Tạo bước chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới
Xã Thi Sơn (Kim Bảng) là một trong sáu xã đầu tiên của tỉnh Hà Nam được công nhận là xã đạt chuẩn về NTM năm 2013, hoàn thành 18/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Về Thi Sơn hôm nay, chúng tôi dễ dàng nhận thấy sự đổi thay của một vùng quê bán sơn địa. 100% số đường làng, ngõ xóm được bê-tông hóa, nhà văn hóa, xóm, hệ thống trường mầm non, tiểu học và THCS, trạm y tế xã được đầu tư đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, học tập và hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Nhân dân có việc làm và thu nhập với mức bình quân của xã đạt 22 triệu đồng/người/năm. Ðể trở thành xã về đích sớm của tỉnh cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp trên thì một yếu tố quan trọng là Thi Sơn đã phát huy có hiệu quả vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng NTM.
Sau gần bốn năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Hà Nam đã thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhân dân phấn khởi đồng tình, tự nguyện đóng góp công sức, tiền của. Diện mạo các xã NTM được thay đổi rõ rệt; hạ tầng kinh tế - xã hội đã có bước phát triển, nhất là hệ thống giao thông và các công trình phục vụ phúc lợi công cộng. Ðến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ 316.052 tấn xi-măng cho các xã xây dựng NTM và đã xây dựng được 1.745 km đường giao thông thôn, xóm. Các xã bước đầu thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư nông thôn đã được nâng lên, nông thôn một số nơi có nhiều khởi sắc.
Tính riêng năm 2014, tỉnh Hà Nam có 13 xã đạt chuẩn về tiêu chí xây dựng NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn của tỉnh Hà Nam lên 19 xã và dự kiến trong năm 2015, toàn tỉnh sẽ có thêm 6-8 xã đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã của cả tỉnh đạt 13,7 tiêu chí/xã. Hầu hết các xã đã tập trung huy động nguồn lực triển khai xây dựng mới và nâng cấp 1.799 phòng học các cấp, đã có 42 xã đạt chuẩn về trường học ở cả ba cấp học; nâng cấp và xây mới được 283 nhà văn hóa thôn, xóm; có 98 xã đạt chuẩn về tiêu chí nhà ở dân cư. Với chủ trương tập trung cao nhất cho phát triển sản xuất, khuyến khích mô hình liên kết, quan tâm phát triển kinh tế hộ cùng với việc thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án và mô hình phát triển sản xuất đã giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo chung của cả tỉnh năm 2014 giảm còn 4% và 40 xã đạt tiêu chí hộ nghèo. An ninh trật tự, địa bàn nông thôn được bảo đảm, hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường, các điều kiện về y tế, văn hóa được cải thiện, vai trò người dân là chủ thể Chương trình xây dựng NTM ngày càng rõ nét hơn...
Sớm khắc phục một số bất cập
Quá trình triển khai Chương trình xây dựng NTM tại tỉnh Hà Nam còn một số bất cập, phát sinh cần rút kinh nghiệm và sớm khắc phục. Ðó là: Nhận thức của một số cán bộ và nhân dân về xây dựng NTM còn chưa đúng, chưa đầy đủ; tư tưởng trông chờ, không chủ động tích cực thực hiện, vai trò chủ thể của người dân tham gia xây dựng NTM chưa được phát huy triệt để. Việc nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của các cấp, các ngành, ở một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở còn hạn chế, dẫn đến nhận thức chưa đầy đủ, lúng túng trong cách làm. Chỉ đạo chọn nội dung, tiêu chí cụ thể, xác định việc làm trước, việc làm sau, nhất là nội dung cần thực hiện ngay sau khi đề án được duyệt cũng chưa được xác định rõ. Thực tế cho thấy, phần lớn các xã không xây dựng được kế hoạch, chi tiết thực hiện các nội dung công việc, nên việc huy động nguồn lực thực hiện tiêu chí đăng ký hoàn thành gặp nhiều khó khăn. Chủ yếu các xã lựa chọn tiêu chí hoàn thành trong năm theo đề án không sát với khả năng, điều kiện thực tế của địa phương.
Một thực tế khác là do cùng một thời điểm thực hiện, các xã tập trung thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí, nhất là các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng nên nợ xây dựng cơ bản của các xã còn cao. Ðến hết năm 2014, nợ xây dựng cơ bản của 96 xã trong tỉnh là 672.519 triệu đồng, trong đó có 52 xã có số nợ cơ bản xây dựng hơn năm tỷ đồng, xã có số nợ nhiều nhất là xã Phù Vân (TP Phủ Lý) với hơn 31 tỷ đồng. Cùng với đó, công tác dồn đổi ruộng đất còn chậm, một số địa phương tổ chức thực hiện chưa đúng với chủ trương, thiếu dân chủ, thu tiền không đúng quy định gây bức xúc trong nhân dân... Việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp còn chưa đồng đều dẫn đến thu nhập bình quân đầu người ở một số xã còn thấp hơn so với mức bình quân của tỉnh. Ðịa phương chưa có chính sách đột phá thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; thiếu chính sách cụ thể hỗ trợ đổi mới phát triển các hình thức tổ chức kinh tế HTX nông nghiệp và trang trại. Vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ cao. Các địa phương mới tập trung vào việc thu gom rác thải sinh hoạt, việc xử lý còn hạn chế, nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm đẩy mạnh triển khai các biện pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường...
Phong trào xây dựng NTM tại tỉnh Hà Nam đang có chiều hướng chùng xuống do các năm trước đây nhân dân đã tập trung vào làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, chỉnh trang nhà ở khu dân cư, xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao thôn, xóm. Việc huy động đóng góp của nhân dân thực hiện các tiêu chí khác gặp nhiều khó khăn do nguồn lực trong nhân dân hạn chế, doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn còn ít.
Qua gần bốn năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của tỉnh Hà Nam về xây dựng NTM cho thấy, đây là chương trình tổng hợp chính trị, kinh tế, xã hội về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Vì vậy, để thực hiện chương trình đạt kết quả thật sự bền vững cần có quyết tâm chính trị cao, có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát của cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự quan tâm của toàn xã hội. Cần có cơ chế, chính sách cụ thể phù hợp để người dân thật sự là chủ thể, phát huy vai trò tích cực của các thôn, xóm trong xây dựng NTM. Cùng với đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phát huy tính chủ động của người dân. Nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc dân chủ trong việc quyết định lựa chọn nội dung quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM ở địa phương.
"Xác định nhân dân là chủ thể trong xây dựng NTM, vì vậy cần tổ chức tốt việc lấy ý kiến tham gia đóng góp của nhân dân tại các thôn, xóm về xây dựng, quy hoạch, đề án, lựa chọn những chương trình, dự án cần thiết, cấp bách triển khai trước". KIỀU HỮU BÌNH Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam |
"Nguồn lực thực hiện chương trình chưa đáp ứng so với nhu cầu, trong khi cơ sở hạ tầng ở nông thôn hiện tại còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản còn lớn". NGUYỄN BÁ TOÀN Chủ tịch UBND xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam |
"Trong khi vấn đề việc làm, thu nhập của người dân còn khó khăn, do sau khi dồn ruộng thì lao động nông nghiệp dư thừa, nhưng chất lượng lao động lại thấp, còn nhiều lao động chưa qua đào tạo trong độ tuổi trung niên, nên đời sống của bà con ở nhiều vùng nông thôn vẫn còn không ít khó khăn". LÊ NHƯ THIỀU (Thôn Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) BÀI VÀ ẢNH: ÐÀO PHƯƠNG |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã