Buổi lễ tôn vinh Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018 tổ chức ở Tp.HCM hôm 7/2 vừa qua đọng lại nhiều ý nghĩa không chỉ đến từ sự ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) trong ngành nông sản, mà còn ở chi tiết các nông dân tiêu biểu thuộc Hội quán nông dân Đồng Tháp (một mô hình làm nông nghiệp rất mới mà Thủ tướng từng đến thăm) được Bộ KH&CN trao tặng những chiếc smartphone để phục vụ việc nâng giá trị nông sản.
Nông dân “gõ gõ, quẹt quẹt”
Như chia sẻ của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan – người dành nhiều tâm huyết cho việc phát triển DN nông nghiệp ở tỉnh này, với những thiết bị điện thoại thông minh sẽ tạo điều kiện để “kích hoạt” người nông dân lên, để họ tiếp cận dần với nền nông nghiệp 4.0.
Theo lời ông Hoan, qua nhiều năm đồng hành cùng các DN và cùng trăn trở với người nông dân, ông thấy một trong những điểm nghẽn trong sự phát triển nông sản là một đội ngũ đông đảo nông dân còn rất mơ hồ, rụt rè, e dè trước công nghệ mới nếu như thiếu đi những chương trình hỗ trợ để “kích hoạt” cho họ.
Để mang lại sự hữu ích khi nông dân sử dụng các thiết bị cảm biến kết nối internet (IoT) trong sản xuất, ông Hoan cho biết sẽ có nhóm chuyên gia xung kích tập huấn những tiện ích cho những nông dân này. Từ đó, chẳng hạn từ khâu đơn giản nhất là các nông dân có thể “gõ gõ, quẹt quẹt” qua điện thoại để tìm kiếm thông tin về cách chăm sóc giống vật nuôi, cây trồng, về thị trường nông sản, liên hệ với nhà khoa học, với các DN… chỉ nằm “trong tầm tay”.
“Chúng ta cần làm sao để hàng triệu người nông dân Việt Nam không bị bỏ rơi trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 và đừng để họ sống trong những ốc đảo của tri thức”, ông Hoan nhấn mạnh.
Nếu nói về những thành quả từ việc ứng dụng điều khiển từ xa trong nông nghiệp, có thể kể đến trường hợp điển hình như nông dân Nguyễn Ngọc Sinh với trang trại nấm linh chi ở An Giang.
Nhờ ứng dụng smartphone, anh biết được nhiệt độ và độ ẩm của trại nấm. Qua đó, giúp tăng năng suất hơn 30% so với phương pháp thông thường cũng như tiết kiệm được thời gian, công sức tưới hàng ngày và đo đạc được các chỉ số an toàn.
Một số nông dân tại Lâm Đồng cũng đã dùng smartphone để chăm sóc trang trại rau quả từ xa mà không cần có mặt trực tiếp trên đồng ruộng. Thông qua đó có được độ chính xác trong sử dụng nước tưới, phân bón, chi phí đầu tư cho cây trồng giảm và nhân công cũng giảm, giúp họ tiết kiệm và tăng thu nhập, bảo vệ môi trường nước.
Những chiếc điện thoại thông minh cần đến tay người nông dân làm ra nông sản
Cần doanh nghiệp vào cuộc
Mặc dù vậy, đó vẫn chỉ là những trường hợp ít ỏi. Còn thực tế, con số những nông dân áp dụng công nghệ mới, nhất là IoT vẫn chưa thực sự phổ biến. Vấn đề đặt ra là làm sao để người nông dân hiểu và tận dụng nguồn tài nguyên mạng, phục vụ cho việc nâng cao giá trị nông sản của chính mình.
Như khuyến nghị gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), trong ngành nông nghiệp, Việt Nam cần tăng cường hiệu quả tiếp thu công nghệ, không chỉ của nông dân mà của cả các DN kinh doanh nông nghiệp vừa và nhỏ. Khả năng tiếp thu công nghệ của nông dân và DN kinh doanh nông nghiệp hiện đang là một khâu yếu trong hệ thống đổi mới sáng tạo nông nghiệp của nhiều nước chuyển đổi, trong đó có Việt Nam.
Các chuyên gia WB cho rằng do DN còn thiếu năng động trong việc nắm vững các quy trình, công cụ mới nên dẫn đến những khiếm khuyết trong hệ thống đổi mới sáng tạo. Theo đó, việc phát triển các công nghệ mới hay cách làm mới bị tách rời khỏi hoạt động của DN, hoặc DN chỉ tham gia hạn chế trong các quy trình đổi mới sáng tạo.
Đây chính là kết quả của quan niệm hay thực tế là quá trình tiếp thu công nghệ còn tách rời khỏi đổi mới sáng tạo, làm cho DN có năng lực thấp trong tiếp thu và phát triển công nghệ. Sự cách biệt này hạn chế khả năng vừa làm vừa học của DN, cũng như khả năng định hình những công nghệ phù hợp với nhu cầu thường nhật của DN.
Ngoài ra, còn một số yếu tố khác cũng góp phần làm giảm khả năng tiếp thu công nghệ của DN như thiếu đầu tư, nhất là đầu tư mạo hiểm, thiếu hỗ trợ trong xây dựng kế hoạch kinh doanh và chiến lược tiếp thị, và đặc biệt là thiếu công cụ và tinh thần dám chấp nhận rủi ro.
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc R&D Viện Kinh tế và Quản lý Tp.HCM, cho rằng để dần dần có lộ trình trở thành nền nông nghiệp 4.0 thì phải đầu tư kiến thức và thay đổi nhận thức cho nông dân, DN nhỏ về định hướng, chính sách nông nghiệp hiện đại và thông minh.
Nông dân, các chủ DN cũng phải chủ động tìm hiểu kho thông tin, bởi ngành nông nghiệp vốn có hệ thống tư vấn nhiều nhất trong các ngành và trải rộng trong cả nước.
“Nông dân và các DN nông nghiệp cũng phải tự “thoái vốn” ở những lĩnh vực không hợp lý, không phải chuyên môn, thế mạnh của mình để đầu tư vào giá trị cốt lõi nhằm hướng đến nông nghiệp 4.0. Nếu mình mạnh về vật nuôi, cây trồng nào đó thì hãy tập trung dùng hết công nghệ, sức lực để học tập, đầu tư cho nó”, ông Dũng lưu ý.
Thế Vinh
thoibaokinhdoanh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã