Học tập đạo đức HCM

Đan Phượng (Hà Nội): Vùng quê “thay da đổi thịt” nhờ chương trình Nông thôn mới

Thứ năm - 23/11/2017 08:29
Rũ bỏ hình ảnh làng quê nghèo đói ngày nào, xã Hạ Mỗ bây giờ khang trang, sạch đẹp hơn hẳn với những con đường có hoa, nhà có số và phố có tên. Quan trọng hơn nữa, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân Hạ Mỗ cũng được nâng cao hơn hẳn sau 6 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM).

Xã Hạ Mỗ đón nhận danh hiệu “Xã đạt chuẩn Nông thôn mới”.

Ông Nguyễn Khắc Lê chăm sóc vườn hoa cúc của gia đình cho thu nhập gần 100 triệu đồng/vụ.

Nỗ lực thoát nghèo, làm giàu

Nói về bức tranh kinh tế ở xã Hạ Mỗ trong 6 năm xây dựng NTM, nhân dân thôn Trúng Đích xứng đáng trở thành tấm gương tiêu biểu cho toàn xã khi vươn lên làm giàu bằng nghề làm đậu phụ truyền thống.

Sau khi được công nhận làng nghề vào năm 2003, người dân ở đây tiếp tục đẩy mạnh phát triển nghề làm đậu cho thu nhập cao, ước tính khoảng 144 triệu/hộ/năm (thống kê năm 2016).

Cũng trong quá trình xây dựng NTM, xã Hạ Mỗ còn có những người nông dân dám thay đổi, mạnh dạn đầu tư vào những dự án làm giàu mới, tiêu biểu là trường hợp của 2 anh em nhà bác Nguyễn Khắc Lê và Nguyễn Khắc Sáu, những người Hạ Mỗ đầu tiên “dám” bỏ lúa để trồng hoa có giá trị kinh tế cao hơn gấp bội.

Chia sẻ về quyết định táo bạo của mình, bác Lê cho biết: “Năm đầu tiên thì cũng chưa biết làm, cấy gần 2 tháng mà cây vẫn thấp tè. Sau khi thu hoạch xong còn chưa biết bán ở đâu. Cuối cùng vẫn phải mang hoa sang Mê Linh nhờ người cháu làm nghề buôn hoa lo phần đầu ra. Nhưng khi làm nhiều, quen nhiều rồi thì bây giờ bán hoa ở đâu cũng được cả”.

Hiện tại, sau 4 năm đầu tư trồng 3 sào hoa cúc, doanh thu mỗi vụ của bác Lê rơi vào khoảng 90 – 100 triệu đồng, chưa trừ 25 – 27 triệu tiền vốn (tiền thuê đất, mua giống hoa, lân đạm, thuốc trừ sâu và tiền thuê người).


Cán bộ và thanh niên xã Hạ Mỗ sửa nhà mới cho một hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Thành quả này tuy chưa bằng các hộ gia đình ở làng hoa Tây Tựu lên Hạ Mỗ thuê đất để làm giàu, nhưng đây lại là ngọn cờ đầu tiếp thêm niềm tin cho thế hệ trẻ Hạ Mỗ mạnh dạn đầu tư, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Thực tế, UBND xã Hạ Mỗ vẫn thường xuyên kết hợp với Hội nông dân để mời các kỹ sư, chuyên gia từ trường Đại học Nông nghiệp về địa phương hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh, bưởi, cam, nấm, sản xuất rau an toàn, nuôi chim trĩ, gà thả vườn, thỏ...

Những người dân muốn đi xuất khẩu lao động cũng sẽ nhận được tư vấn và hỗ trợ vay vốn để tìm được công việc thích hợp khi làm việc ở nước ngoài, giảm thiểu các trường hợp bị lừa gạt tiền bạc, hoặc không được làm đúng việc khi sang đến nơi.

Theo báo cáo xây dựng NTM giai đoạn 2011- 2015, tỷ lệ người lao động xã Hạ Mỗ có việc làm thường xuyên đạt mức rất cao, 98%.

Xã Hạ Mỗ ngày một khang trang, sạch đẹp hơn với những đoạn đường bê tông và các ngôi nhà cao tầng mọc lên như nấm.

Việc người dân đóng góp tài sản và tiền bạc trong quá trình xây dựng các nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng cho thấy rõ mức thu nhập của nhân dân trong xã đã tăng đáng kể so với thời kỳ trước, trung bình khoảng 33 triệu đồng/người/năm theo báo cáo của UBND vào tháng 12/2016.

Mặt khác, chính quyền địa phương cũng tích cực đẩy mạnh những chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, người cao tuổi và người có công với cách mạng.

Hàng năm, chính quyền xã Hạ Mỗ vẫn thường tổ chức các hoạt động thăm nom, tặng quà, sửa chữa nhà cũ và xây nhà mới cho người có công và người cao tuổi trên địa bàn.

Riêng với các hộ nghèo, chính quyền địa phương luôn xác định rõ quan điểm “trao cần câu cơm chứ không tặng tiền bạc”. Từ đó, Ban chỉ đạo trợ giúp người nghèo xã Hạ Mỗ sẽ nỗ lực điều tra, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự nghèo của từng hộ gia đình để đưa ra phương án cụ thể cho từng trường hợp.


Sự xuất hiện của các nhà văn hóa giúp đẩy mạnh phong trào văn nghệ, thể dục thể thao ở Hạ Mỗ.

Chỉ có như vậy thì người dân mới thực sự thoát nghèo thay vì trông chờ vào sự giúp đỡ từ Ngân sách Nhà nước.

Việc tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Hạ Mỗ giảm mạnh chỉ còn 3,4% trong năm 2017 chính là minh chứng tiêu biểu nhất cho tính đúng đắn của chính sách giảm nghèo của chính quyền địa phương.

Xa hơn nữa, cách làm này cũng cho thấy mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo tại đây xuống dưới 2% vào năm 2020 hoàn toàn nằm trong tầm tay của UBND, Đảng ủy và người dân xã Hạ Mỗ.


Gương cầu lồi giúp giảm thiểu tai nạn giao thông ở xã Hạ Mỗ.

Từ quê lên phố

Một trong những hình ảnh tiêu biểu nhất phải nhắc đến trong chương trình xây dựng NTM ở xã Hạ Mỗ là việc nhân dân địa phương tham gia đóng góp công sức, thời gian, tiền bạc và thậm chí là hiến đất cho công cuộc bê tông hóa đường giao thông nông thôn vào năm 2012.

Nhờ huy động được sức mạnh của tập thể, những con đường cũ, nát và bụi mù ở xã Hạ Mỗ nhanh chóng được thay thế bằng những con đường bê tông sạch đẹp, trải đầy các chậu hoa dọc trên đường dẫn vào làng. Các trục đường chính đã có tên, từng nhà cũng được gắn số.

Chưa kể, UBND xã Hạ Mỗ cũng kiến nghị với Công an giao thông huyện hỗ trợ xây gờ giảm tốc, lắp đặt gương cầu lồi, biển báo và camera giao thông ở ngã tư đường Vạn Xuân giao với đường mương Đan Hoài vốn là một trong những điểm đen giao thông ở huyện Đan Phượng, từng xảy ra nhiều tai nạn chết người.

Sau khi hoàn tất nhiệm vụ bê tông hóa đường giao thông, nhân dân Hạ Mỗ tiếp tục góp công, góp của xây dựng các nhà văn hóa ở 10 cụm dân cư, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng cho bà con địa phương.

Ông Nguyễn Đình Thụ, Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ chia sẻ: “Các nhà văn hóa và những hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi của người dân chính là biểu hiện nổi trội nhất về đời sống tinh thần mà nhân dân được thụ hưởng từ chương trình xây dựng NTM. Mục đích quan trọng nhất khi chúng ta xây dựng NTM không phải cũng là điều này đó sao”.

Hiện tại, ngoài 2 môn bóng đá và cầu lông có truyền thống ở địa phương, người dân Hạ Mỗ còn thành lập thêm các đội aerobic, thể dục dục dưỡng sinh, võ thuật, bóng bàn, bóng chuyền hơi, chạy bộ và đạp xe. Đại hội thể dục thể thao trên địa bàn xã được tổ chức hàng năm đều thu hút sự tham gia đông đảo, từ trẻ nhỏ cho đến người già.

Tính đến cuối năm 2016, toàn xã Hạ Mỗ có đến 96% hộ gia đình văn hóa. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế xã hội toàn dân đạt trên 70%. Dự kiến, con số này sẽ tăng lên 81% vào cuối năm 2017 và cán mốc 100% trên địa bàn xã vào năm 2020.

Mỗi năm, chính quyền xã cũng phối hợp mời bác sĩ ở các bệnh viện lớn về khám bệnh cho nhân dân và kêu gọi các “Mạnh Thường Quân” hỗ trợ kinh phí mua thuốc để cấp miễn phí cho người cao tuổi và người có công.

Về mặt an ninh – trật tự xã hội, tệ nạn ma túy trên địa bàn xã đã giảm mạnh từ năm 2014, thời điểm chính quyền xã không còn phát hiện thêm đối tượng nghiện mới. Những người cai nghiện thành công cũng được chính quyền hỗ trợ tìm việc làm để tái hòa nhập cộng đồng.

Con người - nhân tố quan trọng nhất để xây dựng NTM

Cùng với quá trình xây dựng NTM, người dân Hạ Mỗ cũng đang nỗ lực tiếp cận với thông tin đại chúng để không bị thụt lùi so với thời đại.

Trình độ dân trí của người dân ngày càng được nâng cao khi mạng Internet được phủ sóng toàn xã. Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở mỗi cụm dân cư cũng đều có tủ sách do chính người dân đóng góp.

Phong trào thành lập các dòng họ khuyến học đang thúc đẩy sự phát triển của giáo dục xã Hạ Mỗ.

Các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn xã Hạ Mỗ đều được công nhận là trường đạt chuẩn Quốc gia trước khi bước sang năm 2015. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và trang thiết bị của mỗi trường ngày càng được hiện đại hóa để nâng cao chất lượng dạy và học.

Tỷ lệ học sinh giỏi (HSG) cũng vì thế mà tăng lên qua từng năm. Chỉ tính riêng năm 2016, trường THCS Tô Hiến Thành có đến 30% HSG. Tỷ lệ học sinh Hạ Mỗ thi đỗ THPT cũng đứng thứ 3 toàn huyện Đan Phượng trong năm học này, đạt 78%.

Hàng năm, UBND xã đều tổ chức khen thưởng HSG, học sinh thi đỗ Đại học và đạt thành tích cao trong các kỳ thi cấp thành phố hay quốc gia. Các dòng họ khuyến học và quỹ khuyến học ở cụm dân cư cũng được thành lập để khích lệ tinh thần học tập của con em ở địa phương.

Rõ ràng, trong bất kỳ nhiệm vụ nào, con người vẫn luôn là yếu tố then chốt để vươn tới thành công và chương trình xây dựng NTM cũng không phải là ngoại lệ.

Với định hướng rõ ràng như vậy nên từ năm 2008, UBND và Đảng ủy xã Hạ Mỗ đã bắt đầu xây dựng cán bộ nguồn và không ngừng tạo điều kiện cho cán bộ công chức nâng cao trình độ ở các lớp Đại học tại chức.

Chia sẻ về mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020, ông Nguyễn Xuân Việt - thành viên Ban chỉ đạo xây dựng NTM mới ở xã Hạ Mỗ cho biết: Mục tiêu tổng quát nhất của chính quyền và nhân dân xã Hạ Mỗ sẽ là nâng cao chất lượng các tiêu chí và hoàn thành 100% các tiêu chí đạt (hiện tại Hạ Mỗ mới có 15 tiêu chí đạt và 4 tiêu chí cơ bản đạt).

Chợ dân sinh và nghĩa trang nhân dân trên địa bàn xã đang được quy hoạch mở rộng và xây mới trong khoảng 1,2 năm tiếp theo. Đặc biệt, UBND xã Hạ Mỗ đang hoàn thiện đề án du lịch ven sông Nhuệ với hy vọng chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ, nâng cao mức thu nhập của nhân dân với mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là 49 triệu/người/năm.

Bên cạnh đó, chính quyền và người dân xã Hạ Mỗ cũng phải đối mặt với không ít tồn tại cần khắc phục như xây dựng được nếp sống văn minh trong đám cưới, đám tang, quy hoạch khu vực tập kết rác thải xây dựng, xây dựng thư viện sách, và quan trọng hơn cả là tìm cách để có nhiều hơn nữa những hộ dân dám mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng như ông Nguyễn Khắc Lê.

Xã Hạ Mỗ có diện tích 377,8 ha, chia thành 2 làng và 10 cụm với tổng dân số vào năm 2016 là 8.767 người. Đây là mảnh đất cổ nằm bên bờ sông Nhuệ với nhiều di tích lịch sử như: thành cổ Ô Diên, đình Vạn Xuân, đền Văn Hiến thờ danh nhân Tô Hiến Thành, chùa Hải Giác, miếu Hàm Rồng, đền Chính Khí, chùa Báo Ân, đình Trúng Đích, đền Tri Chỉ…

Hạ Mỗ được công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2014 và tổ chức đón nhận danh hiệu vào tháng 4/2015.

Theo Báo Xây dựng

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập478
  • Hôm nay66,176
  • Tháng hiện tại725,503
  • Tổng lượt truy cập93,103,167
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây