Trong khi giá tiêu trên thị trường sụt giảm thê thảm (hiện dao động ở mức 55.000 – 57.000 đồng/ kg), một doanh nghiệp (DN) thuần Việt là CTCP Nông nghiệp thương mại du lịch Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) với sự liên kết cùng các hộ nông dân và HTX Bầu Mây lại bán được một loại "tiêu không hạt" độc quyền của DN này với mức giá 15 triệu đồng/kg tại thị trường Việt Nam.
Đặc biệt, khi xuất sang thị trường Nhật Bản, sản phẩm có mức giá lên đến 22 triệu đồng/kg, nhưng cung không đủ cầu. Nghĩa là giá trị của loại "tiêu không hạt" được ví như thực phẩm chức năng này có giá trị gấp hơn 200 lần so với loại tiêu thông thường.
Mày mò bí quyết riêng
Theo ông Lâm Ngọc Nhâm, Chủ tịch HĐQT CTCP Bầu Mây đồng thời là Chủ tịch HĐQT HTX Bầu Mây, đối tác Nhật đang tiếp tục đặt hàng công ty chế biến loại "tiêu xanh muối" với sản lượng 1,5 tấn/ tháng với giá trị kim ngạch khá lớn, cũng là một loại sản phẩm khác biệt trên thị trường hồ tiêu hiện nay. Xa hơn, nhà nhập khẩu Nhật Bản đề xuất công ty có thể cung cấp cho họ khoảng 1.000 tấn/năm.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề hội thảo về nông sản thực phẩm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp thực phẩm (Vietnam Foodexpo) 2018 diễn ra ở Tp.HCM ngày 14/11, ông Nhâm cho biết: "Để nâng được giá trị lớn cho hạt tiêu như vậy là cả quá trình mày mò tìm ra bí quyết riêng và ứng dụng công nghệ".
Hồi cuối năm ngoái, "tiêu không hạt" của Bầu Mây là sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam đã đạt chứng nhận quốc tế GlobalGAP nông sản hữu cơ. Có thể xem đây là một điển hình về hướng đi mới của DN Việt nhằm mang lại giá trị cao cho nông sản thực phẩm.
Như khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, công nghệ là nhân tố quan trọng giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản thực phẩm thời gian qua. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ cũng giúp đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản và giúp DN tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), nông sản thực phẩm Việt đang trên con đường chinh phục giá trị xuất khẩu (XK). Trong 10 tháng đầu năm nay XK nông lâm thủy sản đã đạt gần 34 tỷ USD và thực tế có rất nhiều nông sản Việt là thương hiệu hàng đầu thế giới.
"Tiêu không hạt" của Việt Nam có mức giá đến 15 triệu đồng/kg |
Vùng nguyên liệu chuẩn
"Tuy vậy, nông sản thực phẩm vẫn có thách thức trong việc áp dụng công nghệ. Chẳng hạn như việc hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Về mặt thể chế, chúng ta đã tháo gỡ. Hiện nay, theo thống kê có khoảng hơn 40 nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ và các cấp của Bộ NN&PTNT phê duyệt", ông Toản nói.
Thế nhưng, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản lưu ý khi vận hành các khu nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn những vấn đề cần tháo gỡ. Mặt khác, việc truy xuất nguồn gốc an toàn nông sản thực phẩm còn nhiều băn khoăn, nhất là làm sao để tăng nhận thức từ nhà sản xuất, từ nông dân. Điều này đòi hỏi sự gắn kết giữa DN với nông dân cần chặt chẽ hơn.
Hơn nữa, theo ông Toản, khi ở ngưỡng cửa Cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ Blockchain – "chìa khóa" của chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ trong nông sản thực phẩm không còn là chuyện lý thuyết xa vời nữa, mà cần đến với từng nông dân và từng người tiêu dùng.
Về việc truy xuất nguồn gốc trong nông sản thực phẩm, bà Đặng Thị Phương Ninh, Giám đốc công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (Cofidec), cho biết có điều thú vị là thời gian gần đây nhận được sự quan tâm của những nông dân trẻ có kiến thức tốt trong làm nông nghiệp để cùng tham gia trồng trọt trái cà tím và đậu bắp. Đây chính là thuận lợi cho công ty trong việc truy xuất nguồn gốc.
Thực tế, như chia sẻ của bà Ninh, việc đòi hỏi quá minh bạch ban đầu khiến các nông dân không thích. Khi nghe nói đến việc truy xuất nguồn gốc, họ lại nghĩ đến những rắc rối về mặt công nghệ.
"Thế nhưng đến khi được công ty hướng dẫn sử dụng smartphone cho việc này một cách đơn giản, "cứ đọc mã vạch thấy tít tít" để ra được hồ sơ dữ liệu về sản phẩm nông sản của mình làm rất đẹp, các nông dân ngày càng thích thú hơn", bà Ninh nói.
Ngoài ra, để nhà máy chế biến nông thủy hải sản đạt công suất 7.000 – 8.000 tấn/năm, giải pháp quan trọng hàng đầu của Cofidec là phải tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, lâu dài.
Không chỉ tiếp tục hỗ trợ, tư vấn cho các hộ nông dân sản xuất nguyên liệu nhỏ lẻ vốn có ký kết từ trước, công ty còn chú trọng tìm kiếm, liên kết với các HTX, các công ty nông nghiệp có diện tích canh tác lớn hoặc các hộ nông dân có diện tích canh tác, nuôi trồng từ 1ha trở lên.
Để quản lý nguyên liệu đầu vào trên cơ sở những tiêu chuẩn do khách hàng đưa ra, Cofidec đã ký hợp đồng với nông dân, có xác nhận của chính quyền địa phương.
Theo đó, công ty cung cấp giống nhập từ nước ngoài (theo yêu cầu của đối tác), hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng, tư vấn về nông dược, những yêu cầu bắt buộc phải tuân thủ và có chuyên viên giám sát ở tất cả vùng nguyên liệu. Khi thu hoạch, sản phẩm qua kiểm tra đạt tiêu chuẩn, công ty sẽ thu mua theo nhu cầu sản xuất của nhà máy.
Thế Vinh/https://thoibaokinhdoanh.vn