Phụ nữ xóm Phú Yên, xã Thanh Ninh (huyện Phú Bình) chăm sóc “Đường hoa”.
Sau 7 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nhiều vùng quê trên mảnh đất “Đệ nhất danh trà” đã đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Với các giải pháp căn cơ, đồng bộ, sáng tạo, Thái Nguyên đã và đang phấn đấu để trở thành điểm sáng xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Theo Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, tính đến hết tháng 6/2018, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 46%.
Thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2017 là 26,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn 11,94%. Các xã đã đạt chuẩn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt.
Thực tiễn cho thấy, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên đã thực sự trở thành phong trào thi đua rộng khắp trong toàn tỉnh và đã đạt nhiều kết quả rất tích cực. Tổng nguồn lực đã bố trí trong kế hoạch để hỗ trợ các nội dung về phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới năm 2018 là gần 47 tỷ đồng.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên đã chủ động tham gia với những chương trình, dự án, việc làm cụ thể.
Cuộc vận động được triển khai gắn với phong trào “Phụ nữ Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đã tạo được sức lan tỏa ngày càng sâu rộng, được đông đảo hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh hưởng ứng.
Theo đó, "5 không" là không đói nghèo, không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ ba trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; "3 sạch" là sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Qua đó, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã xây dựng được 777 mô hình Chi hội nòng cốt tham gia xây dựng nông thôn mới; gần 2.600 câu lạc bộ/chi/tổ phụ nữ về “Gia đình 5 không, 3 sạch”; hơn 840 mô hình thu gom rác thải - vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng; trên 550 mô hình “10 chung 1”… Toàn tỉnh có gần 4.800 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ đã thoát nghèo.
Thông qua cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch” , hội viên phụ nữ Thái Nguyên có điều kiện nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần, đóng góp vào chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên đã triển khai mô hình “Đường hoa phụ nữ” tới các cấp hội trong tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo, hội phụ nữ các huyện, thành, thị đã triển khai mỗi cơ sở hội trồng thí điểm từ 50m hoa ven đường trở lên; lựa chọn các loài hoa có sức sống tốt, thích ứng tốt với môi trường, thời tiết để có thể nở hoa quanh năm như: Hoa mười giờ, tám giờ, cỏ lạc, cúc cánh bướm, chiều tím… Qua khảo sát, các cấp hội đã lựa chọn những tuyến đường thường xảy ra ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan để trồng thử nghiệm đoạn đường hoa.
Kết quả là hàng chục nghìn mét đường hoa đã thay thế rác, cỏ dại. Nhiều chi hội có những cách làm sáng tạo, linh hoạt, nhận được sự ủng hộ cao của cấp uỷ, chính quyền địa phương, cán bộ hội viên phụ nữ và sự tham gia nhiệt tình của người dân. Vẻ đẹp bình dị góp phần tô điểm cảnh quan làng quê từ những con đường hoa càng ngày càng lan toả rộng trong cộng đồng. Nhiều người sau khi góp giống hoa, trồng và chăm sóc con đường hoa còn chủ động dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chỉnh trang, tu sửa lại nhà văn hoá, khuôn viên làm tươi mới bộ mặt nông thôn. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân vì thế được nâng lên rõ rệt.
Đến nay, các cấp hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã trồng được trên 200km đường hoa, thu hút hàng nghìn hội viên tham gia. Nhiều đường hoa xanh tươi, muôn sắc màu đã mang đến không gian tươi mới, tràn đầy sức sống, góp phần thay đổi cảnh quan của nhiều làng quê.
Những con đường hoa đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, giúp mỗi người có ý thức bảo vệ môi trường và đảm bảo hành lang an toàn giao thông. Qua đây, các cấp hội phụ nữ cùng với cấp uỷ, chính quyền các địa phương nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường, chung sức xây dựng nông thôn mới tại Thái Nguyên.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Đại Từ cho biết: Việc trồng, chăm sóc đường hoa và dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm được các chi hội duy trì đều đặn hàng tuần. Ban đầu triển khai mô hình này chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn vì nhiều người cho đó là chuyện tầm phào. Để mọi người hiểu và thực hiện, chúng tôi chỉ đạo các chi hội trưởng trực tiếp tham gia các buổi sinh hoạt, vận động hội viên thực hiện mô hình điểm trồng hoa. Bên cạnh đó, chính các cán bộ hội cơ sở phải là những người gương mẫu đi đầu, tận tay phát quang cỏ dại, lựa chọn giống hoa, trồng và chăm sóc. Ngoài ra, Hội còn tích cực phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động các hộ dân thường xuyên duy trì việc tổng vệ sinh môi trường; chỉnh trang trụ sở, khuôn viên các cơ quan, trường học, khu dân cư…
“Giờ không chỉ chị em phụ nữ mà “cánh mày râu” cũng tham gia trồng và chăm sóc đường hoa ở xóm, thôn mình tạo nên nét đẹp nông thôn mới tại Thái Nguyên”- bà Nguyễn Thị Hoa, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Đặn 3, xã Ký Phú (Đại Từ) chia sẻ.
Theo NTV/Báo Xây Dựng.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;