Đồng thuận xây dựng kinh tế tập thể
Trên vùng rau an toàn rộng hai ha xây dựng theo mô hình VietGAP, gia đình anh Nguyễn Văn Dũng (thôn Yến Nê 1, xã Hòa Tiến, Hòa Vang) đang thu hoạch những lứa rau mới để kịp giao cho tư thương và tiếp tục gieo trồng ở những luống đất trống. Trước đây, vợ chồng anh tự trồng rau để bán nhưng thu nhập bấp bênh. Hai vợ chồng còn phải trồng thêm lúa và chăn nuôi để ổn định cuộc sống mà vẫn luôn cảm thấy không an tâm. Từ ngày tham gia HTX Hòa Tiến 1, được giới thiệu triển khai mô hình rau VietGAP, anh Dũng cùng các xã viên không chỉ được tham gia các khóa tập huấn về kỹ thuật trồng trọt mà còn được hỗ trợ giàn che, hạt giống và cơ sở vật chất... Nhờ đó, vụ nào cũng bội thu. Mỗi tháng, thu nhập bình quân của hai vợ chồng khoảng chín triệu đồng, đến mùa cao điểm còn phải thuê thêm lao động để đáp ứng kịp nhu cầu tiêu thụ rau. Anh Dũng cho biết: "Biết rõ được thời vụ, mùa nào thức ấy, áp dụng đúng kỹ thuật trồng trọt cho nên rau của chúng tôi phát triển tốt, được giá vì đáp ứng đúng nhu cầu tiêu thụ của người dân và tư thương. Lại được HTX "bảo lãnh" và thương hiệu rau an toàn nên lúc nào cũng đông khách. Bây giờ, hai vợ chồng chỉ trồng các loại rau, không phải làm lúa và chăn nuôi như trước".
Anh Dũng là một trong hơn 3.600 xã viên của HTX Hòa Tiến 1 (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nhận được nhiều sự hỗ trợ từ HTX. Trong nhiều năm qua, HTX Hòa Tiến 1 đã thể hiện tốt vai trò "bà đỡ" cho kinh tế hộ; cung cấp cho hộ xã viên những dịch vụ để phát triển sản xuất nông nghiệp thông qua việc tổ chức hướng dẫn cho xã viên áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng các loại giống mới có năng suất chất lượng cao, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, lập kế hoạch và hướng dẫn cho xã viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ vậy đã nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, từ 50 triệu lên 100 triệu đồng/ha. Phó Chủ nhiệm HTX Hòa Tiến 1 Nguyễn Thị Chơn cho biết: "Thu nhập của các xã viên tăng lên từ 10% đến 15%/vụ. Những hộ nghèo, gia đình khó khăn được chúng tôi hỗ trợ trước giống, phân bón, làm thủy nông, làm đất... để gia đình yên tâm sản xuất. Sau khi thu hoạch mỗi vụ, chúng tôi mới thu lại với giá thấp hơn so với thị trường".
HTX Hòa Tiến 1 đã tổ chức xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất giống lúa, với quy mô 250 ha, hằng năm đã sản xuất từ 500 đến 600 tấn lúa giống các loại. Xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn với tổng quy mô 15,7 ha, bước đầu giúp nông dân tiếp cận với quy trình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới. Tổ chức xây dựng 50 ha cánh đồng mẫu lớn, đưa năng suất sản lượng cây trồng tăng từ 20% đến 30%. Các cán bộ nông, lâm nghiệp còn hướng dẫn người dân sử dụng phân bón và thuốc hợp lý theo đúng chu kỳ chăm sóc cây lúa nhằm không gây lãng phí và bảo vệ môi trường; sử dụng giống lúa mới và giống lúa ngắn ngày cho năng suất cao... Ngoài ra, HTX còn tiếp nhận mô hình sản xuất giống của tổ chức FAO tài trợ với các biện pháp đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến vào đồng ruộng, đem lại kết quả cao về năng suất.
Tìm đầu ra ổn định
HTX nấm Kim Thanh (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu, tạo lập được vị thế nghề làm nấm tại địa phương. Từ diện tích nuôi trồng 120 m2 năm 2010, nay đã tăng lên 5.200 m2với sản lượng trung bình hơn 300 kg nấm mỗi ngày. Thu nhập bình quân của các xã viên tăng từ 3% đến 5%/năm. Không chỉ cung ứng vật tư, nguyên phụ liệu, cung ứng giống nấm tốt với chi phí hợp lý đến với các hộ trồng nấm; HTX còn bảo đảm đầu ra cho sản phẩm của mình. Mỗi ngày, HTX tiêu thụ cho nông dân và thành viên hơn 200 kg nấm thương phẩm đủ các loại như: bào ngư, linh chi, mộc nhĩ, nấm rơm...
Tuy nhiên, nhiều xã viên vẫn còn chưa mạnh dạn đầu tư. Sự thiếu ổn định sản xuất gây cản trở cho công tác tiêu thụ sản phẩm và liên kết giữa HTX. "Trước khi thực hiện giao giống về cho các gia đình, chúng tôi đều đã liên kết với các cơ sở để bảo đảm nguồn tiêu thụ ổn định, không để nấm của bà con tồn đọng. Hiện tại, nấm Kim Thanh mới chỉ cung ứng cho thị trường Đà Nẵng, bản thân tôi cũng muốn đưa nấm đi xa hơn nhưng do chưa đủ sản lượng để đáp ứng nhu cầu; một phần cũng bởi các xã viên vẫn còn lo ngại về đầu ra nếu mở rộng diện tích trồng nấm" - Chủ nhiệm HTX nấm Kim Thanh Huỳnh Văn Mười chia sẻ.
Tương tự, tại những vùng rau an toàn ở Hòa Tiến, nhiều gia đình trồng cầm chừng các loại rau trong mùa nắng nóng vì chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu, hoặc chỉ trồng để giữ đất. Nhiều gia đình lại muốn mở rộng phát triển hơn nữa sản lượng rau của gia đình nhưng đều lo ngại không có nơi tiêu thụ rau. Anh Nguyễn Văn Dũng tâm sự: "Trồng rau thế này khỏe hơn rất nhiều so với tự trồng như trước đây. Thu nhập cũng luôn ổn định. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa mạnh dạn phát triển vì lo sợ nếu tăng diện tích trồng rau lên thì không thể tiêu thụ hết được. Hiện tại chúng tôi chủ yếu bán cho các tư thương nhỏ, lẻ và theo đặt hàng của họ để đưa đi các chợ, chứ chưa có một sự liên kết tiêu thụ nào".
Hiện nay, TP Đà Nẵng có hơn 200 HTX và tổ hợp tác nông nghiệp. Việc thành lập các HTX đã góp phần không nhỏ thay đổi bộ mặt nông thôn. Đời sống của người dân nâng lên rõ rệt, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bằng cách tổ chức tốt các hoạt động đầu ra, đầu vào cho các thành viên, các HTX đã góp phần phát triển kinh tế hộ và làng nghề ở nông thôn, thu hút nhiều lao động tham gia các hoạt động của HTX. Hiện nay, hơn 35 nghìn lao động trên toàn thành phố được HTX giải quyết việc làm trong những năm qua, trong đó lao động nông nghiệp chiếm 85%.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Đà Nẵng Tôn Thất Uyên nhấn mạnh: "HTX luôn rộng cửa chào đón mọi thành viên tham gia và cố gắng tạo mọi điều kiện để bà con nông dân phát triển tốt nghề của mình, ổn định cuộc sống. Liên minh HTX cũng luôn liên kết chặt chẽ với các ngành liên quan nhằm đưa về những giống mới, tốt nhất cho bà con; đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất và tìm kiếm đầu ra ổn định".
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã