Học tập đạo đức HCM

Hưng Phong trên đường xây dựng nông thôn mới

Thứ tư - 13/05/2015 21:15
Từ năm 2010 đến nay, kinh tế - văn hóa… ở xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm luôn ổn định và phát triển. Đảng bộ và nhân dân xã Hưng Phong đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Đặng Hồng Sơn – Bí thư Đảng ủy xã nói: "Đường bê-tông liên xóm, liên ấp cơ bản hoàn thành, xóa được cảnh lầy lội trong mùa mưa. Bê-tông hóa giao thông nông thôn, nối cù lao Long Thành với cồn Ốc là ước mơ từ bao đời nay của người dân xã Hưng Phong và xã Sơn Phú, hôm nay đã thành hiện thực. Kinh tế ngày càng phát triển, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm".

Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng

Ngay từ đầu năm 2010, lãnh đạo xã Hưng Phong xác định để phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, trước hết phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo đó, suốt cả nhiệm kỳ được sự hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh, huyện và người dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng ở Hưng Phong trên 33,6 tỷ đồng.

Đồng chí Đặng Hồng Sơn – Bí thư Đảng ủy xã cho biết, chỉ riêng xây dựng cầu đường, đã đưa vào sử dụng đoạn đường D2, D2-D1, D1, D1 - đầu cồn hướng Đông, tổng chiều dài khoảng 5,6km, rộng 3m, dày 30cm với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng do tỉnh hỗ trợ.

 

Người dân phấn khởi qua cầu liên xã Hưng Phong – Sơn Phú. (Ảnh: Hoàng Vũ)

Người dân phấn khởi qua cầu liên xã Hưng Phong – Sơn Phú. (Ảnh: Hoàng Vũ)

 

Bên cạnh đó, xã đổ bê-tông mở rộng gần 8 km đường liên ấp, liên xóm, tổng kinh phí gần 532 triệu đồng do Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Song song đó, xã nâng cấp các tuyến đường trong toàn xã với chiều dài gần 26,8 km, tổng kinh phí gần 222 triệu đồng trích từ ngân sách xã và nhân dân các ấp đóng góp.

Đi đôi với làm đường bê-tông, nhiệm kỳ qua Hưng Phong xây mới 7 cây cầu, tổng kinh phí gần 9,4 tỷ đồng. Trong đó, có cầu liên xã Hưng Phong – Sơn Phú hoàn thành vào cuối năm 2014. Cầu này dài 75,8m, mặt cầu rộng 3m lọt lòng, tải trọng 8 tấn, tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng, được sự vận động của ông Nguyễn Văn Hiếu – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Qua đó, một số mạnh thường quân ở Hà Nội hỗ trợ 700 triệu đồng, phần còn lại trích ngân sách huyện và nhân dân 2 xã Hưng Phong – Sơn Phú đóng góp.

Ông Đoàn Minh Tâm, người dân ở ấp Hưng Quí, xã Hưng Phong phấn khởi cho hay, cuối năm 2014, bà con vô cùng vui mừng vì xã đã hoàn thành việc xây cầu đường gần 100%. Cầu đường hôm nay, ở Hưng Phong rất thích hợp cho du lịch sinh thái. "Từ năm 2010 trở về trước, chúng tôi muốn đi qua cồn Long Thành (Sơn Phú) không phải dễ. Muốn qua phải đi đò ngang lệ thuộc nước lớn, nước ròng. Còn mùa mưa thì bùn sình lên khỏi đầu gối. Trẻ nhỏ đi học té lấm như đi bắt ếch, bắt cá. Ở đầu cồn, vào mùa mưa lũ, người dân muốn đến trung tâm xã thì vô cùng ái ngại. Còn bây giờ muốn đi chợ xã, muốn đến trung tâm xã thì rất dễ dàng, dù trời đang mưa, bởi có đường bê-tông, cầu bê-tông thông suốt toàn xã" – ông Tâm nói.

Về cơ sở hạ tầng, đồng chí Đặng Hồng Sơn – Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm, toàn xã có 1.538/1.538 hộ sử dụng điện (đạt 100% theo Nghị quyết), 68 hộ sử dụng dịch vụ internet... Qua đó, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tiến lên nông thôn mới

Dù không phải là xã điểm, xã diện xây dựng NTM nhưng Hưng Phong đang phấn đấu đạt được 7/19 tiêu chí NTM. "Xây dựng NTM, Hưng Phong quyết không chạy theo thành tích. Mục đích cao nhất của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho người dân. Muốn được như thế, thì toàn hệ thống chính trị của xã và người dân Hưng Phong phải tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - văn hóa…" – ông Trần Văn Nghĩa - Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh.

Hiện nay, nền kinh tế ở Hưng Phong luôn ổn định và phát triển. Như đồng chí Bí thư Đảng ủy xã nói thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm, tăng 11 triệu đồng/năm so với đầu năm 2010.

Người dân ở Hưng Phong sống chủ yếu nhờ cây dừa, toàn xã có gần 618 ha dừa, trong đó có 17 ha dừa dứa phục vụ du lịch. Để tăng thu nhập trên cùng diện tích đất, nông dân Hưng Phong trồng xen cây ăn trái trong vườn dừa gần 42 ha, trong đó bưởi da xanh gần 12 ha.

Bên cạnh đó, nông dân Hưng Phong cũng mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, nhiều nhất là nuôi heo. Đến nay, số lượng heo duy trì thường xuyên khoảng 5.500 con (tăng khoảng 2.500 con so với đầu năm 2010). Hàng năm, Hưng Phong xuất chuồng từ 800 – 1.000 tấn heo hơi.

"Nhờ hoàn thành các cây cầu, các tuyến đường bằng bê-tông, bà con chúng tôi dễ dàng vận chuyển thức ăn gia súc, vận chuyển heo ra thị trường. Tôi được biết toàn xã có 137 hộ nuôi heo. Do nắm bắt vững kỹ thuật nuôi heo qua các lớp tập huấn nên bà con đầu tư rất nhiều. Trong 137 hộ nuôi heo, có 54 hộ nuôi từ 50 con trở lên. Riêng tôi nuôi khoảng 300 con. Mỗi con heo lời từ 200 ngàn đồng đến gần 1 triệu đồng/con" – ông Nguyễn Bùi Trùng Chương ở ấp Hưng Quí cho hay.

Để góp phần phát triển kinh tế, Hưng Phong có nghề truyền thống đan giỏ bằng cọng dừa với hơn 500 hộ tham gia, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 3.247 lao động. Nghề đan giỏ này hoạt động nhộn nhịp nhất vào dịp gần tết, hàng năm xuất bán ra thị trường trên 300.000 chiếc giỏ đựng quà.

Trên lĩnh vực văn hóa, đến cuối nhiệm kỳ có 1.438/1.464 hộ đạt gia đình văn hóa (tăng 2,97% so với đầu nhiệm kỳ), 492 hộ đạt chuẩn gia đình thể thao, 4/4 ấp văn hóa, 4/4 ấp sức khỏe, 5/5 cơ quan văn hóa. "Hàng năm, các chương trình y tế quốc gia được thực hiện khá tốt, dịch bệnh không xảy ra. Công tác chính sách xã hội luôn được quan tâm. Cuối năm 2014 toàn xã có 106 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,75%. Hàng năm, xã có khoảng 300 lao động được giải quyết việc làm thường xuyên. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, xã đã xây mới và sửa chữa 21 căn nhà tình nghĩa, 56 nhà tình thương" - ông Trần Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm.

Nguồn: nongthonmoi.bentre.gov.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập170
  • Hôm nay31,657
  • Tháng hiện tại872,858
  • Tổng lượt truy cập93,250,522
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây