Học tập đạo đức HCM

"Cây vàng" trên xứ rừng U Minh

Thứ tư - 18/06/2014 03:25
Từ TP Cà Mau, theo con lộ thênh thang mới được trải nhựa phẳng phiu, chúng tôi về U Minh - nơi đang nổi tiếng khắp xứ rừng ven biển với loại "cây vàng" làm nên sự đổi đời cho người dân. "Nhờ cây chuối xiêm, những hộ có thu nhập cỡ 5 triệu đồng/tháng trở lên ở địa phương ngày càng nhiều. Ở nông thôn mà có nguồn thu cỡ đó sống nhàn lắm!" - Ông Lai Văn Thống, cán bộ của Hội Nông dân huyện U Minh mở đầu câu chuyện với tôi như vậy.
"Trước đây, ven bờ bao những khu rừng tràm ở U Minh, chuối xiêm mọc um tùm thành từng khoảnh lớn, nhưng nó chỉ được dùng làm thức ăn độn cho gia súc, gia cầm. Nhiều gia đình còn "thẳng tay chặt bỏ để trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao, chỉ để lại lẻ tẻ vài cây chuối nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Đến khi thấy thị trường tiêu thụ chuối phát triển, người dân mới thấy hiệu quả và lợi ích từ cây chuối..." - Ông Thống khái quát lại "lịch sử phát triển" của cây chuối trên đất U Minh.

Cũng theo ông Thống, hiệu quả có được từ dự án phát triển cây chuối phấn khiến người dân hết sức tin tưởng. Giờ đây, trên khắp các địa phương có rừng, từ xã Nguyễn Phích, Khánh An, Khánh Lâm cho đến Khánh Thuận, đâu đâu cũng thấy sức vươn của chuối. Chuối được trồng bên chái nhà, bờ bao, chuối len cả vào những khu rừng tràm thưa tán.

Thậm chí, có gia đình còn kết hợp trồng xen canh chuối, lúa. Ngoài sản phẩm chính là chuối quả, các hộ dân còn thu được các sản phẩm phụ từ cây chuối như: Hoa chuối bán cho các nhà hàng, thân chuối sử dụng trong chăn nuôi, lá chuối làm thức ăn cho cá hoặc dùng để gói bánh...

Có thể nói, cây chuối không có sản phẩm thừa và giá trị cây chuối đem lại năm sau luôn cao hơn năm trước. Nhưng vui nhất vẫn là chuyện chuối ngả buồng đến đâu, thương lái thu mua tại chỗ đến đó và nguồn lợi có được từ chuối thể hiện rõ trong bữa cơm mỗi gia đình, niềm vui hiện hữu trên từng khuôn mặt người dân.

Nhờ có nguồn thu từ chuối, nhiều hộ có tiền mua sắm vật dụng cho gia đình và gửi tiết kiệm. Của hồi môn cho con cháu cũng là những vạt chuối. "Ở U Minh bây giờ, từ lẻ tẻ một vài hộ chuyên canh cây chuối xiêm, giờ trồng chuối đã trở thành một phong trào lớn.

Ước tính, toàn huyện hiện có khoảng 3.500ha đất trồng loại cây này. Điều đáng mừng là, trên địa bàn huyện, hiện có rất nhiều đại lý chuyên thu gom chuối cho bà con. Chuối vừa trổ buồng đã được đánh dấu, đợi đến khi già là thu gom, bởi vậy, bà con không phải lo khâu tiêu thụ. Mà thu nhập từ chuối, tính ra hơn hẳn trồng lúa và các loại hoa màu khác…" - Ông Thống khẳng định với chúng tôi.

Thương lái thu gom chuối tại U Minh.

"Con đường" xóa đói,  giảm nghèo

Là một trong những hộ thoát nghèo nhờ phát triển và nhân rộng cây chuối xiêm, ông Phạm Văn Nhẫn, ở ấp 14, xã Nguyễn Phích vui vẻ khoe những thành quả gia đình mình "gặt hái" được từ loại cây này với chúng tôi: "Hiện, gia đình tôi có trên 1.200m bờ bao khuôn hộ rừng tràm dành trồng chuối, tất cả đều đã cho thu hoạch. Tính trung bình, trừ tất cả chi phí, còn để ra được gần 5 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập mà trước kia có nằm mơ, vợ chồng tôi cũng không có được...".

Theo ông Nhẫn thì trồng chuối không phải đầu tư nhiều, kỹ thuật trồng đơn giản với khoảng cách mỗi hốc chuối (3-4 cây con) cách nhau 3m. Chỉ cần công chăm sóc, bón phân và diệt cỏ ở năm đầu, năm sau cây đã cho thu hoạch. Khi cây con lên dày sẽ tách ra trồng sang vị trí mới. Do không phải mua cây giống nên bớt được tiền đầu tư giống ban đầu. Một buồng chuối xiêm thông thường từ 25-30kg, chỉ cần đại lý thu mua với giá 2.000-3.000 đồng/kg thì người nông dân đã có thể làm giàu từ chuối.

Bằng chứng là, nhiều hộ dân trong xã đã trở nên khá giả nhờ vào nguồn thu từ chuối như gia đình ông Nguyễn Văn Út, Nguyễn Hoàng Tâm, Trương Văn Tam, Nguyễn Sáu... Đây là những hộ có diện tích trồng chuối xiêm từ 1-3ha. Sau khi trừ chi phí, mỗi hộ thu về bình quân từ 3-5 triệu đồng/tháng.

Nói về vai trò của cây chuối xiêm đối với đời sống của người dân địa phương, ông Trần Việt Hồng, Bí thư Chi bộ ấp 14, xã Nguyễn Phích cho biết: "Ở ấp tôi bây giờ, hộ có diện tích chuối lớn nhất là trên 3ha, hộ ít cũng được vài nghìn mét vuông. Về thu nhập thì hộ trồng nhiều có thể kiếm được dăm triệu đồng/tháng, hộ trồng ít thì cũng đủ chi phí cho sinh hoạt gia đình hàng ngày. Thực tế những gì mà cây chuối mang lại đã cho thấy, nó chính là loại cây có thể xóa đói, giảm nghèo, thậm chí còn giúp bà con làm giàu…".

Đến thăm gia đình ông Trần Văn Vinh, ở ấp 12, xã Khánh Thuận, chủ vườn chuối diện tích 1,5ha, "kiêm" đại lý thu mua chuối, chúng tôi được ông cho biết, hiện nay, nhu cầu chuối quả của thị trường rất lớn. Tháng cao điểm (tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch), thương lái sẵn sàng mua tại chỗ cao hơn chục giá mà cũng không đủ đáp ứng nhu cầu.

"Hiện nay, mỗi tuần, tôi lại xuất một chuyến cho vựa thu mua trên huyện. Cứ gom được bao nhiêu, xuất đi hết bấy nhiêu. Ngoài thu nhập từ việc "lái chuối", gia đình tôi bỏ túi đều đặn 50 triệu đồng/năm từ diện tích trồng chuối hiện có. Không riêng nhà tôi, ở ấp này, có rất nhiều gia đình nhờ cây chuối mà cuộc sống khá lên như các hộ ông bà Trần Văn Yếu, Nguyễn Hoàng Nhiệm, Nguyễn Thị Nhìn. Trước đây, ở ấp 12, số hộ nghèo thường xuyên ở mức trên 20%, thì nay, chỉ còn 4 hộ/85 hộ khó khăn. Tất cả là nhờ chuối..." - Ông Vinh khoe.

Xác nhận với chúng tôi về thông tin của "triệu phú chuối" Trần Văn Vinh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thuận Mai Phú Quý khẳng định, cho đến thời điểm hiện tại, xã Khánh Thuận có trên 800ha chuối.

Thực tế cho thấy, những bờ bao trồng chuối không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện môi trường, mà còn là đường băng xanh cản lửa phòng, chống cháy rừng mùa khô. "Hiện, rất nhiều hộ ở xã Khánh Thuận nói riêng, huyện U Minh nói chung mong muốn được mở rộng diện tích trồng chuối.

Vì vậy, các ngành chức năng cần nghiên cứu, có bước phát triển phù hợp nhằm phát huy được vị thế của cây chuối trên vùng đất này. Điều quan trọng hơn cả, cần có hướng quy hoạch các địa phương có diện tích chuối lớn thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, tránh tình trạng người dân trồng chuối tự phát với diện tích manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp" - Ông Quý nêu ý kiến.

Nguyễn Long
Nguồn bienphong.com.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập479
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại843,361
  • Tổng lượt truy cập92,017,090
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây