Học tập đạo đức HCM

Hơn 5.000 ‘giấy phép con’: Chính phủ hành động

Chủ nhật - 06/08/2017 08:21
(Chinhphu.vn) – Ý kiến chuyên gia cho rằng việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các Bộ xử lý các báo cáo rà soát độc lập mới đây về điều kiện kinh doanh đã thể hiện rõ tinh thần Chính phủ hành động; kiến nghị cần có rà soát tổng thể với các cuộc thảo luận công khai về vấn đề này.

Mới đây, xét đề nghị của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) gửi các báo cáo rà soát về điều kiện kinh doanh (ĐKKD) tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp trước ngày 10/8.

Thủ tướng giao Bộ Tư pháp có ý kiến về danh mục các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản khác có quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh (nếu có) tại các báo cáo nói trên, gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/8, trong đó có kiến nghị phương án xử lý cụ thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

VCCI cho rằng không nên quy định quản lý, vận hành nhà chung cư là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

"Thủ tướng đang rất rốt ráo"

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, công văn rất kịp thời này đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Điều này đặc biệt ý nghĩa khi tại Diễn đàn Doanh nghiệp tư nhân mới đây, 65% doanh nghiệp cho biết điều họ mong muốn nhất là Chính phủ hành động, còn 24% chọn “liêm chính” và 11% chọn “kiến tạo”.

“Chưa bàn đến tính khoa học, đầy đủ của các rà soát nhưng khi VCCI và CIEM đưa ra những báo cáo như vậy và Chính phủ có động thái đón nhận, là một điều rất đáng ghi nhận và kỳ vọng”, ông Trần Hữu Huỳnh nhận định.

Có cùng quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ: “Tôi rất ấn tượng với công văn lần này vì nó gắn với thông điệp quan trọng của Thủ tướng đó là Chính phủ hành động”.

Ông Tuấn cho rằng, ý kiến chỉ đạo này không gắn với một chương trình hay “mốc” cụ thể như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, nhưng từ kết quả rà soát của VCCI và CIEM, Người đứng đầu Chính phủ đưa ra kết luận thể hiện sự lắng nghe và tính hành động cao.

“Báo cáo này mới được VCCI công bố trong thời gian ngắn nhưng đã có phản hồi ngay, cho tôi niềm tin rằng Thủ tướng đang rốt ráo và Chính phủ sẽ có những hành động thực chất để xóa bỏ những rào cản đang cản trở sự phát triển của DN. Cũng hi vọng các bộ ngành liên quan sẽ đốc thúc thực hiện công việc này theo đúng tinh thần của Thủ tướng”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Rà soát điều kiện kinh doanh thấy gì?

Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Chính phủ và các bộ, ngành đã rất nỗ lực trong việc xây dựng danh mục 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định trong Luật Đầu tư.

“Tuy nhiên, hiện tại, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh chưa tuân thủ được các tiêu chí về tính minh bạch, tính thống nhất, tính khả thi và tính hợp lý”, ông Huỳnh nhận định.

Ông Đậu Anh Tuấn cho biết trong nghiên cứu vừa qua, VCCI đã chỉ ra trong số 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong luật, có 16 ngành nghề không cần quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hoặc có phạm vi quá rộng cần điều chỉnh. Như ngành logistic có bao gồm nhiều ngành khác đã được quy định cụ thể nhưng vẫn đưa vào danh mục. Hoặc nhiều ngành từ khâu sản xuất đến phân phối đều yêu cầu giấy phép trong khi chỉ cần tập trung quản lý một khâu nào đó.

VCCI cũng đã lựa chọn 3 nhóm ngành điển hình để rà soát sâu, gồm công thương, giao thông vận tải và khoa học công nghệ. Nhận định được đưa ra là nhiều ĐKKD đang can thiệp quá sâu vào thị trường, vào hoạt động của DN.

Chẳng hạn như quy định yêu cầu công ty vận tải phải có kế hoạch kinh doanh được phê duyệt, hoặc việc một công ty hoạt động đại lý tàu biển được yêu cầu phải có phòng, ban pháp chế, hay những yêu cầu bất hợp lý về quy mô cơ sở vật chất, máy móc DN cần trang bị...

“Đây không phải là vấn đề của các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn thuần chỉ là hoạt động nội bộ của công ty hoặc có những yếu tố thị trường điều tiết được thì nên để nó tự làm vai trò của mình, không nên can thiệp”, ông Trần Hữu Huỳnh nhận định.

Cần thảo luận công khai

Thế nhưng theo ông Trần Hữu Huỳnh, các rà soát này mới chỉ dừng lại ở mức “rà soát tự thân” của VCCI và CIEM, như báo cáo của VCCI mới làm việc được với 3 bộ,  tương ứng rà soát được khoảng 1/4 số ĐKKD. “Chúng ta chưa có cuộc rà soát tổng thể, toàn diện, triệt để đối với tất các các ĐKKD”, ông Huỳnh cho biết.

Bên cạnh đó, có những “ĐKKD trá hình”, không nằm trong danh mục cũng như ngành nghề cụ thể mà “ẩn” trong những văn bản, quy định với những tên gọi, hình thức khác  thì hiện nay chưa rà soát được, ông Huỳnh cho rằng cần lưu ý điều này.

Ông  Đậu Anh Tuấn thì quan ngại rằng việc giao cho các bộ, ngành tự rà soát sẽ không hoàn toàn khách quan và không hiệu quả. Cùng với việc các bộ ngành tự rà soát, cần một cơ quan tham mưu độc lập có thể đưa bài toán quản lý so sánh với những trở ngại kinh doanh đối với doanh nghiệp để đề xuất phương án phù hợp nhất.

Ngoài ra, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất cần phải có thêm nhiều cuộc thảo luận công khai, tạo cơ hội cho DN-đối tượng chịu tác động trực tiếp của ĐKKD được thể hiện quan điểm, phản hồi về những bất cập, khó khăn.

Cũng coi thảo luận công khai là cách tốt để giải quyết vấn đề tồn đọng, ông Trần Hữu Huỳnh cho rằng, các bên liên quan cần ngồi lại với nhau, mời thêm các hiệp hội ngành, hàng, các chuyên gia, nhà khoa học để cùng rà soát, xem xét những kiến nghị và có hành động khẩn trương hơn.

“Đơn giản hóa ĐKKD, bãi bỏ giấy phép bất hợp lý là những việc cần được ưu tiên và thực hiện khẩn trương hơn, vì những giải pháp này không tốn kém, không cần đầu tư quá nhiều thời gian như các biện pháp khác, nhưng lại yêu cầu sự nỗ lực và cam kết cao”, ông Đậu Anh Tuấn khẳng định.

Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh rằng “giấy phép kinh doanh rất nhiều, rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại. Đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp”.

Theo VCCI, trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có tổng số 5.719 điều kiện kinh doanh (thường được gọi là giấy phép con). Trong đó, nhiều nhất là Bộ Công Thương có 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý với 1.220 điều kiện kinh doanh. Ít nhất là Bộ Xây dựng cũng có 17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 106 điều kiện kinh doanh.   

Thu Hương
http://baochinhphu.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập484
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại843,820
  • Tổng lượt truy cập92,017,549
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây