Tại Thanh Hóa, Ngọc Phụng không chỉ là xã đầu tiên của huyện Thường Xuân, mà còn là xã đầu tiên trong các huyện 30a của tỉnh đạt danh hiệu xã nông thôn mới. Vốn là xã thuộc diện khó khăn ở huyện 30a Thường Xuân, sau khi được huyện chọn làm điểm xây dựng NTM, xã Ngọc Phụng xác định đây là “cú hích” để phát triển, xóa đói, giảm nghèo, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
Với sự quyết tâm nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân xã, cùng với sự “vào cuộc” tích cực của Agribank trong cung ứng vốn – yếu tố quan trọng đối với xây dựng NTM, đồng hành cùng người dân địa phương phát triển sản xuất kinh doanh, thoát nghèo vươn lên làm giàu, chung tay cùng xây dựng Nông thôn mới, xã Ngọc Phụng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.
Nói về vai trò của Agribank đối với quá trình xây dựng NTM tại Ngọc Phụng, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương xã khẳng định, đóng góp của Agribank hết sức to lớn. Ông Vũ Ngọc Nam – Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng có đưa ra sự so sánh rất cụ thể. So với thời điểm năm 2009, đến cuối năm 2017, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn đầu tư của Agribank tại xã tăng 213%, với tổng dư nợ là 68 tỷ đồng và 843 hộ gia đình là bà con nhân dân xã đang sử dụng vốn vay Agribank.
Ông Nam khẳng định, nhờ có nguồn lực từ Agribank, xã mới bắt tay vào xây dựng NTM, đồng thời để quản lý nguồn vốn vay hiệu quả, luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và Agribank. Nợ xấu qua các đợt kiểm tra hầu như không có. Không có việc tổ trưởng xâm tiêu…
Chính từ sự tiếp sức của Agribank đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay, bà con trong xã đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, có điều kiện góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội địa phương, nhờ đó giúp địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 26,6% vào năm 2010 xuống còn 4,12% vào năm 2017.
Bí thư xã Ngọc Phụng Lê Xuân Đấu cho biết thêm, mục tiêu vốn của Agribank đưa từ hộ trung bình lên hộ khá, hộ khá lên hộ giàu… gọi nguồn vốn Agribank là vốn làm giàu. Thời gian tới, với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa… dư địa để Agribank đầu tư còn nhiều, đồng thời bày tỏ tin tưởng với sự đồng hành của Agribank, xã sẽ tiếp tục nhân rộng thành công các mô hình kinh tế hiệu quả, đưa các giống cây mới vào gieo trồng, đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, chủ động trong sản xuất kinh doanh.
Để minh chứng cho “nguồn vốn Agribank là vốn làm giàu”, Chủ tịch UBND xã Ngọc Phụng Vũ Ngọc Nam đã trực tiếp đưa chúng tôi đến thăm các mô hình làm ăn hiệu quả.
Tận mắt chứng kiến khu trang trại tổng hợp của gia đình bác Trần Văn Lập- Đỗ Thị Chín ở thôn Quyết Tiến, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, sử dụng nguốn vốn vay Agribank để phát triển kinh tế, chúng tôi cảm nhận được thế nào là “vốn làm giàu”.
Trang trại của bà Đỗ Thị Chín |
Từ thời điểm năm 1997, gia đình bác vay Agribank món nhỏ nhất là 500.000 đồng để phát triển kinh tế gia đình, rồi vay tăng dần lên 2 triệu đồng, 50 triệu đồng và gần đây nhất tháng 6/2017 vay Agribank (chi nhánh huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) 200 triệu đồng.
Bác Đỗ Thị Chín chia sẻ: “Nhờ đồng vốn của Agribank, tôi có thể phát triển từ nuôi gà, dê rồi trâu, lấy ngắn nuôi dài, đến nay gia đình tôi đã xây dựng được trang trại tổng hợp gồm cả gà, dê, trâu, tăng quy mô đàn và trồng được 10 ha keo, 10 ha luồng trên diện tích lên tới 25 ha. Hiện số tiền thu nhập toàn bộ mỗi năm khoảng 350 triệu đồng, sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi năm gia đình cho lãi khoảng 150 triệu đồng”. Mô hình trang trại tổng hợp này thường xuyên sử dụng 10 lao động địa phương, còn lúc cao điểm sử dụng đến 30 lao động…
Tại địa bàn Thường Xuân, mỗi cán bộ tín dụng Agribank phải phụ trách trung bình 2-3 xã với khoảng trên dưới 1.000 hộ dân, nhưng các anh các chị không hề phàn nàn hay mệt mỏi, bởi có một niềm tin thường trực trong mỗi cán bộ Agribank đó là những đồng vốn ngân hàng đã và đang tiếp tục phát huy hiệu quả tại mảnh đất này. Giám đốc Agribank Thường Xuân Lê Xuân Nhiên cho biết, nguồn vốn Agribank tập trung phát triển sản xuất kinh doanh như chăn nuôi trâu, bò, lợn, trồng rừng, phát triển dịch vụ… Cho vay nhiều, chủ yếu cho vay hộ nhỏ lẻ nhưng nợ xấu chỉ rất ít 0.02%. Điều này có nghĩa là những đồng vốn của Ngân hàng đang bỏ ra được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
Giám đốc Agribank Thanh Hóa Trịnh Ngọc Thanh cho biết, hoạt động tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa rộng lớn, với quy mô 66 chi nhánh và phòng giao dịch trực thuộc, đến 31/12/2017, tổng nguồn vốn Agribank Thanh Hóa đạt trên 24.000 tỷ đồng, dư nợ trên 30.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 92,6%/tổng dư nợ. Bám sát Chương trình xây dựng NTM của tỉnh, Agribank Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án mở rộng đầu tư vốn tín dụng về địa bàn nông thôn phục vụ chương trình xây dựng NTM. Kết quả cho vay thực hiện chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011- 2017 đạt trên 42.000 tỷ đồng, dư nợ đến 31/12/2017 là gần 20.000 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 30a, Quyết định 63,65,68; Nghị định 67 với dư nợ trên 1.000 tỷ đồng v.v… Nguồn vốn Agribank đã góp phần tích cực vào kết quả xây dựng NTM của Thanh Hóa. Đến nay tại Thanh Hóa đã có 01 huyện “về đích” NTM, 241/573 xã đạt chuẩn NTM, một số xã địa bàn miền núi tuy chưa đạt chuẩn NTM nhưng đã xây dựng được 509 thôn, bản đạt chuẩn NTM.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;