“Bàn đạp” cho nông sản Việt
Đầu năm 2017, tin vui đã đến với sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên khi chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây là sản vật thứ 49 trên cả nước và là giống nhãn đầu tiên được công nhận chỉ dẫn địa lý - bước quan trọng trong hành trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, việc tham gia chỉ dẫn địa lý không chỉ quảng bá những đặc sản vượt ra khỏi phạm vi một địa phương, vùng miền để đến với người tiêu dùng và thị trường tiêu thụ trên cả nước mà còn xây dựng hình ảnh quốc gia và mở rộng sự nhận biết của cộng đồng quốc tế đối với sản phẩm Việt Nam.
Trong bối cảnh nông sản đang là một trong những mặt hàng xuất khẩu (XK) hàng đầu, việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện nay có thể tạo động lực cho Việt Nam xây dựng thương hiệu, giúp mở rộng thị trường nông sản. Theo một nghiên cứu được Liên minh châu Âu công bố, 43% người tiêu dùng Liên minh châu Âu (khoảng 159 triệu người) sẵn sàng trả thêm 10% cho sản phẩm có chỉ dẫn địa lý; 8% (khoảng 29,6 triệu người) thậm chí sẵn sàng trả thêm 20%; 3% (khoảng 11 triệu người) trả thêm tới 30% cho các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý. Do đó, để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm, việc tăng cường phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm là vấn đề cấp bách.
Vấn đề cấp bách
Tuy nhiên, có thể thấy rõ sự khập khiễng nếu so sánh con số 49 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý trên tổng số 900 sản phẩm của cả nước. Gần đây, một số ít các loại hoa quả được các thị trường khó tính cho phép nhập khẩu. Nhiều mặt hàng của Việt Nam còn đứng top XK lớn nhất thế giới như: Gạo, cà phê, hạt tiêu… nhưng lại được ít người tiêu dùng thế giới biết đến.
Ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - cho biết: Hiện, có tới 90% nông sản Việt Nam XK dưới nhãn hiệu của nước ngoài, mới có khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.
Để tận dụng các cơ hội từ thị trường, xây dựng chỉ dẫn địa lý, tiến tới xây dựng thương hiệu cho nông sản là yêu cầu cấp bách, PGS.TS Lê Thị Thu Hà - Đại học Ngoại thương - chia sẻ, bản chất của quá trình xây dựng thương hiệu chính là tạo ra sự khác biệt, tìm ra năng lực cạnh tranh cốt lõi. Do đó, nhiệm vụ của người xây dựng thương hiệu là phải tìm ra những sản phẩm mang tính đặc trưng, cốt lõi, mang đặc điểm của từng địa phương, từ đó xin chứng nhận chỉ dẫn địa lý, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh, xây dựng chỉ dẫn địa lý đã khó, giữ được thương hiệu cho những sản phẩm đó còn khó hơn. Trong bối cảnh chất lượng nhóm hàng nông sản của Việt Nam thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố an toàn thực phẩm, việc tham gia chỉ dẫn địa lý, sản xuất theo quy trình chuẩn và kiểm tra, kiểm soát sẽ giúp bảo đảm sản phẩm an toàn, duy trì được chất lượng.
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam: Nếu có được thương hiệu và được người tiêu dùng biết đến, giá trị XK cà phê sẽ cao hơn rất nhiều. Do thiếu thương hiệu, chưa được người tiêu dùng biết đến, nên giá XK của cà phê Việt hiện kém 10 - 20% so với sản phẩm cùng loại của các nước khác. |
Bảo Ngọc
http://baocongthuong.com.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;