Theo đó, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết đến năm 2020, bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giữ vững an ninh tài chính quốc gia.
Cụ thể, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 20 - 21% GDP; tổng thu ngân sách bằng khoảng 1,65 lần giai đoạn 2011 - 2015, trong đó thu nội địa chiếm khoảng 84 - 85%, thu dầu thô và thu xuất nhập khẩu khoảng 14 - 16%; tỷ trọng thu ngân sách trung ương từ 60 - 65%.
Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 bình quân khoảng 24 - 25% GDP. Trong tổng chi ngân sách nhà nước, chi đầu tư phát triển đạt khoảng 25 - 26%, chi thường xuyên dưới 64%, ưu tiên bảo đảm chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.
Giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 không quá 3,5% GDP. Quy mô nợ công hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP.
Kiên quyết cắt giảm các dự án không hiệu quả, chưa cần thiết
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Chương trình là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Cụ thể, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Rà soát danh mục các chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn vay nợ công, kiên quyết cắt giảm các chương trình, dự án không đảm bảo hiệu quả, chưa thực sự cần thiết. Tiếp tục sửa đổi và hoàn thiện Luật đầu tư công, đổi mới căn bản thể chế quản lý đầu tư công, đặc biệt công tác lập dự án và đánh giá, thẩm định dự án, cơ chế đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội sau khi dự án đã đi vào khai thác sử dụng.
Rà soát, đổi mới để khuyến khích hơn nữa đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển kinh tế xã hội; có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các dự án công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường; hạn chế, loại bỏ các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Nhà nước trong phần lớn doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động trong các ngành, lĩnh vực mà khu vực ngoài nhà nước có thể đảm nhận, bao gồm các doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả; thoái toàn bộ vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp không thuộc ngành nghề nhà nước cần nắm giữ để sử dụng cho đầu tư phát triển và giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách. Áp dụng quản trị hiện đại đối với các doanh nghiệp nhà nước; minh bạch hóa hoạt động đầu tư kinh doanh của chủ sở hữu nhà nước; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước, tăng cường trách nhiệm giải trình của người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Thúc đẩy các doanh nghiệp đã cổ phần thực hiện niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán nhằm minh bạch hóa thông tin.
Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; xử lý cơ bản và triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; đến năm 2020, các ngân hàng thương mại triển khai áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực vốn Basel II, trong đó phấn đấu có 12 - 15 ngân hàng đáp ứng đủ mức vốn tự có theo Chuẩn mực vốn Basel II; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay bảo đảm cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4.
Đẩy mạnh đổi mới khu vực dịch vụ sự nghiệp công trên cơ sở tăng cường giao quyền tự chủ trên các mặt tổ chức, biên chế, hoạt động và tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập; thúc đẩy xã hội hóa; cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập; phấn đấu đến năm 2020, thực hiện tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ công; đẩy mạnh thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; tạo môi trường bình đẳng trong cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước; chuyển đổi phương thức Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng là người có công, đối tượng yếu thế, bảo đảm cho các đối tượng chính sách - xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ theo quy định ngày càng tốt hơn.
Tập trung cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước
Nhiệm vụ và giải pháp khác là tập trung cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý nợ công, bảo đảm an toàn và bền vững nền tài chính quốc gia. Thực hiện nghiêm nguyên tắc vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước tối thiểu như mức Nghị quyết của Quốc hội đề ra, từng bước tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và trả nợ vay, tăng dự trữ nhà nước
Trong đó, hoàn thiện chính sách thu theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt nguồn thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; tăng tỷ trọng thu từ thuế và phí trong tổng thu ngân sách nhà nước; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn, giảm, giãn thuế, bảo đảm tính trung lập của thuế, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, điều tiết thu nhập hợp lý.
Tăng cường khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công (đặc biệt với đất đai, tài nguyên, tài sản tại khu vực sự nghiệp công, tài sản là các loại kết cấu hạ tầng giao thông) nhằm huy động vốn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu, thanh tra, kiểm tra; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại và cải cách thủ tục hành chính trong thu nộp ngân sách; vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, đồng thời ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn thuế; đổi mới, áp dụng các biện pháp, kỹ năng quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, giảm tỷ trọng nợ đọng thuế.
Từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư hợp lý, giảm tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực dịch vụ hành chính sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ, tinh giản bộ máy, biên chế, thực hiện cải cách lương; nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong các lĩnh vực chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển. Cơ cấu lại chi ngân sách trong từng lĩnh vực, tập trung vào các dịch vụ thiết yếu, ngân sách nhà nước phải đảm bảo, hỗ trợ.
Hoàn thiện thể chế, đặc biệt là các chính sách, công cụ, các chỉ tiêu giám sát nợ công, bộ máy quản lý nợ công, bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và pháp luật có liên quan, phù hợp với thông lệ quốc tế, để kiểm soát toàn diện rủi ro và hiệu quả nợ công. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ nước ngoài quốc gia hằng năm trong giới hạn, mục tiêu đề ra; đảm bảo dư địa dự phòng cho các rủi ro tiềm ẩn; thực hiện tái cơ cấu nợ công nhằm giảm thiểu các rủi ro về kỳ hạn nợ, rủi ro tái cấp vốn, thanh khoản, tỷ giá, lãi suất, tín dụng; bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Giám sát chặt chẽ việc cho vay, sử dụng vốn của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cho các mục đích của ngân sách.
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, từng bước thu hẹp phạm vi sử dụng nợ công, chỉ tập trung cho các công trình, dự án trọng điểm, thực sự có hiệu quả, đảm bảo khả năng cân đối nguồn trả nợ; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay về cho vay lại. Triển khai cơ chế cho vay lại đối với các chính quyền địa phương, cơ chế chia sẻ rủi ro tín dụng với các cơ quan cho vay lại. Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, khống chế hạn mức bảo lãnh cho 02 ngân hàng chính sách tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hằng năm.
Tăng cường giám sát thực hiện hạn mức vay nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài; rà soát các dự án lớn, đánh giá thực trạng vốn mỏng (tỷ lệ vốn vay/vốn góp lớn) của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để làm cơ sở dự báo nhu cầu vay nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp; kiện toàn chế độ báo cáo thống kê nợ nước ngoài tự vay tự trả để phục vụ công tác theo dõi, giám sát hạn mức.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương về tài chính - ngân sách nhà nước và nợ công
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương về tài chính - ngân sách nhà nước và nợ công. Cụ thể, siết chặt kỷ luật tài khóa, ngân sách, nợ công; thực hiện thu chi trong phạm vi dự toán, vay nợ, giải ngân trong phạm vi kế hoạch và hạn mức được cấp thẩm quyền quyết định; chỉ ban hành cơ chế, chính sách chi khi có nguồn tài chính đảm bảo; hạn chế tối đa việc ứng trước dự toán, chuyển nguồn, điều chỉnh tổng mức đầu tư các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn vay; xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản và không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản mới. Tăng cường công tác quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết toán, thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm trong công tác quyết toán các dự án hoàn thành.
Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước; không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế. Các khoản vay mới chỉ thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn.
Tiếp tục cải cách công tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo hướng thống nhất quy trình, tập trung đầu mối kiểm soát và thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước (bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư) gắn với việc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị liên quan (cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát chi, quản lý thu.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, thực hiện công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình về ngân sách nhà nước và nợ công. Từng bước triển khai lập dự toán chi ngân sách theo mục tiêu, nhiệm vụ, các định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá dịch vụ, cam kết chi.
Kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn
Kiện toàn bộ máy nhà nước và nhân sự, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách nhà nước và nợ công.
Cụ thể, đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, gắn với cải cách chế độ công vụ, công chức. Đổi mới mạnh mẽ quy trình, phương thức tổ chức tuyển dụng, sử dụng, trả lương, đánh giá, đề bạt cán bộ; triển khai chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII; thực hiện bổ nhiệm, đề bạt cán bộ chủ yếu dựa trên thành tích, kết quả công việc; tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của cơ quan, đơn vị.
Kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, liêm chính, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả theo định hướng tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương theo hướng tinh gọn, gắn trách nhiệm quyết định chi ngân sách, vay nợ công với trách nhiệm quản lý ngân sách nhà nước và trả nợ công; bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý, phân bổ, cân đối ngân sách nhà nước, quản lý nợ, góp phần thực hiện các mục tiêu kiểm soát bội chi ngân sách, các mục tiêu về nợ công theo đúng Nghị quyết, từng bước lành mạnh hóa, phát triển bền vững nền tài chính quốc gia.
Nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo, hoạch định kế hoạch và điều chỉnh chính sách kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách.
Hoàng Diên
http://baochinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã