Cuộc chiến... hạt đậu tương
Động thái siết chặt nhập khẩu đậu tương từ Mỹ của Trung Quốc thể hiện ở việc giảm bớt cam kết mua 366.000 tấn đậu tương Mỹ trong vụ mùa sẽ kết thúc vào ngày 31.8 tới và tiếp tục cắt giảm thêm 66.000 tấn vào mùa sau. Điều này chắc chắn sẽ gây áp lực lên việc tiêu thụ đậu tương của Mỹ, vì Trung Quốc là thị trường tiêu thụ đậu tương lớn nhất của Mỹ.
Việt Nam có cơ hội nhập khẩu đậu tương giá rẻ từ Mỹ. Ảnh: T.L
Mỹ đang rốt ráo tìm cách chuyển số hàng dự kiến xuất khẩu sang Trung Quốc tới các nước khác. Đã có khoảng 120.000 tấn dự kiến được xuất khẩu sang Bangladesh và Pakistan.
Thực tế, nông nghiệp, mà cụ thể là ngành sản xuất đậu tương, vẫn được coi là điểm yếu của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại Mỹ Trung, bởi cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa thể chủ động được nguồn hạt quan trọng này cho thị trường tới 1,3 tỷ dân. Chỉ tính riêng năm 2017, khoảng 1/3 tổng sản lượng đậu tương của Mỹ được xuất sang Trung Quốc, với giá trị lên đến 14 tỷ USD.
Với phía Mỹ, việc tìm một nơi thay thế để tiêu thụ lượng hàng khổng lồ này cũng không hề dễ dàng. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA, trong mùa vụ 2017 - 2018, Trung Quốc mua 771.000 tấn đậu tương Mỹ và dự kiến trong mùa vụ tiếp theo Trung Quốc sẽ mua khoảng 1,39 triệu tấn.
Những tác động của cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế đã có tác động sớm và mạnh hơn người ta tưởng. Ngay sau khi Trung Quốc quyết định siết chặt hoạt động nhập khẩu đậu tương từ Mỹ, trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago, giá đậu tương giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm. Trao đổi với báo giới Mỹ, một chuyên gia của Trường Đại học Purdue (Mỹ) cho biết, tổn thất đối với nông sản Mỹ là rất lớn, ngay lập tức lợi nhuận của ngành sản xuất đậu tương Mỹ đã giảm hơn 200 USD/ha trong vài tháng qua liên quan đến việc leo thang căng thẳng quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Để tránh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ, Trung Quốc đang vận động nông dân nước này mở rộng diện tích trồng đậu tương dù điều này không hề dễ dàng do quy mô canh tác vẫn còn nhỏ lẻ và tìm đến những miền đất mới như Nga.
Cơ hội mua đậu tương giá rẻ
Đậu tương là một trong những cây trồng chính của Việt Nam. Ảnh: IT.
Cho đến thời điểm này, đậu tương vẫn là một trong những mặt hàng Việt Nam phải nhập khẩu khá nhiều để chế biến thức ăn chăn nuôi. Theo thống kê, nhóm hàng đậu tương nhập khẩu vào Việt Nam sau khi sụt giảm mạnh trên 75% cả về lượng và giá trị trong tháng đầu năm 2018 đã liên tục tăng mạnh cho đến nay (tháng 2 tăng 129%, tháng 3 tăng 18,5% và tháng 4 tăng 48,5%). Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2018, đậu tương nhập khẩu tăng 22,3% về lượng và tăng 19,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 562.124 tấn, tương đương 242,34 triệu USD.
Mỹ vẫn là thị trường cung cấp đậu tương lớn nhất của Việt Nam. Nhờ có mức giá rẻ nhất thị trường, trung bình 421 USD/tấn, giảm 5,6% so với cùng kỳ, nên lượng nhập khẩu đậu tương từ Mỹ trong 4 tháng đầu năm 2018 tăng tới 66,8% so với cùng kỳ, đạt 375.100 tấn, đạt kim ngạch 157,93 triệu USD, chiếm 66,7% tổng lượng đậu tương nhập khẩu của cả nước và chiếm 65,2% trong tổng kim ngạch.
Chính vì vậy, việc Trung Quốc cắt giảm khối lượng nhập khẩu đậu tương từ Mỹ, tìm nguồn khác thay thế có thể là cơ hội để các nhà nhập khẩu của Việt Nam chớp thời cơ mua được nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi với giá hời. Điều cần làm ngay lúc này là các ngành chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chuyến hàng được thông quan.
Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng, chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội nhập khẩu đậu tương với giá dễ chịu từ Mỹ, thị trường lớn nhất của chúng ta từ trước đến nay khi nhiều nông sản của Mỹ không còn cửa vào Trung Quốc. Họ bắt buộc phải tìm những thị trường khác để thay thế, trong đó có Việt Nam. Trên thực tế, đã có một chuyến hàng bông từ Mỹ được chuyển đến Việt Nam thay vì đích đến là Trung Quốc như mục tiêu ban đầu.
Bên cạnh việc tìm được nguồn hàng nhập khẩu với giá hời từ Mỹ, nếu chúng ta tổ chức tốt, có thể hình thành được những vùng chuyên canh đậu tương, phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc, vốn là bạn hàng lớn nhất của ta. Đậu tương được coi là một trong những cây trồng chính ở Việt Nam, chỉ xếp sau lúa, ngô vì là nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp chế biến thức ăn gia súc và cung cấp nguồn đạm thực vật cho người. Tuy nhiên, hiện nay năng suất đậu tương của Việt Nam còn thấp. Theo thống kê, sản lượng đậu tương của Việt Nam trong 6 tháng đầu vụ mùa 2016 - 2017 đạt 69.600 tấn trên diện tích canh tác khoảng 44.900ha; mục tiêu đến năm 2020, diện tích đậu tương cả nước đạt khoảng 166.000ha, sản lượng 265.000 tấn.
Theo: Khánh Nguyên/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã