Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nhóm giải pháp đối với nông dân
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò chủ thể trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chủ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới. Cụ thể là tuyên truyền để người nông dân nhận thức đầy đủ về các vai trò: chủ thể tích cực tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới; chủ thể tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn; chủ thể trực tiếp trong phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chủ thể tích cực, sáng tạo trong xây dựng và gìn giữ đời sống văn hoá - xã hội, môi trường ở nông thôn; nhân tố góp phần quan trọng vào xây dựng hệ thống chính trị - xã hội vững mạnh, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội ở cơ sở. Cần có các hình thức tôn vinh tấm gương nông dân điển hình, tiên tiến trong các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phong trào xây dựng nông thôn mới và xây dựng gia đình văn hóa.
Thứ hai, tích cực đẩy mạnh đào tạo nghề nông cho nông dân bằng nhiều hình thức. Các cấp chính quyền cần tiếp tục cụ thể hóa chiến lược và chính sách đào tạo nghề cho nông dân một cách thiết thực và hiệu quả: mở rộng các hình thức đào tạo nghề thông qua hệ thống khuyến nông, các tổ chức dạy nghề của Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức khác; hỗ trợ các cộng đồng nông thôn xây dựng chương trình dạy nghề và cung cấp thông tin cho lao động nông thôn; đào tạo ngắn ngày ngay tại doanh nghiệp; đào tạo theo hợp đồng giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo, nhưng học viên học nghề là do yêu cầu của các doanh nghiệp. Đồng thời, mở các buổi hội thảo, tọa đàm về kinh tế nông nghiệp, giới thiệu các sản phẩm khoa học công nghệ hiện đại cho nông dân, cập nhật kiến thức mới về nông nghiệp cho nông dân.
Thứ ba, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội đối với nông dân. Thực hiện lồng ghép các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, khuyến nông, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, phòng rủi ro trong sản xuất cho nông dân. Thông qua đó, tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận với các giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao; kiến thức, kinh nghiệm, cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh tiên tiến, hiệu quả…
Nhóm giải pháp đối với các cơ quan nhà nước địa phương
- Xây dựng cơ chế, chính sách bảo về quyền, lợi ích cho nông dân: Các cơ quan nhà nước địa phương có thẩm quyền xây dựng cơ chế, chính sách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân gắn liền với phát huy vai trò, trách nhiệm của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đất nước giàu mạnh.
- Phát triển kinh tế nông thôn: Tăng cường đầu tư, đưa công nghiệp về nông thôn, xây dựng nông thôn mới, gắn liền phát triển kinh tế với đào tạo con người mới ở nông thôn. Mở rộng các mô hình kinh tế ở nông thôn theo hướng đầu tư về khoa học công nghệ, áp dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hình thành các vùng chuyên canh, các khu sản xuất tập trung,… nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, nông trại, khai thác tốt các chính sách của nhà nước về hỗ trợ vốn sản xuất cho nông dân và khu vực nông thôn.
- Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh phát triển công tác khuyến nông: Tiếp tục củng cố hệ thống khuyến nông, nhất là ở cấp xã, để làm tốt cả vai trò đào tạo, nâng cao kiến thức cho nông dân và dân cư sống ở nông thôn. Hỗ trợ cho các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất tư nhân ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ mới cho nông dân.
- Xây dựng mạng lưới dịch vụ kỹ thuật ở nông thôn: Xây dựng hệ thống thú y, bảo vệ thực vật, dịch vụ kỹ thuật tới cấp xã đủ mạnh để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh an toàn, hiệu quả, đồng thời củng cố các cơ sở kinh tế của Nhà nước ở nông thôn làm nòng cốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện cơ chế khuyến khích mạnh mẽ xã hội hoá các dịch vụ kỹ thuật ở nông thôn, kể cả thú y, bảo vệ thực vật, kiểm lâm, kiểm ngư, giám sát chất lượng vật tư và sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp.
- Phát triển ngành nghề và làng nghề: Mục tiêu hướng tới là đào tạo nghề cho lao động trẻ và giải quyết lao động dôi dư trong nông nghiệp, nông thôn; qua đó không tạo ra căng thẳng về tình trạng di cư ồ ạt vào các thành phố lớn tìm việc làm, thực hiện: “Rời ruộng - không rời làng”, “Ly nông bất ly hương”. Phát triển làng nghề để góp phần trực tiếp vào việc cải thiện phương thức lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn.
- Thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, khuyến khích các mô hình tổ chức sản xuất: Thực hiện hợp tác, liên doanh, liêt kết sản xuất ở nông thôn nhằm tạo cơ hội việc làm cho nông dân tham gia chế biến nông sản và tạo đầu ra cho tiêu thụ nông sản hàng hóa.
- Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, trước hết là đường giao thông tới các xã, thôn xóm, nhằm tạo điều kiện đi lại và giao lưu hàng hoá thuận lợi, cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt. Phát triển giáo dục, y tế, văn hoá ở nông thôn, trong đó chú trọng phát triển hệ thống y tế cơ sở, xây dựng các trạm y tế với đủ trang thiết bị đạt chuẩn quốc gia, có nhà ở cho nhân viên y tế, đảm bảo mỗi xã có ít nhất một bác sĩ. Hỗ trợ tích cực để nông dân có bảo hiểm y tế, được hưởng thụ các dịch vụ y tế nhiều hơn với chất lượng tốt hơn.
- Nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở nông thôn gắn với thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Xây dựng và thực hiện tốt các hương ước, quy ước cộng đồng; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc; xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh và đẩy lùi các tệ nạn xã hội ở nông thôn. Thông qua đó, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, tình làng, nghĩa xóm tốt đẹp, bài trừ các hủ tục, thức hiện nếp sống mới ở nông thôn; xây dựng gia đình nông dân thực sự trở thành tế bào lành mạnh của xã hội; xây dựng cộng đồng nông thôn ổn định về chính trị, có cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và an toàn.
Nhóm giải pháp đối với Hội nông dân các cấp
Hội nông dân các cấp cần phát huy vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của nông dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, ngyện vọng của nông dân và hỗ trợ nông dân trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Hội nông dân cần chú trọng thực hiện các chương trình nghiên cứu, khảo sát đánh giá đúng những yếu tố tác động, xu hướng diễn biến về tâm tư, nguyện vọng, về sự di động, về biến đổi cơ cấu trong nông dân tại mỗi địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để có chính sách đối với nông dân và công tác nông dân phù hợp.
Nhằm khai thác và phát huy vai trò của nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội cần đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của các cấp Hội nông dân. Kiện toàn tổ chức các cấp Hội nông dân, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách thật tinh gọn, có chất lượng, có cơ cấu thích hợp và hoạt động đều tay, huy động được nhiều lực lượng tư vấn và cộng tác viên không chuyên ở tất cả các cấp. Không ngừng đổi mới phương thức hoạt động hướng tới mục tiêu thiết thực và hiệu quả, khắc phục những biểu hiện thụ động, hình thức, hành chính hoá,...
Hội nông dân phải là tổ chức quan trọng hàng đầu trong việc tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với nông dân. Muốn vậy, các cấp Hội phải nâng cao nhận thức về tình cảm - trách nhiệm - năng lực - bản lĩnh của mình, nhất là sẽ phải thực hiện đầy đủ vai trò giám sát và phản biện xã hội. Phát huy vai trò của các cấp Hội nông dân trong việc vận động nông dân thực hiện chính sách, pháp luật và giám sát các cấp chính quyền, các cơ quan nhà nước trong việc thực thi chính sách đối với nông dân, nông nghiệp, nông thôn trong điều kiện mới.
Hội nông dân ở cơ sở thường xuyên tập hợp ý kiến, nguyện vọng của nông dân, những đòi hỏi bức xúc của cơ sở; thực sự chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, đồng thời tạo điều kiện cho họ được học tập, lao động, nâng cao trình độ về mọi mặt, thi đua xây dựng nông thôn mới có kinh tế phát triển, ổn định, hòa thuận, dân chủ, đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hội cần chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng các chương trình đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và dạy nghề cho nông dân, góp phần vào xây dựng các vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả; phát triển chăn nuôi theo phương pháp công nghiệp, bán công nghiệp ở nông thôn; nuôi trồng thủy sản đa dạng theo quy hoạch; bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống. Phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ, trồng, cải tạo, làm giàu rừng đến khai thác, chế biến lâm sản, bảo vệ môi trường sinh thái. Tham gia giải quyết việc làm cho nông dân, dạy nghề cho nông dân để chuyển nghề, xuất khẩu lao động và tích cực hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.
Hội nông dân các cấp là lực lượng nòng cốt trong công tác vận động nông dân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước diễn ra ở cơ sở với nhiều nội dung, hình thức phong phú đa dạng. Bên cạnh đó, Hội nông dân cần tập trung thu hút ngày càng nhiều các giai tầng khác, nhất là công nhân, trí thức, doanh nhân vào quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện phát triển đời sống kinh tế - xã hội cho nông dân.
Nhóm giải pháp đối với cấp ủy đảng các cấp ở nông thôn
Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên nông thôn đối với vấn đề khai thác và phát huy vai trò của nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
Các cấp ủy đảng cần tuyền truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng, yêu cầu của việc khai thác và phát huy vai trò của nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, cán bộ, đảng viên nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của họ đối với hoạt động này. Trong mối quan hệ giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với nông dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải làm tốt vai trò cầu nối giữa các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền với nông dân tại địa phương, bằng cách vừa phải tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nông dân, vừa phải phản ánh nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của nông dân cho các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền.
Hai là, các cấp ủy đảng cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả tại địa phương.
Các cấp ủy đảng, chính quyền cần nắm rõ đặc thù địa phương để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong việc tổ chức thực hiện thí điểm cần có sự linh hoạt, sáng tạo, tự thiết kế các mô hình thí điểm phù hợp điều kiện địa phương.
Ba là, đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nông thôn phải thật sự tiền phong, gương mẫu về mọi mặt để nông dân noi theo. Cần phát hiện và xây dựng những đảng viên gương điển hình, tiên tiến, có kinh nghiệm phát triển kinh tế, nhiệt tình, có trách nhiệm đối với quê hương, đối với cộng đồng dân cư ở thôn, làng để nông dân noi theo.
Các cấp ủy đảng, trực tiếp là chi bộ ở nông thôn phải thường xuyên phân công, giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận, phụ trách từng nhóm gia đình nông thôn. Phân công cán bộ, đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ, giúp các hộ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất. Vận động các gia đình thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chủ trương phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, ... của Đảng ủy và chính quyền địa phương; vận động nông dân xây dựng gia đình, thôn, xóm, làng văn hóa, kế hoạch hóa gia đình, đưa con em tới tuổi đi học đến trường,... Phân công cán bộ, đảng viên phụ trách các chuyên đề như làm kinh tế VAC, VACR, kỹ thuật nuôi trồng, cải tạo vườn tạp,... Thông qua nhiệm vụ được phân công, cán bộ, đảng viên bộc lộ rõ trách nhiệm, trình độ, năng lực, đạo đức của mình, được thể hiện ở mức độ tín nhiệm của nhân dân đối với họ. Phân công công tác cho cán bộ, đảng viên phải trên cơ sở năng lực, sở trường, nguyện vọng, điều kiện, môi trường hoạt động, hoàn cảnh của từng người.
Cần làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên nông thôn. Cần xử lý nghiêm, dứt điểm, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng số cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm tiêu chuẩn đảng viên ở nông thôn; tiếp tục nâng cao uy tín của cán bộ, đảng viên ở nông thôn trong vận động, xây dựng giai cấp nông dân.
Bốn là, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên nông thôn trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân trên địa bàn, kịp thời giải quyết những xung đột, mâu thuẫn nhỏ trong cộng đồng dân cư ở nông thôn, tham gia hòa giải ở cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp… bảo đảm an ninh, trật tự ở nông thôn. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên nông thôn cần động viên nông dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể thông qua đóng góp ý kiến xây dựng tổ chức và hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi để nông dân giám sát đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, chính quyền./.Theo tapchicongsan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;