cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng NTM, về triển khai đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM; cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, các chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về tăng cường công tác lãnh đạo đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2022 - 2025.
Trước mắt, năm 2022 phát huy nội lực, sức dân kết hợp nguồn lực của nhà nước phấn đấu đưa 5/8 xã còn lại đạt chuẩn NTM; tối thiểu 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có tối thiểu 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tối thiểu 1 huyện đạt chuẩn NTM; có ít nhất 50 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP…
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện chương trình OCOP hiệu quả; quan tâm cao đến văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử; vấn đề môi trường, nhất là nước sạch, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, công trình vệ sinh hộ gia đình; đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM, từng bước phát triển du lịch nông thôn…
Ông Trần Huy Oánh, Chánh văn phòng điều phối chương trình xây dựng NTM Hà Tĩnh cho biết, mục tiêu địa phương phấn đấu đến năm 2025: Có 13/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, huyện Nghi Xuân đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch.
100% số xã đạt chuẩn NTM, ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trên 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, tối thiểu 70% số thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt tối thiểu 60 triệu đồng/người. Có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ OCOP, trong đó 20% đạt 4 sao, 5% đạt 5 sao. Hoàn thành 10/10 tiêu chí cấp tỉnh NTM.
https://nongnghiep.vn/thay-doi-tu-duy-cach-lam-ve-xay-dung-nong-thon-moi-d316425.html
Theo Thanh Nga/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;