Chất lượng tốt sẽ bền vững hơn
PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ, phó khoa Phát triển nông thôn, trường đại học Cần Thơ, người quan tâm đặc biệt đến lợi nhuận người trồng lúa và từng chứng minh mức lời 30% không cải thiện được cuộc sống của nông dân nếu bình quân ruộng đất khoảng 5.000m2/hộ (từ 4 – 5 nhân khẩu), cho hay Thái Lan dự định giảm sản lượng gạo xuất khẩu.
Doanh nghiệp Việt Nam bán nhiều gạo nhưng chưa tạo được lòng tin của người tiêu dùng cuối cùng (ảnh minh họa). Ảnh: H.L |
Theo TS Đệ, có thể đó là cơ hội tốt cho gạo Việt Nam vươn ra thị trường rộng hơn nhưng do điều tiết xuất khẩu có những vấn đề chưa hợp lý nên có thể sản lượng gạo xuất khẩu nhiều hơn nhưng lợi nhuận của nông dân không cải thiện bao nhiêu.
Thái Lan và Việt Nam là hai nước chiếm thị phần rất lớn, khi họ giảm sản lượng chắc chắn cung – cầu sẽ có khoảng trống. Có hai cách: nhân lúc này chúng ta tăng sản lượng, nếu quyết tâm cũng có thể tiêu thụ hết lượng gạo. Nhưng cách làm này giá cả thường không tốt.
Cách thứ hai là giữ vững sản lượng và tập trung nâng cao chất lượng gạo và các sản phẩm khác. Khi cung giảm so cầu, gạo chất lượng cao hơn, chắc chắn giá sẽ tốt hơn. Kim ngạch xuất khẩu có thể tăng lên.
Doanh nghiệp Việt Nam bán nhiều gạo nhưng chưa tạo được lòng tin của người tiêu dùng cuối cùng. Về lâu dài, chiến lược tăng cường hiệu quả xuất khẩu gạo kết hợp nâng cao thu nhập nông dân phải tạo khác biệt, và phải thay đổi cách bán gạo xô vì kiểu bán này không thể nào có giá tốt hơn. “Gạo phối trộn cả chục loại làm sao ngon được. Chúng tôi làm gạo thuần, nhưng doanh nghiệp trộn đủ thứ, thử đem gạo đó đưa cho gia đình nhà xuất khẩu nấu coi họ có ăn được không?”, nhiều nông dân hiểu rằng chính cách phối trộn làm cho sức cạnh tranh của gạo Việt suy giảm.
“Nói tới gạo Basmati là người ta biết gạo Pakistan; nói Khao Dawk Mali, Kao Horm Mali biết gạo Thái Lan, gạo ngon thì người tiêu dùng sẽ tìm mua, họ thấy thèm thì mình mới có thể bán giá tốt, nông dân mới khá lên được”, TS Đệ khẳng định như vậy.
Suy nghĩ khác
Vướng mắc lâu nay là cách tiếp cận giữa doanh nghiệp và nông dân, ai cũng biết phải gắn theo chuỗi nhưng khi làm lại tách rời. Ai cũng biết cần gắn kết, nhưng khi đụng tới mối lợi thì mạnh ai nấy tranh thủ lấy nên dễ mâu thuẫn nhau.
“Tình trạng kêu gọi gắn kết mới dừng ở mức ráp các tác nhân rời rạc lại chứ chưa chặt chẽ thành hệ thống đồng bộ. Nếu cùng có lợi với nhau thì mới gắn các tác nhân trong chuỗi, mới có trách nhiệm với sản phẩm, lợi ích hợp lý, hài hoà theo tỷ lệ đóng góp của từng tác nhân”, TS Đệ nhận xét.
Nếu có loại hình công ty cổ phần nông nghiệp, có sự tham gia của nông dân sẽ có nhiều thay đổi. Tuy gặp khó khăn do tâm lý và khả năng góp vốn, nhưng nếu doanh nghiệp đưa ra phương thức và nông dân thay vì bán lúa cho thương lái thì họ sẽ bán phần lúa hàng hoá cho doanh nghiệp để góp cổ phần. |
Theo TS Đệ, thực tế mô hình công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) là mô hình tiến bộ nhất, đầu tư vùng nguyên liệu ổn định theo cánh đồng mẫu lớn, đúng chủng loại và có cơ chế hỗ trợ liên kết ban đầu. Công ty đã mở ra con đường cho nông dân bán sản phẩm và có thể chia cổ tức thì nông dân bán lúa không cần gởi tiền ngân hàng hay mua vàng mà sẽ góp vào cổ phần. Cách làm này sẽ khiến người sản xuất quan tâm tới người tiêu dùng cuối cùng và sẽ không “bẻ chĩa doanh nghiệp”.
Thực tế cũng có tình trạng lâu nay nông dân sợ cách nói lời giả – lỗ thật của một số doanh nghiệp. Để tăng lòng tin thì doanh nghiệp phải công khai minh bạch, làm ăn đàng hoàng để nông dân gởi gắm lòng tin, sẽ mua cổ phần khi thấy có lợi. Đối với các công ty không làm gì để xây dựng mối quan hệ tương tác với nông dân mà mua phá giá thì quản lý nhà nước phải chế tài, vì đó là gian lận.
Tại buổi toạ đàm chủ đề “Đổi mới – sáng tạo”do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và tạp chí Tia sáng tổ chức tại TP.HCM hồi cuối tháng 4.2013, trong câu chuyện giữa PGS.TS Đệ và PGS.TS Dương Văn Chín (AGPPS), ông Nguyễn Thể Hà (công ty Bùi Văn Ngọ), ông Bùi Hữu Lộc (cơ sở làm bột Lộc Sánh), hướng tạo khác biệt, giá trị gia tăng như gạo mầm Vibigaba và làm bột để sản xuất nhiều sản phẩm sau gạo là cách nghĩ có triển vọng xuất khẩu. Việc này làm cho giá trị sản phẩm tăng lên, tạo nhiều công ăn việc làm, đa dạng hoá đầu ra để mở rộng thị trường.
Gạo chế biến dạng khô có thời gian sử dụng lâu hơn, thời bán sản phẩm dài hơn vừa có thể giảm áp lực vừa có thể sản xuất lớn được. Ông Trần Khiêm Khánh, cha đẻ thương hiệu bột gạo lứt Bích Chi, cho rằng bột mì có thể bán khắp nơi, tại sao bột gạo lại không; trong khi chúng ta đều biết bột gạo có thể làm biết bao nhiêu món ngon. “Sản phẩm sau gạo (bột làm bánh, hủ tíu, phở…) sẽ là bước đệm để sản phẩm này bị rủi ro thì có sản phẩm khác phải thay thế, ông Khánh phát biểu.
HOÀNG LAN
theo sgtt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã