Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh - người đang được phân công phụ trách nông nghiệp, nông thôn Đồng Nai, cho biết trên thực tế, ngay từ trước khi Chính phủ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên cả nước, Đồng Nai đã có nghị quyết và đề án xây dựng “Nông thôn 4 có” nhằm huy động nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới và nhất là nâng cao đời sống nông dân - đối tượng chịu đựng nhiều hy sinh, khó khăn và dễ bị tổn thương nhất trong cả thời chiến lẫn thời bình.
* Nông thôn mới là cả quá trình
Thưa ông, nhiều nhận xét cho rằng, nông thôn mới của Đồng Nai là kết quả của nhiều năm liền chúng ta đầu tư cho nông thôn chứ không phải ngày một, ngày hai?
- Đúng là như thế. Xét về lịch sử, Đồng Nai là cánh cửa phía Đông Bắc của TP.Hồ Chí Minh, trong chiến tranh đã chịu nhiều mất mát, đặc biệt người dân nông thôn - đối tượng dễ tổn thương nhất. Sau khi đất nước giải phóng thì đến thời bao cấp, rồi đất nước đổi mới đi lên, Đồng Nai trở thành tỉnh công nghiệp rất phát triển... Nhưng đời sống nông dân ở thời kỳ nào cũng vất vả và đầy rủi ro, cần sự hỗ trợ mạnh mẽ. Xuất phát từ suy nghĩ đó, ngay từ năm 2007, Đảng bộ Đồng Nai đã có nghị quyết xây dựng nông thôn “4 có”. Năm 2008, tỉnh có kế hoạch thực hiện nông thôn “4 có” đã dùng từ nông thôn mới, trước khi Trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới rộng rãi trên cả nước vào năm 2010.
Các tiêu chí mà chương trình nông thôn “4 có” vạch ra cũng tương đồng với nông thôn mới. Vậy nên Đồng Nai có những nền tảng thuận lợi khi cùng cả nước phát động xây dựng nông thôn mới.
Theo ông, vì sao 2 địa phương đạt nông thôn mới đầu tiên lại là Xuân Lộc và Long Khánh - những nơi không có nhiều thuận lợi lắm so với các địa phương khác, nhất là Xuân Lộc?
- Khi thực hiện nông thôn “4 có”, thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và sau đó thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai cũng đã có tính toán kỹ, thống nhất lựa chọn xây dựng điểm rút kinh nghiệm để nhân rộng ra trên địa bàn; ban đầu chọn 18 xã, rồi đến khi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì chọn 34 xã. Cấp huyện thì chọn Xuân Lộc - địa phương khó khăn và có xuất phát điểm thấp nhất vào lúc đó với suy nghĩ nếu Xuân Lộc làm được, thì mọi nơi khác đều có thể làm được.
Khó khăn nhất trong nông nghiệp của Xuân Lộc và Long Khánh là nguồn nước quá hạn chế. Thuận lợi lớn nhất chính là sự đoàn kết, lãnh đạo quyết tâm, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương đã tạo được sự đồng thuận rất cao trong dân. Người dân ở những nơi này năng động và đặc biệt chịu khó.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành từng nói, đạt nông thôn mới là rất vui mừng, nhưng cần hiểu đó mới chỉ là “tốt nghiệp tiểu học”, còn phải phấn đấu để tốt nghiệp THCS, THPT và hơn thế nữa. Cần hiểu điều này như thế nào?
- Đạt nông thôn mới thì phải đạt 19 tiêu chí và 54 chỉ tiêu, nhìn chung cũng bao quát cuộc sống người dân: vật chất, tinh thần, môi trường… Nên có thể khẳng định, đạt nông thôn mới nghĩa là đời sống người dân đã cao hơn một mức, song cũng chỉ cao hơn trước một mức thôi. Nếu chúng ta dừng lại thì chỉ vài năm sau, những chỉ tiêu này đã tụt hậu. Chưa kể, dù đã đạt nông thôn mới, nhưng khoảng cách giữa người dân nông thôn và thành thị vẫn khá xa. “Tiểu học hay trung học” là cách nói hình tượng của đồng chí Bí thư cho dễ hiểu, dễ nhớ và dễ triển khai, nhưng rõ ràng không có điểm dừng trong việc chung tay xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân nông thôn. Tỉnh ủy đã xác định điều đó rất rõ ràng.
Với những thành tựu đầu tiên này, vai trò người dân và các thành phần khác, ngoài nguồn lực cán bộ, cần được nhìn nhận ra sao cho chính xác, thưa ông?
- Nhiều địa phương khác cho rằng Đồng Nai là tỉnh “giàu”, có tiềm lực tài chính tốt nên xây dựng nông thôn mới nhanh và thuận lợi hơn nhiều nơi khác. Nhưng thực ra sau khi tổng kết, ngân sách chỉ đầu tư hơn 12% trong tổng số hơn 12 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới tại Xuân Lộc. Ở TX.Long Khánh thì ngân sách đầu tư khoảng 9% trong tổng số trên 8 ngàn tỷ đồng. Còn lại huy động từ xã hội, trong đó chủ yếu là sức dân.
Có nhiều nguyên nhân đóng góp cho những thành tựu đầu tiên của nông thôn mới, trong đó có công tác cán bộ, nhưng Đồng Nai xác định sức dân là động lực lớn nhất. Một khi người dân hiểu xây dựng nông thôn mới là làm cho cuộc sống của chính mình được tốt hơn thì họ hoàn toàn ủng hộ. Có những người chủ động hiến cả đất cha ông để lại để làm đường, hiến cả vườn cao su hàng trăm cây đang cho mủ mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Trong chiến tranh, người dân đóng góp hy sinh xương máu nhiều ra sao thì trong thời bình, trong xây dựng nông thôn mới, họ đã đóng góp mồ hôi công sức, của cải, nhà cửa… cũng nhiều không kém.
* Không sốt ruột chạy theo thành tích
Ông nhận nhiệm vụ chưa lâu, nhưng dành rất nhiều tâm huyết và thời gian để sát sao cùng nông dân và các địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, chúng ta đã thấy những quả ngọt đầu tiên. Ông cảm nhận thế nào, và còn điều gì khiến ông trăn trở?
- Theo dõi nông thôn mới chưa lâu, nhưng chứng kiến những thành tựu lớn đầu tiên của Đồng Nai trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, tôi rất vui mừng. Kế hoạch đề ra ban đầu là đến năm 2015, chúng ta có 20% số xã đạt đủ các tiêu chí nông thôn mới. Nhưng mới chỉ đến cuối năm 2014, Đồng Nai đã có hơn 38% số xã đạt được điều này.
Tôi quan sát, nhận thấy ở những nơi đã đạt chuẩn nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã thay đổi thật sự. Thành quả này là công sức của sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm của cả tập thể Tỉnh ủy mà đứng đầu là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, cũng như Đảng bộ, chính quyền và nhân dân của từng huyện, xã. Điều đó tạo cho tôi sự hứng khởi trong công việc, dù tôi cũng chỉ đang tiếp nối công việc của các đàn anh đi trước, vì tư duy tập trung đầu tư cho nông thôn ở Đồng Nai bắt đầu từ khá lâu như đã nói ở trên.
Nói về trăn trở, cũng như đồng chí Bí thư Tỉnh ủy từng nói, nông thôn mới chỉ là bước khởi đầu. Nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền nói chung và những người trực tiếp theo dõi công việc nông nghiệp, nông thôn như chúng tôi còn khá nặng nề, còn “nặng nợ” với người dân nông thôn. Với hơn 60% số xã chưa đạt, thì phải cố gắng để đạt. Với gần 40% số xã đã đạt, phải tiếp tục giữ vững, nâng cao, nếu không sẽ bị tụt hậu, đặc biệt là khoảng cách giữa người dân thành thị và nông thôn còn khá xa.
Tỉnh ủy và UBND tỉnh có lo ngại rằng, các địa phương khác sẽ “sốt ruột” chạy theo thành tích sau khi Xuân Lộc và TX.Long Khánh được vinh danh không? Làm sao để nông thôn mới trở thành một cuộc cách mạng nông thôn lâu dài và chân thực?
- Chúng tôi có lo ngại. Ngay từ đầu, quan điểm của Đồng Nai là xây dựng nông thôn mới phải thực chất, trung thực với những gì mình làm được và cả chưa làm được để nông thôn mới không phải là một cuộc chạy đua mang tính hình thức. Xây dựng nông thôn mới là mục tiêu, nhưng không phải đạt được nông thôn mới bằng mọi giá. Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo phải xây dựng nông thôn mới thực chất. Việc quyết định công nhận xã hoặc huyện đạt chuẩn nông thôn mới phải qua các bước kiểm tra, thẩm định chặt chẽ mới được công nhận. Ví dụ như đợt thẩm định mới đây, các địa phương trình 8 xã nông thôn mới, nhưng khi thẩm định chỉ có 5 xã đạt chuẩn để trình cho Chủ tịch UBND tỉnh quyết định, còn 3 xã để lại vì chưa đạt.
Do đó, chúng tôi sẽ không để nông thôn mới là một phong trào hình thức mà phải là cuộc cách mạng nông thôn thực sự, làm thay đổi bộ mặt và đời sống nông thôn.
Xin cảm ơn ông!
Theo: dongnai.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã