Học tập đạo đức HCM

Hà Nội đó, niềm tin yêu, hy vọng

Thứ hai - 03/02/2014 00:04
Xuân mới đã về! Những ngày đầu năm Giáp Ngọ 2014, tiết trời chiều lòng người. Nắng ấm dìu dịu trải dài trên phố đủ để người ta tạm quên những đợt rét đậm, rét hại mới diễn ra vào những tháng cuối cùng của năm Quý Tỵ. Trong rực rỡ cờ hoa, Hà Nội thanh bình, yên ả đến ngỡ ngàng, khác xa với nhịp sống hối hả, ồn ã thường nhật.

Xuân mới đã về! Với Hà Nội, 2014 là năm đặc biệt. 

Đã tròn 60 năm kể từ Ngày giải phóng Thủ đô vào năm Giáp Ngọ 1954. Đúng một Hoa giáp trôi qua với biết bao thăng trầm của lịch sử, máu và mồ hôi của bao lớp người đã đổ xuống để hôm nay Hà Nội đã có vóc dáng, hình hài của một Thủ đô văn minh, hiện đại. Với bề dày truyền thống của mảnh đất nghìn năm văn hiến, trong mọi hoàn cảnh, người Hà Nội luôn bỏng cháy khát vọng hòa bình. Đó cũng là khát vọng của cả dân tộc và loài người tiến bộ. 2014 cũng là mốc thời gian tròn 15 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO vinh danh Thành phố Vì hòa bình. Và 2014 cũng là năm bản lề, quyết định kết quả việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV và Kế hoạch 5 năm 2011-2015. Như vậy, Giáp Ngọ 2014 là một năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng đối với Hà Nội và cũng là một năm thành phố bộn bề những công việc cần làm để xây dựng Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Vẫn biết chặng đường phía trước còn không ít thử thách, nhưng trong bối cảnh đặc biệt của năm 2013 thì những kết quả đạt được của Thủ đô đối với từng chỉ tiêu đặt ra là rất đáng trân trọng. Năm mới, nhìn nét mặt hân hoan, rạng rỡ của dòng người thư thái du xuân; lắng nghe tiếng nô đùa trong vắt, hồn nhiên của con trẻ hoặc hít hà cái mùi khói bếp đầy ấm cúng và no đủ lan tỏa ở những vùng thôn quê ngoại thành... ít ai hình dung ra rằng, chưa đầy 2 tháng trước, người lạc quan cũng chỉ tin việc thu ngân sách của thành phố có đạt được hơn 80% kế hoạch đề ra cũng khó. Nếu vậy, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm Hà Nội đối mặt với nguy cơ không hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này. Ở một khía cạnh khác, điều đó còn cho thấy hàng loạt vấn đề ẩn chứa phía sau. Đấy là việc giải thể, ngừng hoạt động của hàng loạt doanh nghiệp; kinh tế của thành phố đã chặn được đà suy giảm nhưng chưa hết khó khăn; người lao động thiếu việc làm, đời sống, thu nhập bị ảnh hưởng... Nhưng rồi, chỉ trong hơn 30 ngày đã diễn ra một cuộc bứt phá ngoạn mục, kết quả là tổng thu ngân sách nhà nước của Hà Nội đạt trên 163 nghìn tỷ đồng, bằng 100,9% dự toán, tăng hơn 10% so với năm 2012, đóng góp trên 17% thu ngân sách của cả nước.

 
Ảnh: Viết Thành
Ảnh: Viết Thành


Nhìn rộng hơn 365 ngày, trong 5 năm tính từ thời điểm thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô theo Nghị quyết của Quốc hội (1-8-2008) - dù đúng vào khoảng thời gian "cơn bão" tài chính dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu đã trực tiếp tác động và ảnh hưởng mạnh - mức tăng trưởng kinh tế của Hà Nội luôn đạt 1,5 lần trở lên so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Với vai trò là "đầu tàu" của nền kinh tế đất nước, Hà Nội hiện đóng góp 10,6% vào GDP cả nước, chiếm khoảng 20% tổng đầu tư toàn xã hội, khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu...

Những con số nêu trên thật khô khan, nhưng phải có một sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy tới hành động ở tất cả các lĩnh vực mới có thể đạt được kết quả đó. Đây cũng là những nỗ lực vượt bậc, vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp cụ thể của cả hệ thống chính trị cùng sự phấn đấu vươn lên của từng người dân thành phố. Một Thủ đô "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" đang từng ngày trở thành hiện thực trên đất Thăng Long - Hà Nội. Tới thời điểm này, thành phố đã hoàn thành 17 quy hoạch ngành và chuyên ngành, thực hiện 71 đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết; từ đó xây dựng những hoạch định có tính chiến lược và giúp cho công tác quản lý có thể "đi trước một bước". Tiếp tục triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông, những tuyến đường vành đai, những cây cầu vượt được xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng đã cải thiện đáng kể tình hình giao thông Hà Nội. Đáng chú ý là ý tưởng xây dựng cầu vượt bằng thép thực hiện từ cuối năm 2011 đã góp phần giảm 124 điểm đen có nguy cơ ùn tắc giao thông xuống còn 57 điểm. Phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh mẽ những năm qua đã từng bước nâng cao đời sống của người dân khu vực ngoại thành, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và đô thị. Hiện đã có 55 xã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới; việc đồn điền đổi thửa đạt gần 60 nghìn héc ta trong tổng số hơn 76 nghìn héc ta, tạo cơ sở cho việc hình thành những cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, định hình vóc dáng của nông thôn hiện đại...

 
Thủ đô trên đường đổi mới và phát triển. Ảnh: Xuân Chính
Thủ đô trên đường đổi mới và phát triển. Ảnh: Xuân Chính


Ngày xuân, nhìn lại năm đã qua, cũng không thể không nhắc tới những câu chuyện cần suy nghĩ hoặc những góc tối vẫn còn đâu đó. Đấy là việc bớt xén từng liều vắc xin tiêm chủng tại trung tâm y tế dự phòng; chuyện "nhân bản xét nghiệm" ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, hay vụ việc xảy ra gây chấn động dư luận ở Thẩm mỹ viện Cát Tường... hoặc những chậm trễ không đáng để xảy ra trong việc tu bổ chùa Trăm gian, chuyện chống dột cho chùa Diên Hựu (thuộc quần thể di tích chùa Một Cột), sự việc gần 80 người dân xin trả lại danh hiệu "Làng cổ Đường Lâm"... Điều đó cho thấy, công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, có nơi còn trì trệ, khuôn mẫu, cứng nhắc trong giải quyết công việc. Mặt khác, tác động tiêu cực của cơ chế thị trường cũng gióng lên những hồi chuông đáng báo động về đạo đức xã hội...

Ngày xuân, trong một buổi trò chuyện, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi cho rằng: Không phải ai sống ở Hà Nội đều đã là người Hà Nội với nét đặc trưng nhất là thanh lịch. Có hộ khẩu Hà Nội mới chỉ là công dân Hà Nội, còn muốn là người Hà Nội đích thực thì phải học hỏi, tiếp biến để chất thanh lịch ngấm vào trong nếp sống, trong mọi hành vi ứng xử. Vâng! Nếp sống, văn hóa ứng xử lịch lãm, thanh tao đã được bao thế hệ vun đắp và trở thành "đặc sản" của người Hà Nội. Một Hà Nội "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" không chỉ có những tòa nhà cao chọc trời, những con đường rộng thênh thang, những cây cầu lớn, những trung tâm thương mại sầm uất... Nếu không được xây dựng trên nền tảng là các giá trị văn hóa truyền thống (lời ăn, tiếng nói, cách ứng xử, phong tục, tập quán...) thì mọi dự án, công trình đó đều trở nên vô hồn. Tuy nhiên, những giá trị cao quý nêu trên không thể xây dựng trong ngày một, ngày hai mà được hình thành qua một quá trình kế thừa và phát huy, được kiểm nghiệm, đánh giá của lịch sử, thời gian, được cộng đồng thừa nhận. Nếu không có truyền thống thì sẽ chẳng có hiện tại và tương lai. Cái cũ bao giờ cũng là tiền đề để cái mới ra đời. Vậy nên "bài toán" giữa bảo tồn và phát triển cần phải có cách giải quyết hài hòa, cân bằng các lợi ích, trong đó những nhu cầu chính đáng và hợp lý của người dân phải được quan tâm thỏa đáng. Có như vậy, bảo tồn và phát triển mới có thể thúc đẩy, hỗ trợ nhau phục vụ lợi ích chung của xã hội.

Hà Nội hôm nay còn rất nhiều vấn đề tồn tại cùng những bất cập cần nhanh chóng giải quyết thể hiện muôn hình, muôn vẻ cả trong đời sống kinh tế - xã hội và đời sống văn hóa, tinh thần. Cũng chính vì lẽ đó, thành phố xác định chủ đề hành động của năm Giáp Ngọ 2014 là "Năm trật tự và văn minh đô thị". Cùng với Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 chắc chắn sẽ tạo thêm cơ sở pháp lý và những điều kiện thuận lợi, tạo thế và lực để Hà Nội xây dựng và phát triển trên tầm cao mới. 

Khởi đầu cho một năm mới, sắc Xuân tràn ngập đất trời, lấp lánh trong mắt người và phủ lên vạn vật. Chồi non đang cựa mình, nhú mầm. Không khí vui tươi, phấn khởi ngập tràn trên mọi nẻo đường, từ khu vực đô thị tới vùng ngoại thành. Hà Nội đó, niềm tin yêu, hy vọng. Lời chúc "Mã đáo thành công" vang vọng nơi nơi…
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 149/QĐ-BCĐ

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025

Thông báo 420/TB-UBND

Kết luận của Đ/c Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tại Hội nghị đánh giá công tác xây dựng NTM 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2023

Văn bản số 4802/UBND-NL5

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập111
  • Hôm nay31,761
  • Tháng hiện tại227,278
  • Tổng lượt truy cập85,134,314
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây