Hiện trạng nhà ở bám dọc theo trục đường giao thông chính ở nông thôn.
Nay theo Thông tư Liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT ngày 28/10/2011 quy định về việc lập thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới lồng ghép 3 nội dung quy hoạch trên trong một quy trình lập đồ án quy hoạch xã nông thôn mới (NTM) tạo ra những đổi mới đáng kể giúp cho công tác quy hoạch trên địa bàn xã mang tính đồng bộ, tổng hợp, tránh được các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các ngành và tiện cho xã trong quản lý xây dựng theo quy hoạch.
Bước tiến mới quy hoạch NTM “3 trong 1”
Thực tế trên địa bàn các xã trong thời gian vừa qua đã triển khai nhiều loại hình quy hoạch như quy hoạch đất đai, quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng… làm cơ sở đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn; xây dựng NTM. Tuy nhiên trong quá trình triển khai còn nhiều khó khăn do thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành vẫn còn bị chồng chéo. Cụ thể, đối với quy hoạch xây dựng trước đây áp dụng thông tư hướng dẫn số 09/2010/TT-BXD ngày 04/8/2010 quy định việc lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng xã NTM, tập trung chính vào lĩnh vực quy hoạch xây dựng và nghiên cứu cả nội dung quy hoạch sản xuất và sử dụng đất.
Trong khi Thông tư số 07/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/02/2010 về quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cấp xã theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM lại tập trung chính vào lĩnh vực quy hoạch sản xuất và bao gồm cả nội dung nghiên cứu xây dựng hạ tầng cũng như sử dụng đất. Các nội dung nghiên cứu trùng nhau trong các loại đồ án nêu trên đôi khi lại cho kết quả khác nhau do khác biệt về tư vấn thiết kế thời điểm thực hiện, hệ thống quản lý tài liệu, số liệu tại cấp địa phương. Chính điều này gây không ít khó khăn cho công tác quản lý quy hoạch tại địa bàn cấp xã.
Để thống nhất các loại quy hoạch và thuận tiện cho quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn xã, Bộ Xây dựng – Bộ NN&PTNN – Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT ngày 28/10/2011 quy định việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.
Một trong các bước đột phá của Thông tư 13 là việc hợp nhất 03 nội dung quan trọng nhất của công tác quy hoạch nông thôn là Quy hoạch về dân cư và hạ tầng + Quy hoạch sản xuất + Quy hoạch đất đai. Đây là 03 loại hình quy hoạch vốn trước đây được triển khai độc lập theo hướng dẫn của từng bộ ngành, giờ cơ bản đã được tích hợp “3 trong 1″ vào trong một đồ án quy hoạch NTM trên địa bàn xã.
Điều này giúp cho công tác quy hoạch trên địa bàn xã mang tính đồng bộ, tổng hợp, tránh được các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các ngành và tiện cho địa phương trong quản lý xây dựng theo quy hoạch.
Quy hoạch không gian tổng thể toàn xã: Là nội dung chính có sự khác biệt so với trước đây. Các nội dung mang tính chất định hướng từ đó là căn cứ để triển khai các quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất.
Trong quy hoạch không gian tổng thể toàn xã ngoài việc xác định các nội dung như: Hệ thống trung tâm xã, thôn, ấp, bản; Định hướng tổ chức hệ thống khu dân cư mới và cải tạo thôn xóm cũ; Định hướng tổ chức hệ thống các công trình công cộng… cần thể hiện rõ thêm những nội dung sau:
– Không phân chia thành nhiều loại đất, chỉ thể hiện các loại đất chính như: đất ở, công trình công cộng, SX nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, CN – TTCN, kho tàng, an ninh quốc phòng, du lịch, chưa sử dụng, sông, suối, đất các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối.
– Định hướng và khoanh vùng sản xuất (chỉ thể hiện các loại hình sản xuất chính như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, CN-TTCN, dịch vụ,..).
– Định hướng các công trình hạ tầng kỹ thuật chỉ xác định các công trình đầu mối bao gồm cả hạ tầng phục vụ sản xuất và phục vụ đời sống.
Quy hoạch sử dụng đất: Trong quy hoạch sử dụng đất cần xác định diện tích các loại đất trên địa bàn xã theo hướng dẫn cũng như ký hiệu quy định của Bộ TN&MT. Xác định diện tích các loại đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng. Phân kỳ sử dụng đất theo các giai đoạn. Lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Quy hoạch sản xuất: Trong quy hoạch sản xuất cần định hướng cũng như xác định quy mô, khoanh vùng các khu vực sản xuất tập trung (nông nghiệp, CN-TTCN, dịch vụ thương mại) để từ đó bố trí các giải pháp về hạ tầng như: Giao thông nội đồng, thủy lợi, điện sản xuất… Các giải pháp dồn điền đổi thửa…
Quy hoạch xây dựng: Cần xác định rõ các giải pháp tổ chức không gian kiến trúc, xác định vị trí, quy mô khu trung tâm xã, thôn, ấp, bản. Các khu vực có khả năng phát triển, hạn chế phát triển, khu vực không xây dựng và các nhu cầu khác; các vùng đặc thù, các công trình đầu mối, kết nối hạ tầng.
Xác định rõ định hướng giải pháp tổ chức không gian đối với các công trình công cộng, nhà ở, các quy định về kiến trúc, màu sắc, hướng dẫn cải tạo nhà, tường rào, cổng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, kiến trúc, vật liệu truyền thống của địa phương.
Xác định rõ quy hoạch mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật: (Giao thông, thoát nước, cấp nước, cấp điện, thoát nước thải, vệ sinh môi trường, nghĩa trang toàn xã, các thôn, bản và vùng sản xuất và liên xã).
Xác định hệ thống, vị trí, quy mô danh mục công trình, định hướng giải pháp cải tạo chỉnh trang, tiêu chuẩn kỹ thuật, mặt cắt chính đáp ứng yêu cầu phát triển của từng giai đoạn quy hoạch và bảo vệ môi trường.
Những thách thức với quy hoạch “3 trong 1”
Việc lập quy hoạch xây dựng “3 trong 1″ NTM theo Thông tư liên tịch số 13 là công việc phức tạp, đòi hỏi đơn vị tư vấn và những người tham gia lập quy hoạch phải có năng lực, trình độ, tầm nhìn và sự nghiêm túc, nhiệt huyết trong công việc.
Các nội dung thông tư liên tịch 13 hiện nay đang có phần “quá sức” đối với nhiều đơn vị tư vấn vì các yêu cầu chuyên môn khá kỹ, cao và đòi hỏi sự kết hợp đa ngành. Với nguồn lực hạn chế nhiều tổ chức tư vấn đang lập quy hoạch hiện chưa đáp ứng được các yêu cầu nội dung thiết kế mới.
Yêu cầu nội dung nghiên cứu về quy hoạch sử dụng đất rất chi tiết nhằm đảm bảo tốt cho việc quản lý đất đai, một lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp, đòi hỏi thời gian và kinh phí trong công tác điều tra cũng như kiến thức chuyên môn sâu.
Yêu cầu nội dung nghiên cứu về quy hoạch sản xuất cũng khá chi tiết và không “đơn giản” đối với các tư vấn chuyên làm về quy hoạch xây dựng (QHXD). Thực tế việc hoạch định sản xuất hiện nay còn mang tính ngắn hạn, phân bố phân tán và phụ thuộc rất nhiều vào thị trường đầu ra, nên rất khó đạt độ hoàn hảo về chi tiết và thực tiễn với riêng nội dung quy hoạch sản xuất.
Thêm vào đó, nội dung nghiên cứu giữa định hướng quy hoạch phát triển không gian tổng thể toàn xã và quy hoạch xây dựng khó phân định và thể hiện rõ ràng mạch lạc, nhất là đối với các tổ chức tư vấn không có kinh nghiệm về QHXD.
Về thẩm định đồ án QHXD nông thôn mới theo Thông tư liên tịch số 13 cũng đòi hỏi sự phức tạp hơn trong vận hành. Các Phòng Kinh tế và Hạ tầng, phòng NN&PTNT, phòng TN&MT huyện có trách nhiệm thẩm định đồ án quy hoạch xây dựng xã nông thôn trước khi UBND cấp huyện phê duyệt, còn thiếu sự thống nhất đồng bộ giữa các địa phương trong cả nước.
Về hệ thống ký hiệu trong đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới do lồng ghép ba nội dung Quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất, quy hoạch sử dụng đất nên hệ thống ký hiệu được thể hiện trong đồ án dựa trên 2 văn bản: Đối với quy hoạch xây dựng áp dụng Quyết định 21/2005/QĐ-BXD ngày 22/7/2005 của Bộ Xây dựng; đối với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch sản xuất áp dụng Thông tư số 13/2011/TT-BTNMT ngày 15/4/2011 của Bộ TN&MT. Do vậy hệ thống ký hiệu thể hiện trong đồ án không có sự thống nhất giữa các bản vẽ với nhau.
Về đơn giá lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT do chưa có đơn giá quy hoạch hợp nhất “3 trong 1” nên có rất nhiều bất cập trong quá trình triển khai. Nhiều địa phương không biết vận dụng theo cách nào để áp dụng cho phù hợp cho nên dẫn đến tình trạng giá quy hoạch của đồ án ở địa phương có sự chênh lệch lớn và rất khác nhau mặc dù trong cùng một vùng miền.
Hiện nay một số địa phương áp dụng cùng lúc cả 3 thông tư: Đối với quy hoạch xây dựng áp dụng thông tư 01/2013/TT-BXD ngày 08/02/2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định, quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; Đối với quy hoạch sử dụng đất áp dụng thông tư số 06/2010/TT-BTNMT ngày 15/3/2010 của Bộ TN&MT trường quy định về định mức kinh tế – kỹ thuật lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Đối với quy hoạch sản xuất áp dụng Quyết định số 07/2006/QĐ-BNN ngày 24/01/2006 của Bộ NN&PTNT về việc ban hành bảng giá quy hoạch nông nghiệp và phát triển nông thôn, không tránh khỏi sự chồng chéo và không phù hợp với nội dung của Thông tư 13.
Nhiều địa phương khi phê duyệt dự toán chỉ áp dụng Thông tư 01/2013/TT-BXD ngày 08/02/2013 của Bộ Xây dựng, dẫn đến tình trạng đơn vị tư vấn phải làm với khối lượng lớn nhưng chi phí lại rất thấp do vậy chất lượng đồ án không cao.
Về thực tế vận hành, mặc dù đã có thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT nhưng một số địa phương đã triển khai các đồ án QHXD xã nông thôn mới và được phê duyệt theo quy trình lập, thẩm định của Thông tư số 09 trước đó.
Để quy hoạch “3 trong 1” là tiền đề xây dựng NTM
Qua việc lập QHXD nông thôn mới theo Thông tư liên tịch số 13/2011/TTLT-BXD-BNNPTNT-BTN&MT đã chia ra: Việc lập QHXD nông thôn mới theo Thông tư liên tịch số 13 sẽ đảm bảo tính thống nhất trong việc lập quy hoạch trên địa bàn xã, giúp cho các xã có được định hướng và quản lý tốt trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Tuy nhiên, do thực tế năng lực lập quy hoạch hiện nay cần hoàn thiện quy trình lập QHXD nông thôn mới theo hướng ”Lấy quy hoạch xây dựng làm nòng cốt và lồng ghép các nội dung cốt yếu của quy hoạch sản xuất và quy hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo tính thống nhất về định hướng phát triển không gian xã trong các loại quy hoạch”.
Quy hoạch xây dựng: Thực chất trong QHXD gồm 2 nội dung. Nội dung thứ nhất là quy hoạch mạng lưới thôn, bản và khu dân cư mới, các điểm trong nội dung này trùng hợp với quy hoạch không gian tổng thể toàn xã. Nội dung thứ hai là quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã hoặc khu dân cư cũ và mới, nội dung này tùy tình hình thực tế và nguồn kinh phí tại địa phương có thể triển khai luôn hoặc để giai đoạn sau và cũng có thể làm một trong những nội dung trên hoặc toàn bộ, điều quan trọng là địa phương thấy khu vực nào quan trọng cần xây dựng cải tạo, nâng cấp hay xây dựng mới thì làm trước.
Do vậy có thể thực hiện nội dung trong phần quy hoạch không gian tổng thể toàn xã và QHXD là một và bao gồm hai nội dung như trên.
Quy hoạch sử dụng đất: Việc lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm chủ yếu dựa vào quy hoạch sử dụng đất đã có của địa phương, còn đối với địa phương nào chưa làm thì tư vấn mất rất nhiều thời gian khảo sát điều tra mà quá trình triển khai lại không sát với tình hình thực tế.
Do vậy trong quy hoạch sử dụng đất chỉ nên thực hiện phân kỳ theo giai đoạn quy hoạch để từ đó định hướng cho địa phương những phân đoạn công việc cụ thể theo từng giai đoạn.
Quy hoạch sản xuất: Trên thực tế nhiều địa phương đã xác định các vùng sản xuất và chỉ ra khu vực trồng cây, vật nuôi chủ lực. Nhưng trong nhiều trường hợp không thể triển khai được do chưa tiến hành công tác dồn điền đổi thửa, một phần khi giao đất cho người dân khai thác và sử dụng họ không làm theo những gì đã xác định trên các vùng sản xuất.
Do vậy trong nội dung quy hoạch sản xuất chỉ định hướng khoanh vùng sản xuất, chỉ ra các loại hình sản xuất thích hợp với điều kiện thực tế tại địa phương để trên cơ sở đó có những giải pháp về hạ tầng đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Về hiện hồ sơ trong đồ án quy hoạch, xây dựng nông thôn mới cần ban hành hướng dẫn ký hiệu cụ thể áp dụng cho cả 3 nội dung trong 1 đồ án, đảm bảo sự thống nhất chung giữa 3 Bộ để triển khai và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Về kinh phí lập đồ án quy hoạch, đây là vấn đề quan trọng cần phải được ban hành sớm để triển khai để đảm bảo thực hiện đúng theo thông tư 13 với ba nhiệm vụ: Quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất, quy hoạch sử dụng đất (quy hoạch 3 trong 1) trong một đồ án.
Quy hoạch xây dựng nông thôn mới (QHXDNTM) mang tính tiền đề trong công cuộc xây dựng nông thôn (NTM)mới theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Vấn đề này cũng được khẳng định trong Quyết định số 193/QĐ-TTg về Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng NTM với mục tiêu “Đến năm 2011 cơ bản phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn trên địa bàn cả nước làm cơ sở để đầu tư xây dựng NTM, làm cơ sở để thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020” và lập Đề án xây dựng nông thôn mới tại các xã trong giai đoạn ngắn hạn cũng như dài hạn.
Việc lập QHXD NTM trên địa bàn toàn quốc có nhiều điểm mới và cần được hoàn thiện qua quá trình thực tế triển khai.
Các nội dung thông tư liên tịch số 13 hiện nay dường như đang là ”quá sức” đối với nhiều đơn vị tư vấn vì các yêu cầu chuyên môn khá kỹ, cao và đòi hỏi sự kết hợp đa ngành. Cần hoàn thiện quy trình lập QHXD nông thôn mới theo hướng ”Lấy quy hoạch xây dựng làm nòng cốt và lồng ghép các nội dung cốt yếu của quy hoạch sản xuất và quy hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo tính thống nhất về định hướng phát triển không gian xã trong các loại quy hoạch”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;