Hình thành các vùng nuôi trọng điểm
Theo báo cáo tại hội thảo, những năm qua ngành chăn nuôi gia cầm của thành phố đã phát triển mạnh, dần hình thành các xã, vùng nuôi trọng điểm. Theo số liệu Tổng cục Thống kê, hiện tổng đàn gia cầm toàn thành phố đạt gần 23 triệu con, sản lượng thịt đạt hơn 81.000 tấn, sản lượng trứng 1,1 tỷ quả trứng gia cầm các loại. Riêng đối với gà trứng thương phẩm, toàn thành phố phát triển 642 trại chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm quy mô lớn ngoài khu dân cư (quy mô từ 500 con gà đẻ trở lên) với tổng đàn hơn 2,5 triệu con, tập trung chủ yếu tại các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Ba Vì.
Ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Công ty Ba Huân (ngồi, phải) chi nhánh miền Bắc ký kết văn bản hợp tác với người chăn nuôi gia cầm trên thực hiện chuỗi liên kết trứng gia cầm thương phẩm an toàn chất lượng cao trên địa bàn TP.Hà Nội. Ảnh: T.H
Về chăn nuôi gia cầm, trên địa bàn hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm với 21 xã tập trung nuôi gà, 8 xã tập trung chăn nuôi vịt với 2.400 trang trại, gia trại ngoài khu dân cư chiếm 32% tổng đàn. Tại các vùng tập trung này đã xây dựng được các hợp tác xã chăn nuôi và chuỗi liên kết. Cụ thể, đã xây dựng được 8 chuỗi liên kết về gia cầm, 4 chuỗi liên kết gồm cả lợn và gia cầm.
Trong đó, đã xây dựng một số chuỗi tiêu thụ sản phẩm trứng gia cầm bền vững và hiệu quả như chuỗi trứng gà Tiên Viên được hình thành trên cơ sở hợp tác giữa Công ty cổ phần Tiên Viên với 12 trang trại chăn nuôi gà đẻ trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội), chuỗi Trứng 729 do Công ty TNHH Chăn nuôi và Trồng trọt An Phú, Ba Vì tổ chức khép kín từ khâu chăn nuôi đến thu gom, sơ chế, đóng gói và tiêu thụ; chuỗi thực phẩm Thành Đồng II được hình thành trên cơ sở liên kết hợp tác giữa Công ty TNHH Phát triển Thành Đồng II sản lượng cung cấp và tiêu thụ thịt gà khá lớn…
Những năm tới Sở tiếp tục tập trung hỗ trợ người chăn nuôi nâng cao năng suất, đầu tư ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi theo tập trung theo xã, vùng trọng điểm xa khu dân cư, xây dựng liên kết chuỗi phải bền vững, chặt chẽ, chăn nuôi gắn với chế biến, xây dựng chuỗi trong sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”. Ông Nguyễn Huy Đăng |
Liên kết chuỗi phải chặt chẽ
Phát triển chăn nuôi gia cầm trên địa bàn được đánh giá có nhiều lợi thế như có vùng sinh thái đa dạng, nguồn thức ăn dồi dào, thị trường tiêu thụ rộng lớn không chỉ Hà Nội mà còn là thị trường tiêu thụ của các tỉnh đồng bằng sông Hồng… Các trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư đã sử dụng giống năng suất cao và một số trang thiết bị ứng dụng công nghệ cao như: Hệ thống chuồng kín, hệ thống dàn mát, máng ăn bán tự động, máng uống tự động…
Tuy nhiên, ngành chăn nuôi gia cầm cũng có không ít khó khăn do sản phẩm làm ra còn phụ thuộc nhiều vào thương lái, ảnh hưởng của thiên tai dịch bệnh, cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật… hạn chế. Nhất là giá cả lên xuống thất thường, giá lên thường gần dịp Tết Nguyên đán, khi có dịch cúm gia cầm giá rớt thê thảm, nhiều chủ trang trại chăn nuôi gia cầm thua lỗ.
Chỉ ra nguyên nhân làm người chăn nuôi gia cầm thua lỗ, ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hà Nội cho rằng: “Nguyên nhân chủ yếu là do chưa hình thành chuỗi chăn nuôi gia cầm, chưa có nhiều doanh nghiệp “đầu tàu” trong tiêu thụ sản phẩm như Tiên Viên, Phù An, Thành Đồng… Trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng như hiện nay nếu các hộ chăn nuôi không áp dụng liên kết chuỗi vào quá trình sản xuất chăn nuôi để đảm bảo chất lượng và tăng sức cạnh tranh thì viễn cảnh thua trên sân nhà đang là mối lo thực sự”.
Theo ông Đăng để hình thành chuỗi trong liên kết sản xuất trứng gia cầm và tiêu thụ thì cần phải liên kết chặt chẽ giữa các hộ, các trang trại chăn nuôi gà đẻ tiến tới hình thành các tổ hợp tác, các hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp để có sự hỗ trợ lẫn nhau trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong chăn nuôi, hỗ trợ vay vốn, ký kết hợp đồng tiêu thụ để chủ động trong sản xuất.
Có mặt tại hội thảo, ông Phạm Thanh Hùng – Giám đốc Công ty Ba Huân chi nhánh miền Bắc bày tỏ: Hiện Ba Huân đang thực hiện chuỗi chăn nuôi khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Theo đó, công ty đã đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao, nhà máy xử lý trứng gia cầm, nhà máy chế biến thực phẩm và có hơn 1.000 đại lý điểm phân phối phủ khắp hệ thống siêu thị, chợ… Công ty đang mở rộng thị trường ra miền Bắc, đầu tư chuỗi liên kết chăn nuôi gia cầm ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Dự kiến, đầu năm 2017 nhà máy sẽ đi vào hoạt động chính thức. Theo đó, song song với xây dựng các trang trại, nhà máy chế biến với thiết bị hiện đại, công ty cũng rất mong muốn liên kết với người chăn nuôi tạo thành chuỗi liên kết khép kín”.
Cũng tại hội thảo, nhiều câu hỏi, thắc mắc của các hộ chăn nuôi gia cầm trên trên địa bàn Hà Nội xoay về việc những điều kiện cũng như chính sách ưu đãi của Công ty Ba Huân khi tham gia liên kết đã được ông Hùng giải đáp chi tiết.
Tại hội nghị, Công ty Ba Huân chi nhánh miền Bắc đã ký kết 4 văn bản hợp tác với Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Nội, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, các doanh nghiệp và người chăn nuôi gia cầm trên địa bàn TP.Hà Nội.
Bà Dương Thị Hạ - Giám đốc Liên minh HTX chăn nuôi huyện Phúc Thọ: Mong muốn được hỗ trợ vốn Liên minh HTX Chăn nuôi huyện Phúc Thọ được thành lập năm 2014 với 70 thành viên tham gia sản xuất nông nghiệp với trên 100ha diện tích đất làm trang trại. Hiện Liên minh HTX Chăn nuôi huyện Phúc Thọ thường xuyên duy trì trên 60.000 vịt đẻ, 30.000 gà đẻ và hàng ngàn con lợn, bò. Chúng tôi rất mong muốn được liên kết hợp tác với Công ty Ba Huân chi nhánh miền Bắc để được hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăn nuôi, bao tiêu sản phẩm. Tôi được biết, thời gian qua Công ty Ba Huân đã xây dựng được mối liên kết 5 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và “nhà băng”) rất chặt chẽ. Nếu có cơ hội hợp tác, Liên minh HTX Chăn nuôi huyện Phúc Thọ mong muốn được phía Công ty Ba Huân hỗ trợ vốn để các thành viên trong HTX đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất. Đỗ Đình Tân – hộ dân nuôi gia cầm huyện Mê Linh: Sớm bình ổn giá trứng Hiện tôi đang nuôi 5.000 vịt đẻ, 2.000 gà đẻ. Thời gian vừa qua, giá trứng gia cầm lên xuống thất thường khiến những người chăn nuôi như tôi điêu đứng. Thậm chí có lúc tôi suýt phải bỏ đàn vì không bù lỗ hàng trăm triệu đồng do giá trứng “tuột dốc không phanh”. Tôi thấy hội thảo “Xây dựng chuỗi liên kết trứng gia cầm thương phẩm an toàn chất lượng cao trên địa bàn TP.Hà Nội” do Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Nội phối hợp với Công ty Ba Huân rất thiết thực với những người chăn nuôi gia cầm như chúng tôi. Sau hội thảo, tôi hy vọng người chăn nuôi và Công ty Ba Huân sớm đưa ra văn bản hợp tác cụ thể bao gồm điều kiện để hợp tác, lộ trình thời gian hợp tác, giải pháp bình ổn trứng cho người chăn nuôi gia cầm. Tôi mong muốn Công ty Ba Huân cử cán bộ về khảo sát tình hình và trao đổi cụ thể với các tổ, nhóm nông dân liên kết chăn nuôi gia cầm. Thu Hà (ghi) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;