Ông Tăng Minh Lộc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam, nguyên Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương: "Cần xác định rõ nhóm sản phẩm lợi thế"
Để nhân rộng chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) của Quảng Ninh cũng như phát triển chương trình Mỗi xã một sản phẩm thì cần tạo ra cơ sở pháp lý làm căn cứ thực hiện, trao nguồn “vốn mồi” để khởi nghiệp, có các chính sách hỗ trợ cho các sản phẩm nằm trong quy hoạch chiến lược quốc gia được nâng tầm từ địa phương lên quốc gia rồi quốc tế. Bên cạnh đó, các địa phương phải chủ động đưa chương trình trở thành một trong những chương trình kinh tế trọng điểm, xác định nhóm sản phẩm lợi thế trên cơ sở 2 cấp là địa phương và quốc gia, hướng tới xuất khẩu; ban hành các chính sách riêng phù hợp với từng địa phương; xây dựng bộ quy chuẩn hướng dẫn người tham gia cách thức thực hiện; thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại để thị trường đánh giá; phải có đội ngũ cán bộ chuyên trách. Giải pháp quan trọng nhất để phát triển chương trình là lãnh đạo các cấp, ngành và địa phương phải nhận thức rõ ràng rằng chương trình là giải pháp quan trọng thúc đẩy kinh tế nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội: "Có các cơ chế đặc thù hỗ trợ"
Trên cơ sở nghiên cứu phong trào Mỗi làng một sản phẩm của Nhật Bản và Mỗi xã một sản phẩm của Thái Lan, năm 2012, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện chương trình Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) để phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Chương trình nhằm phát huy thế mạnh của các địa phương trên địa bàn thành phố, tạo ra những sản phẩm có nét văn hóa độc đáo riêng, đồng thời sử dụng nguồn lao động tại chỗ, phát triển làng nghề kết hợp với du lịch, chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ định hướng phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực cấp xã, phường trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán canh tác…nhằm phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương. Tuy nhiên, để OVOP Hà Nội, OCOP Quảng Ninh nói riêng và “Mỗi xã một sản phẩm” của cả nước nói chung phát triển, thì cần phải có các cơ chế đặc thù hỗ trợ đất đai, khoa học công nghệ, thị trường…
Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Kạn: "Bắc Kạn đang kế thừa và phát triển kinh nghiệm của Quảng Ninh"
Chương trình OCOP Quảng Ninh là bài học kinh nghiệm quý báu cho các địa phương trên cả nước trong việc triển khai chương trình MTQG về nông thôn mới gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, chương trình đã tạo môi trường tốt thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường liên kết 4 nhà, phát triển các HTX. Chương trình OCOP Quảng Ninh phải khẳng định là điểm sáng thu hút các nguồn lực đầu tư từ con người, đất đai, nguồn vốn… trên cơ sở thế mạnh của địa phương để tạo ra các sản phẩm mang tính đặc hữu. Vừa qua, Tỉnh ủy tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết thực hiện chương trình Mỗi làng, xã một sản phẩm, đồng thời tiến hành lập đề cương, xây dựng dự toán, kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở kế thừa nhiều kinh nghiệm của Quảng Ninh, với mục tiêu thúc đẩy kinh tế các vùng nông thôn, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Nam dược Y Võ (TP Uông Bí, Quảng Ninh): "Đảm bảo ổn định cho sản phẩm nông nghiệp"
Với sự vào cuộc quyết liệt, cách làm bài bản, chương trình OCOP Quảng Ninh thực sự là luồng gió mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên cơ sở phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương. Kế tục những sản phẩm thuốc gia truyền của dòng họ, sau 3 năm tham gia chương trình OCOP, các sản phẩm của chúng tôi dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Năm 2016, sản lượng tiêu thụ sản phẩm của Công ty tăng 3 lần so với năm 2015. Tham gia chương trình OCOP, doanh nghiệp rất cần sự quan tâm của các ngành, cấp và địa phương bằng những chính sách, cơ chế, hành động hỗ trợ cụ thể; các cơ quan chuyên môn phải tích cực hơn nữa trong việc tư vấn cho người dân hoàn thiện các quy trình đảm bảo chất lượng đạt chuẩn quốc gia; đẩy mạnh xúc tiến thương mại...
Cao Quỳnh (Thực hiện)
Theo baoquangninh.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã