Học tập đạo đức HCM

Bê tông hóa đường giao thông nông thôn: Thành tựu từ ý Đảng, lòng dân

Chủ nhật - 04/10/2015 07:40
Tính đến 30 - 11 - 2014, toàn tỉnh đã làm được 2.409 km đường bê tông nông thôn. Tổng số tiền đầu tư cho chương trình là 1.319,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 630,256 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 689,2 tỷ đồng; doanh nghiệp, tập thể, cá nhân và hộ gia đình đã ủng hộ về tiền mặt và vật liệu 2,78 tỷ đồng. Kết quả trên đã vượt mục tiêu Nghị quyết 1 năm về tiến độ và đạt 110,29% kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011 - 2015.

 Một đoạn đường bê tông ở xã Mỹ Bằng (Yên Sơn).  Ảnh: Duy Hùng

Kết quả ngoài mong đợi

Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn xuất phát từ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 với mục tiêu bê tông hóa trên 70% đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống, chi phí vận chuyển xi măng, ống cống và kinh phí phục vụ công tác quản lý; nhân dân tự nguyện tổ chức giải phóng mặt bằng, đóng góp vật liệu cát, sỏi, sức lao động, máy móc thiết bị khác (hoặc bằng tiền) để thi công xây dựng.

Xuất phát từ chủ trương đúng đắn, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, cộng với công tác tổ chức thực hiện khoa học, chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn trở thành một phong trào rộng khắp toàn tỉnh. Qua công tác tuyên truyền, mỗi người dân đều hiểu được trách nhiệm bản thân, gia đình trong việc thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Việc huy động đóng góp của nhân dân trong phong trào làm đường bê tông được thôn, xóm, bản, tổ dân nhân công khai minh bạch. 

Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã huy động được nhiều tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, việt kiều từ nước ngoài tham gia ủng hộ đóng góp ngày công, kinh phí, vật liệu xây dựng, hiến đất để làm đường. Kết quả tổng kinh phí đầu tư cho chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn trong 4 năm 2011-2014 đạt tới 1.319,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 630,256 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 686,5 tỷ đồng, các doanh nghiệp, cá nhân và gia đình ủng hộ 2,78 tỷ đồng; tổng diện tích đất đã hiến để làm đường hơn 41.840 m2. Trong đó đã có nhiều điển hình trong phong trào hiến đất làm đường như tại Sơn Dương hộ ông Nguyễn Văn Đáng, thôn Ninh Hòa 2, xã Ninh Lai hiến 2.143 m2 đất; hộ ông Nguyễn Văn Ngụ, thôn Tân Trào, xã Hợp Hòa hiến 336 m2 đất; hộ ông Ma Văn Viết, thôn Núi Độc, xã Hợp Hòa hiến 320 m2 đất. Ở thành phố Tuyên Quang có hộ ông Nguyễn Văn Cửu, thôn 3, xã Đội Cấn, hiến 300 m2 đất...

Nhiều địa phương đi đầu và cán đích trước kế hoạch như xã Mỹ Bằng, Chân Sơn, Phúc Ninh (Yên Sơn); Ninh Lai, Minh Thanh, Hợp Hòa (Sơn Dương); Yên Nguyên (Chiêm Hóa), Phù Lưu (Hàm Yên), Thanh Tương (Nà Hang), An Khang, Lưỡng Vượng (thành phố Tuyên Quang); Lăng Can (Lâm Bình)... Qua tổng kết phong trào làm đường bê tông giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có 100 tập thể, 26 hộ gia đình, 90 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; nhân dân xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; xã Kim Bình (Chiêm Hóa), xã Côn Lôn (Nà Hang) được Bộ giao thông vận tải tặng Bằng khen.


Nhân dân thôn Khe Đảng, xã Tứ Quận (Yên Sơn) làm đường bê tông nông thôn. Ảnh: Thùy Linh

Diện mạo nông thôn đổi thay 

Kết quả to lớn mà Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn mang lại chính là động lực cơ bản để phát triển nông thôn và là tiền đề để xây dựng chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại diện mạo mới cho vùng nông thôn. Giao thông đã có những tác động trực tiếp và gián tiếp tới các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng nhanh và bền vững. Thực tế là trong 4 năm qua,  tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 34,83% năm 2011 xuống còn 13,09% năm 2014, lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn có sự chuyển dịch mạnh nhờ sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, trong đó giao thông nông thôn chính là yếu tố quan trọng làm nên những kết quả trên. Từ đó, thị trường nông thôn được mở rộng, kích thích người nông dân tăng gia sản xuất, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thu nhập của các hộ dân tăng, đời sống được nâng lên, góp phần thắng lợi vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn. 

Thôn Nà Ta xã Thượng Lâm (Lâm Bình), bà con ở đây có điều kiện phát triển nông nghiệp tốt nhờ yếu tố đất đai. Tuy nhiên do giao thông khó khăn nên việc sản xuất hàng hóa trở nên khó khăn. Từ khi có đường bê tông vào thôn, bà con trong thôn đã tích cực đẩy mạnh chăn nuôi như dê, lợn, đặc biệt là gà bởi giống gà của Nà Ta nổi tiếng về chất lượng. Ông Triệu Hữu Thông, Bí thư Chi bộ thôn Nà Ta cho biết, có đường bê tông, chắc chắn Nà Ta sẽ vươn lên, nhiều hộ khá sẽ tăng mạnh, không còn hộ nghèo. 

Thôn Bản Bung xã Thanh Tương (Nà Hang) cách trung tâm xã khoảng gần 8 km, con đường vào thôn dốc cao hiểm trở, người dân Bản Bung muốn giao lưu với bên ngoài chủ yếu bằng cách đi bộ. Khi tiếp nhận được chủ trương bê tông hóa giao thông nông thôn, bà con nhân dân trong thôn đã huy động sức người, sức của hoàn thành hơn 3 km đoạn đường đèo khó đi. Từ khi có đường, trong thôn nhà nào cũng mua sắm được xe máy, việc đi lại trở nên dễ dàng, mọi sản vật của thôn sẽ tiếp cận thị trường một cách nhanh chóng.


Làm đường bê tông về thôn Nà Ta, xã Thượng Lâm (Lâm Bình).

Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn là điều kiện cốt yếu khuyến khích các trẻ em tới lớp, làm giảm tỷ lệ thất học ở trẻ em ở các thôn bản xa. Con đèo Lộc Khoa thôn Lũng Giang, xã Năng Khả (Nà Hang) bao đời nay ngăn cản sự học hành của lớp trẻ, phần lớn lớp trẻ chỉ học xong tiểu học rồi nghỉ bởi lẽ việc đến trường cấp II ở trung tâm xã xa 7 km nhưng phải vượt qua con đèo này vốn cao, nhỏ hẹp, trơn trượt vào mùa mưa. Ông Đặng Quốc Tiến, Trưởng thôn Lũng Giang chia sẻ, đám trẻ trong thôn rất hiếu học, bà con trong thôn mong muốn cho chúng được đến trường nhưng trở ngại lớn quá nên cũng đành chịu. Con đường bê tông vừa mới hoàn thành có nhiều niềm vui trong đó có niềm vui của những đứa trẻ được đến trường thuận lợi.

Theo Sở GTVT Tuyên Quang, vai trò của giao thông đối với phát triển kinh tế - xã hội như thế nào thì Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn cũng có ý nghĩa như vậy. Kết thúc năm 2014, toàn tỉnh có trên 70% số xã đã có 85% số km đường thôn bản được cứng hóa. Thành công của Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn không chỉ làm thay đổi hoàn toàn hệ thống giao thông nông thôn, đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho vùng nông thôn mà còn là động lực to lớn để phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết vùng, miền trong quá trình phát triển, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Tuy nhiên, qua thống kê toàn tỉnh vẫn còn gần 30% đường giao thông nông thôn chưa được cứng hóa. Con số này lại chủ yếu nằm ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa, bên cạnh điều kiện kinh tế khó khăn thì việc khai thác nguồn vật liệu xây dựng ở đây cũng khó khăn không kém, hơn nữa tại những thôn bản này hầu hết cách xa trung tâm, việc đầu tư cho bê tông hóa là rất lớn. Chính vì lý do đó mà nhiều địa phương còn có tư tưởng chần chừ, khi bắt tay thực hiện được sự đồng thuận của người dân thì chương trình kết thúc. Hiệu ứng của Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn là rất lớn, nhiều địa phương đăng ký, số lượng lớn hơn nhiều so với kế hoạch.

Ông Hoàng Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tương (Nà Hang) cho biết, quá trình thực hiện bê tông hóa giao thông nông thôn, các thôn trong xã rất tích cực hưởng ứng, nhiều nơi khó khăn tưởng chừng không thể làm được nhưng bà con đã quyết tâm làm được. Từ đó các thôn khác cũng đã mạnh dạn đăng ký làm, nhưng đến thời điểm hiện nay Chương trình kết thúc, không có nguồn cung ứng xi măng nên bà con phải dừng lại. Cụ thể là các thôn như: Bắc Danh, Nà Coóc bà con ở đây quyết tâm làm được con đường từ bến đò vào trung tâm thôn Nà Coóc gần 8 km, nhưng đến thời điểm hiện nay mới chỉ thực hiện được hơn 3 km.

Để từng bước rút ngắn khoảng cách giữa vùng nông thôn với thành thị, vùng sâu vùng xa với khu vực trung tâm, nhu cầu cứng hóa đường giao thông nông thôn là rất bức thiết. Do vậy rất mong tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ xi măng, ống cống cho những thôn bản vùng cao để bà con tiếp tục thực hiện.   

                                                                                                                                Bài, ảnh: Thanh Phúc

Ông Nguyễn Việt Lâm, Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa
Thúc đẩy lưu thông hàng hóa ở địa phương

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay cùng với sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, huyện đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân đóng góp công, của, vật liệu xây dựng, hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Đến nay toàn huyện đạt 100% thôn bản có đường ô tô đến trung tâm thôn. Huyện đã làm được 464 km đường bê tông nông thôn, trong đó 50% số thôn có đường bê tông đến trung tâm thôn. Bê tông hóa đường giao thông nông thôn đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giao thương buôn bán, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Ông Bùi Công Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Năng Khả (Nà Hang)
Thuận lợi cho công tác dạy và học

Trước năm 2010, hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn ở địa phương chủ yếu là đường đất, nhỏ hẹp, lầy lội khi mưa. Từ khi tỉnh, huyện có chủ trương làm đường bê tông nông thôn, cán bộ giáo viên và các em học sinh ai cũng phấn khởi. Những con đường lầy lội trước đây đã được thay thế bằng những con đường bê tông kiên cố. Tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng của nhà trường hiện nay không còn, sĩ số của các lớp học luôn đạt 99%. Có thể khẳng định, đường giao thông thuận lợi đã tạo rất nhiều thuận lợi cho công tác dạy và học của trường. 


Ông Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dũng Thế, xã Lăng Can (Lâm Bình)
Lợi ích của người dân cũng chính là lợi ích của doanh nghiệp

Là một trong những công ty chuyên về xây dựng trên địa bàn xã Lăng Can, chúng tôi rất phấn khởi, 5 năm qua xã đã huy động được một nguồn kinh phí khá lớn để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Lợi ích của người dân cũng chính là lợi ích của doanh nghiệp, vì khi giao thông phát triển, mọi hoạt động sản xuất của người nông dân và kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện rất nhiều, rút ngắn khoảng cách so với các địa phương miền xuôi. 

 

Ông Bàn Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Trung Minh (Yên Sơn)
Mong tiếp tục được hỗ trợ để làm đường bê tông

Xã vùng cao Trung Minh (Yên Sơn) hiện có 9 thôn. Do là xã đặc biệt khó khăn, điều kiện kinh tế của người dân chưa phát triển, nên việc huy động đóng góp tiền của để làm đường bê tông còn nhiều bất cập. Qua rà soát xã có 8 km đường cần được bê tông hóa. Hiện xã đã làm được hơn 2,7 km đường bê tông, chủ yếu là đường trục thôn. Năm 2015, xã phấn đấu cứng hóa tiếp 800 m đường. Bên cạnh sự cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong xã, xã Trung Minh rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan các doanh nghiệp tạo điều kiện cho xã làm những con đường bê tông để người dân đi lại thuận lợi, đẩy mạnh sản xuất.

Theo baotuyenquang.com.vn


 Tags: tỷ đồng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập146
  • Hôm nay65,165
  • Tháng hiện tại895,892
  • Tổng lượt truy cập92,069,621
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây