Việt Nam đã và đang duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững trong những năm gần đây và thực hiện rất nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn. Tuy nhiên, do việc quản lý chất lượng dự án và quản lý an toàn trong các công trình xây dựng còn thiếu sót nên vẫn để xảy ra nhiều vụ tai nạn xây dựng.
Ngoài ra, hợp đồng của các dự án xây dựng chưa được quản lý hiệu quả dẫn đến nhiều tranh chấp trong giai đoạn thi công và gây khó khăn cho việc triển khai dự án.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị JICA triển khai Dự án “Tăng cường năng lực về dự toán chi phí, quản lý hợp đồng, chất lượng và an toàn trong các dự án đầu tư xây dựng tại Việt Nam (CCQSP)”. Dự án thực hiện từ tháng 4/2015, dự kiến kéo dài đến hết tháng 3/2018.
Dự án được thực hiện với Bộ Xây dựng (BXD) để hỗ trợ nâng cao năng lực của cán bộ cũng như các đơn vị liên quan trực thuộc BXD và những người trực tiếp tham gia các dự án xây dựng. Dự án giúp cho việc quản lý các dự án xây dựng tại Việt Nam được thực hiện theo các chuẩn mực và quy định quốc tế, từ đó nâng cao chất lượng các dự án và công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách. Dự án được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện việc kiểm soát vốn đầu tư công, góp phần sử dụng vốn đầu tư công trong đầu tư xây dựng một cách hiệu quả hơn.
Sau hơn 2 năm thực hiện, nhằm chia sẻ kết quả của dự án và các vấn đề quan trọng liên quan đến luật pháp và các quy định về xây dựng của Việt Nam, một hội thảo đào tạo giới thiệu hai nội dung chính là Đánh giá năng lực nhà thầu và Quản lý hợp đồng vừa được tổ chức tại Hà Nội. Các nội dung này được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện việc kiểm soát vốn đầu tư công, góp phần sử dụng vốn đầu tư công trong đầu tư xây dựng một cách hiệu quả hơn.
Đánh giá năng lực nhà thầu thi công
Hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn công là mối quan tâm lớn đối với cộng đồng. Có rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra liên quan tới chất lượng xây dựng, an toàn trong xây dựng và vấn đề chi phí. Các nhà thầu thi công là một nhân tố quan trọng đóng góp vào sự thành công của các dự án xây dựng.
Nếu các chủ đầu tư lựa chọn được các nhà thầu thi công có đủ năng lực phù hợp với dự án, dự án sẽ được hoàn thành với chất lượng cao mà vẫn đảm bảo được chi phí hiệu quả. Và Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý năng lực các nhà thầu thi công.
Mục tiêu của Phương pháp đánh giá năng lực nhà thầu thi công không chỉ là để đánh giá năng lực của nhà thầu một cách chính xác hay giúp loại ra các nhà thầu không đủ năng lực trong đấu thầu mà còn khuyến khích các nhà thầu thi công cải thiện, nâng cao năng lực của chính họ từ đó nâng cao chất lượng của các công trình xây dựng.
Hệ thống đánh giá năng lực nhà thầu thi công cũng bao gồm Đánh giá kết quả thực hiện công việc của nhà thầu, góp phần giải quyết vấn đề các nhà thầu có hồ sơ dự thầu đẹp nhưng thực tế thực hiện kém.
Một số khuyến nghị cũng được đưa ra cho cơ chế lựa chọn nhà thầu. Mặc dù pháp luật về lựa chọn nhà thầu ở Việt Nam đã và đang được cải thiện nhưng một số vấn đề liên quan tới đấu thầu xây dựng vẫn còn tồn tại cần phải cải thiện để theo kịp các thông lệ quốc tế. Điều quan trọng nhất là tỉ lệ yếu tố kỹ thuật trong chấm thầu sẽ được tăng lên.
Nếu các hồ sơ thầu được đánh giá toàn diện cả về chất lượng lẫn giá cả thì hợp đồng sẽ được ký với những nhà thầu có đủ nguồn lực để thi công công trình. Điều này góp phần hạn chế tình trạng phá giá và gian lận. Dự án cũng khuyến nghị tăng cường năng lực trong điều tra về giá, theo dõi thực tế áp dụng các hình thức đấu thầu.
Quản lý hợp đồng
Sau lựa chọn nhà thầu, công tác quản lý hợp đồng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo mục tiêu trong xây dựng. Hiện nay đang có một số ý kiến cho rằng việc thực hiện hợp đồng xây dựng ở Việt Nam còn nhiều bất cập gây chậm trễ trong quá trình thi công và không theo các thông lệ quốc tế.
Tài liệu “Hướng dẫn quản lý và điều chỉnh hợp đồng thi công” được lập bởi Bộ Xây dựng và đoàn dự án JICA được chia sẻ tại hội thảo. Tài liệu này góp phần giải quyết các vấn đề được nhận diện từ các dự án nghiên cứu tình huống và các vấn đề phát hiện thông qua quá trình rà soát các văn bản pháp luật cũng như thông tin thu thập từ các chủ thể liên quan trong ngành Xây dựng tại Việt Nam.
Trong quá trình xây dựng tài liệu, các chuyên gia đã sử dụng Các điều khoản Hợp đồng FIDIC như tài liệu tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế. Tài liệu đưa ra một số phương pháp tiếp cận quan trọng giúp cải thiện các vấn đề còn tồn tại ở Việt Nam, đưa công tác quản lý hợp đồng lên tầm quốc tế.
Đồng thời, tài liệu giúp làm rõ quá trình quản lý hợp đồng từ thời điểm đấu thầu, ký hợp đồng, thực hiện, xây dựng, hoàn thành và bảo hành công trình. Tài liệu dùng cho các đối tượng bao gồm bên giao thầu (Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án), Tư vấn (Tư vấn quản lý dự án, Tư vấn giám sát) và các nhà thầu thi công.
Khi tham gia vào các hội thảo đào tạo này, năng lực của các cán bộ và các chủ thể tham gia công tác xây dựng sẽ được nâng cao, trong tương lai có thể đáp ứng được bất cứ cải thiện nào. Các cuộc Hội thảo tiếp theo sẽ được tổ chức tại TP. HCM ngày 22/6 và tại Cần Thơ ngày 23/6/2017. Các hội thảo đào tạo khác của dự án dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm nay tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM.
Quỳnh Linh
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;