Thu hút đầu tư
Trên chuyến xe đến KCN Nghi Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến kể cho tôi nghe về các dự án đã được các nhà đầu tư đổ tiền, đổ của vào đây như Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dự án khu tổ hợp Công nghệ cao Samsung Thái Nguyên, Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô, Dự án xây dựng nhà máy SX lắp ráp các sản phẩm điện tử và điện tử công nghệ cao, Dự án SX lốp xe Bridgestone, Dự án Samsung Electronics, xây dựng nhà máy lắp ráp và SX phụ tùng xe ô tô buýt và các dịch vụ hỗ trợ...
Nói về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2013 Thanh Hóa đã vượt lên 36 bậc (từ 44 lên vị trí 8); 15/16 chỉ tiêu phát triển KT - XH đạt và vượt kế hoạch đề ra. Điểm nhấn ấn tượng là khởi công thành công nhà máy lọc hóa dầu với tổng mức đầu tư 9 tỉ USD và một số dự án lớn khác như Cảng hàng không Thọ Xuân...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền cho biết, năm 2013 tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 4,6%, SX nông - lâm - thủy sản tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị SX ước đạt 1.220 tỷ đồng. SX công nghiệp chuyển biến tích cực, giá trị SX ước đạt 7.139 tỷ đồng, tăng 13,8%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 12.751 tỷ đồng, tăng 19,5% so cùng kỳ năm ngoái. Thu ngân sách nội địa đạt 1.825 tỷ đồng gấp 1,5 lần cùng kỳ.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến phấn khởi nói: “Tính đến hết quý I/2014, chỉ số thu hút đầu tư nước ngoài của Thanh Hóa đứng thứ 4 cả nước với 16,5 tỷ USD. Trong đó phải kể đến sự đóng góp của 4 tập đoàn lớn từ Nhật Bản và 3 nhà đầu tư tầm cỡ từ Hàn Quốc mạnh dạn đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn và các vùng phụ cận. Và chúng tôi đang phấn đấu đến tháng 8 năm nay sẽ đưa vào sử dụng nhà ga hàng không có tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng”.
SX nông nghiệp công nghệ cao
Những đổi thay ở xứ Thanh hôm nay không chỉ được thể hiện qua các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ mà Thanh Hóa còn được đánh giá cao trong việc kêu gọi DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
SXNN công nghệ cao góp phần không nhỏ trong quá trình xây dựng NTM tại Thanh Hóa
Đi đầu tiến trình này phải kể đến Cty CP Công nông nghiệp Tiến Nông (Cty Tiến Nông). Từ một DN chuyên SX phân bón, nhưng đến nay Tiến Nông đã trở thành người bạn đồng hành cùng nông dân Thanh Hóa trên tất cả mọi lĩnh vực.
Ngoài SX cung ứng phân bón truyền thống, Cty còn giúp bà con nông dân tiếp cận KHKT, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào SXNN từ khâu làm đất, gieo mạ, chăm sóc, đến thu hoạch đồng thời bao tiêu sản phẩm.
Ông Nguyễn Hồng Phong, TGĐ Cty Tiến Nông cho biết, với phương châm DN làm “bà đỡ” của nông dân, những năm qua Cty đã liên kết với nông dân xã Hoằng Anh, TP. Thanh Hóa và một số xã khác đưa cơ giới hóa đồng bộ vào SX, góp phần giảm giá thành lúa thương phẩm xuống dưới 3.000 đ/kg, giúp tăng giá trị thu nhập cho nông dân.
Cũng theo ông Phong, trên cơ sở thành công ở những xã nói trên, vụ ĐX 2013-2014, Cty tiếp tục nhân rộng mô hình ra các xã, các huyện trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, tiến tới liên kết với các HTX, nhóm hộ để nông dân cùng hoạt động theo mô hình DN.
Các HTX sẽ được đầu tư hệ thống máy móc hiện đại đồng bộ để kinh doanh dịch vụ cho toàn bộ diện tích trên địa bàn xã đó và các xã lân cận. Cách làm này sẽ giải được bài toán nông dân không phải bỏ ruộng ở các địa phương hiện nay, từng bước đưa SXNN Thanh Hóa ngày càng phát triển bền vững.
Với một tỉnh rộng lớn như Thanh Hóa việc phát triển đồng bộ cả công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ sẽ góp phần đẩy nhanh công cuộc xây dựng NTM theo đúng tinh thần Nghị quyết TƯ 7 và Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh đề ra.
Thanh Hóa được đánh giá cao trong việc kêu gọi DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn
128 xã đạt chuẩn NTM vào 2016
Là tỉnh có tổng diện tích lớn thứ 5, dân số đông thứ 3 của cả nước, đời sống người dân chủ yếu là SXNN nên khi có chủ trương thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM cả hệ thống chính trị xứ Thanh nhanh chóng nhập cuộc. Sau hơn 3 năm triển khai đến nay toàn tỉnh đã có 19 xã về đích, phấn đấu đến cuối năm 2016 sẽ có 128 xã đạt chuẩn NTM.
Giám đốc Sở NN-PTNT Lê Như Tuấn cho hay, cách làm NTM ở Thanh Hóa khác với các tỉnh khác trong khu vực, nhưng cái mà Thanh Hóa có sẵn đó là tư duy về NTM đã có được từ hàng chục năm trước đây nên đường làng, ngõ xóm đã được mở rộng đạt và vượt so với yêu cầu hiện tại đặt ra.
Vậy là sau hơn 3 năm, tôi có dịp trở lại Thanh Hóa, từ kinh tế xã hội, đến bộ mặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã thực sự khởi sắc, dân nông thôn bây giờ chẳng thua kém gì so với dân phố thị từ thu nhập, phương tiện đi lại, nơi ăn chốn ở đến cả thay đổi tư duy về một nông thôn hiện đại. |
Đến cả nhà văn hóa thôn vẫn còn đó những mái đình rêu phong nay được nâng cấp để đạt chuẩn theo quy định. Từ truyền thống đó đã trở thành ý thức hệ để người dân Thanh Hóa khẳng định, xây dựng NTM chính là xây dựng cuộc sống mới cho mình.
Với sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của Trung ương, tỉnh, huyện thông qua một số chính sách cho nông dân vay vốn, hàng nghìn hộ gia đình đã phát triển thành công các mô hình SX như mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm khép kín, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào SXNN công nghệ cao.
Đồng thời, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào SX trên những trang trại, những cánh đồng mẫu lớn hái ra tiền tỷ. Đến cả các mô hình SX rau, củ, quả, hoa cây cảnh… tạo công ăn việc có thu nhập ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc.
Chị Đàm Thị Năm, thôn 3 xã Minh Sơn (huyện Triệu Sơn) cho biết, thông qua chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ theo Chương trình NTM của UBND huyện, gia đình chị nâng quy mô nuôi từ vài chục con gà lên 1- 1,5 nghìn con gà/lứa; 21 con lợn nái; 10 lợn thịt và 500-700 con vịt/lứa, mang về lợi nhuận bình quân trên 100 triệu đồng/năm.
“Nếu không có Chương trình NTM chắc tôi cũng chỉ nuôi con gà, con lợn để lấy công làm lãi. Còn bây giờ tôi đã có thể làm giàu ngay trên diện tích đất vườn nhà mình”, chị Năm nói.
Ông Đỗ Thế Hạnh, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh tâm sự, nguồn lực của Thanh Hóa để đầu tư cho 573 xã xây dựng NTM quả là con số khổng lồ. Nếu lấy phép tính so sánh, định hình cho một xã hoàn tất 19 tiêu chí, phải mất mỗi xã trên 100 tỷ đồng. Đây là con số quá sức tưởng tượng.
Mặc dầu có sự hỗ trợ của Trung ương nhưng hầu hết vẫn là ngân sách tỉnh bỏ ra và huy động các nguồn lực khác. Vì thế, buộc địa phương phải xem như “tay không bắt giặc”. Đấy là bài toán buộc cả hệ thống chính trị đến mỗi đồng chí lãnh đạo từ tỉnh, huyện, xã phải suy nghĩ.
Để xây dựng được NTM buộc phải dựa vào sức dân. Buổi đầu sức dân đóng góp chỉ được 20-30% thì nay nguồn lực từ dân đã tăng lên đến gần 50%. “Với đà này chúng tôi tin rằng đến cuối năm 2016 Thanh Hóa sẽ hoàn thành mục tiêu có 128 xã đạt chuẩn NTM, góp phần kết thúc giai đoạn 1 của chương trình”, ông Hạnh cho biết thêm.
Anh Bình
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã