Học tập đạo đức HCM

Làm gì để tăng năng suất lao động?

Chủ nhật - 28/10/2018 10:27
Sáng 27/10, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM đã phát biểu đánh giá tại Quốc hội về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2019-2020.

Đồng tình cao với ý kiến của nhiều đại biểu cũng như đánh giá của báo cáo Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội đất nước năm 2017, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Những thành tựu cơ bản đó sẽ tạo tiền đề rất quan trọng cho năm 2019 và 2020, thể hiện sự đúng đắn trong đường lối Đại hội XII, nỗ lực chỉ đạo của Quốc hội, triển khai của Chính phủ và chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đồng tình với những phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư khi nhận chức Chủ tịch nước rằng chúng ta không được chủ quan. Chúng ta vẫn đang đối mặt với nhiều vấn đề, thách thức. Tôi xin đề cập một vấn đề, đó là năng suất lao động Việt Nam còn thấp, vì sao và giải pháp nào. Chúng tôi xin nêu số liệu thống kê:

Năng suất lao động của chúng ta năm 2017 là 4.019 USD, so với Thái Lan 11.633 USD, thấp hơn Thái Lan 3 lần. Năng suất của Malaysia gấp chúng ta 5 lần. Năng suất Hàn Quốc gấp 14 lần, Nhật Bản gấp18 lần và Singapore gấp 25 lần.

Từ thực tiễn này cũng có ý kiến cho rằng, sau hơn 40 năm giải phóng, thống nhất đất nước, năng suất lao động Việt Nam bằng 34% của Thái Lan tức là 1/3 là quá thấp. Vì vậy, đặt vấn đề phải xem lại sự chỉ đạo của Chính phủ triển khai ở các địa phương. 

Theo tôi, bức xúc về năng suất lao động thấp để phát huy sáng tạo, tìm cách khắc phục là đúng đắn. Nhưng bức xúc mà chưa đầy đủ cơ sở thì làm xã hội bức xúc thêm và cũng có thể bị những thế lực thù địch lợi dụng có những phát biểu bất lợi cho chế độ. Chúng tôi xin nêu hai minh họa:

Chúng ta có sự tiến bộ rất đáng kể về năng suất lao động so với các nước xung quanh. Năm 1975 GDP đầu người chúng ta là 79 USD. Năng suất lao động của Thái Lan gấp chúng ta 5 lần thì đến năm 2008 còn gấp 4 lần và 2017 gấp 3 lần, như vậy khoảng cách được thu hẹp liên tục. Năng suất lao động của Mailaysia năm 1975 gấp chúng ta 10 lần, đến 2008 còn gấp 7 lần và 2017 gấp 5 lần. Năng suất lao động ở Nhật Bản năm 1975 gấp chúng ta 50 lần, năm 2008 gấp 30 lần và năm 2017 gấp 18 lần.

Như vậy, chúng ta đã liên tục thu hẹp khoảng cách năng suất so với một số nước trong hoàn cảnh họ cũng tăng năng suất. Như vậy, so với năm 1975 thì chúng ta thu hẹp với Thái Lan từ 5 xuống 3 lần, Nhật Bản từ 50 lần xuống 18 lần. Tuy nhiên, cũng phải hỏi rằng chúng ta có thể tăng năng suất lao động nhanh hơn được không thì phải trả lời là có thể tăng nhanh hơn. Nhưng không thể nhanh đến mức không phù hợp với điều kiện của nền kinh tế và quy luật kinh tế.

Thứ hai, chúng ta cũng lo lắng trước xu hướng, năng suất lao động tăng trong đó yếu tố vốn đóng vai trò quan trọng, chủ yếu. Lo lắng này có cơ sở như thế nào? Và vì sao việc này đã kéo dài suốt 30 năm qua? Chúng tôi xin đề cập vấn đề thứ nhất để lý giải mấy câu hỏi trên.

Đó là năng suất lao động có 2 loại thước đo khác nhau là năng suất lao động kỹ thuật và năng suất lao động kinh tế. Năng suất lao động kỹ thuật đo bằng giá trị hiện vật, bằng sản phẩm do một người lao động tạo ra trong một giờ. Ví dụ như số áo một người công nhân may được trong một giờ, số diện tích mét vuông xây tường một công nhân xây được trong một giờ và số điện thoại di động một công nhân lắp ráp được trong một giờ. 

Trong nông nghiệp ví dụ như số lượng lúa thu hoạch được trên một ha sau một vụ, số kg cá/m² ao nuôi thu hoạch sau một vụ. Năng suất lao động kỹ thuật này phụ thuộc vào trình độ công nghệ, năng suất của thiết bị máy móc được ứng dụng, phụ thuộc vào chất lượng vật tư, trình độ người lao động, phương pháp trả lương, phương pháp quản lý chất lượng sản phẩm...

Trong đó yếu tố quyết định của năng suất lao động kỹ thuật chính là trình độ công nghệ của thiết bị và khả năng của người lao động sử dụng thiết bị. Ví dụ, trong ngành dệt với các khung dệt gỗ thì người ta phải di chuyển thoi bằng tay hoặc bằng cơ học thì năng suất rất thấp. Máy dệt hiện đại thì không có thoi, di chuyển sợi bằng thổi khí, năng suất có thể tăng gấp 3-10 lần. Nếu chúng ta giao cho một kỹ sư dệt dệt bằng máy gỗ thì năng suất vẫn thấp. Còn nếu một công nhân được huấn luyện tốt  dệt bằng máy khí nén thì năng suất vẫn rất cao.

Chúng tôi muốn nói rằng trình độ công nghệ của thiết bị là hết sức quan trọng. Ví dụ trong nhà máy Samsung, họ không tuyển công nhân có bằng công nhân kỹ thuật, họ chỉ tuyển công nhân tốt nghiệp cấp 3. Sau 4, 5 tháng huấn luyện thì công nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, năng suất rất cao, sử dụng tốt máy móc hiện đại của Samsung.

Thước đo thứ hai là năng suất lao động kinh tế đo bằng giá trị gia tăng một lao động tạo ra và nó bằng năng suất lao động kỹ thuật nhân với giá trị gia tăng của một sản phẩm, bằng giá bán của một sản phẩm trừ đi chi phí làm ra sản phẩm, không kể chi phí lao động. Năng suất kinh tế của Việt Nam năm ngoái là 4.019 USD như vừa trình bày ở trên, thấp hơn Thái Lan 3 lần, Hàn Quốc 14 lần, Nhật Bản 18 lần, vì sao lại như vậy? Năng suất kinh tế là do năng suất lao động kỹ thuật quyết định như trình bày ở trên, nhưng năng suất lao động kinh tế còn do yếu tố thị trường, là giá bán sản phẩm và chi phí làm ra sản phẩm, không kể chi phí lao động quyết định.

Nói đến yếu tố giá bán sản phẩm thì đây là quan hệ cung cầu, chất lượng của hàng hóa, tổ chức tiêu thụlà  nói đến thị trường đầu ra, đầu vào. Như vậy, yếu tố năng suất lao động kỹ thuật cao không tự nó đảm bảo năng suất lao động kinh tế cao. Ở đây, các nhà khoa học thường quan tâm đến năng suất lao động kỹ thuật, nhưng các nhà doanh nghiệp lại quan tâm đến năng suất lao động  kinh tế.

Chúng tôi xin nêu 2 ví dụ. Hai nhà máy may có dây chuyền sản xuất giống hệt nhau về công nghệ, năng suất lao động kỹ thuật giống nhau, bình quân 1 công nhân 1 ngày làm ra 3 bộ comple. Nhưng 1 nhà máy chỉ làm gia công, nhận hợp đồng và giao sản phẩm cho người đặt hợp đồng, còn một nhà máy khác có khâu thiết kế, khâu quảng bá thương hiệu và khâu tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Năng suất lao động kỹ thuật đều là 3 áo comple/lao động/ngày, nhưng năng suất kinh tế hoàn toàn khác nhau. Nhà máy có khâu thiết kế, khâu tiêu thụ sản phẩm có giá trị gia tăng gấp 2-3 lần nhà máy kia do đó năng suất lao động kinh tế cao hơn hẳn.

Trong nông nghiệp chúng ta cũng thấy năng suất cà phê của Việt Nam thuộc loại  cao nhất thế giới, sản lượng  đứng thứ nhì thế giới, nhưng thu nhập - của người trồng cà phê không cao. Chúng ta chỉ bán cà phê thô là chính không bán cà phê là sản phẩm cuối cùng và không có thương hiệu riêng.

Bài học là sản xuất công nghiệp nếu chỉ dựa vào khâu sản xuất mà không thực hiện cả 2 khâu là thiết kế và tiêu thụ thì không thể có năng suất kinh tế cao dù năng suất kỹ thuật có thể cao. Trong nông nghiệp, hộ nông dân cá thể có thể là người sản xuất giỏi nhưng không thể là người kinh doanh giỏi vì không biết dự báo nhu cầu thị trường, không có khả năng đàm phán giá cả đầu vào đầu ra và không tự tổ chức tiêu thụ sản phẩm được.

Từ đó chúng tôi xin kiến nghị để giải quyết bài toán năng suất lao động ở Việt Nam cần quan tâm đồng thời đến 8 nhóm yếu tố chi phối năng suất lao động kinh tế sau đây.

Một là nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất, trong đó có một xu hướng tương quan rất quan trọng. Năng suất lao động kinh tế của các quốc gia (giá trị gia tăng một lao động tạo ra trong một năm) tỷ lệ thuận trực tiếp với tổng vốn đầu tư của xã hội trên một lao động. Nói một cách khác, đầu tư xã hội trên 1 lao động bao nhiêu thì năng suất lao động kinh tế cũng tương thích bấy nhiêu.

Như Việt Nam năng suất lao động kinh tế là 4.019 đô la, tổng đầu tư năm ngoái cho 1 lao động là 1.384 đô la. So với Thái Lan, đầu tư của họ gấp 2 lần của ta còn năng suất gấp gần 3 lần. Hàn Quốc tổng đầu tư đầu người năm ngoái gấp 12 lần của ta, năng suất lao động gấp 14 lần. Nhật Bản tổng đầu tư đầu người lao động gấp 13 lần của ta thì năng suất lao động gấp 18 lần.

Tức là đòi hỏi để tăng năng suất lao động thì phải  tăng - tổng đầu tư trên một lao động không phải là trở ngại để phát triển sản xuất. Vấn đề là tăng đầu tư phải ưu tiên để hiện đại hóa công nghệ thì tăng vốn sẽ tăng năng suất lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Như vậy, nếu chúng ta muốn năng suất lao động Việt Nam bằng Thái Lan, hiện nay Thái Lan đang hơn ta 3 lần thì qua thống kê, dự báo cũng cần hơn 5-7 năm nữa. Nếu chúng ta muốn năng suất bằng Malaysia, hiện nay họ hơn chúng ta 5 lần thì chúng ta cũng cần hơn 7-10 năm. Tất nhiên, đây cũng là dự báo sơ bộ, để chúng ta biết rằng không thể nóng vội, do GDP thấp trong hàng chục năm nên tổng đầu tư trên lao động của chúng ta đang thấp hơn  các nước ở ASEAN từ 2-20 lần.

Thứ hai, đó là xác định mô hình sản xuất cơ bản phù hợp. Trong cơ chế kinh tế bao cấp, sản xuất theo kế hoạch tập trung không có cạnh tranh không đem lại hiệu quả cao. Chúng ta phải chuyển sang cơ chế thị trường (cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần của doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã). Trong nông nghiệp, chừng nào hộ sản xuất cá thể vẫn còn chiếm đa số thì không thể có năng suất kinh tế cao, cần phải chuyển sang mô hình hợp tác xã.

Thứ ba, các doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ 3 khâu sản xuất, đó là thiết kế sản phẩm, tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Thứ tư, thị trường tín dụng phải đủ mạnh, phù hợp cho các loại hình doanh nghiệp  để phục vụ nhu cầu tăng vốn.

Thứ năm, quan tâm đến thị trường sản phẩm cả trong nước và nước ngoài, đó là kích cầu tạo tiền đề để tăng năng suất lao động trong nước.

Thứ sáu, không ngừng nâng cao trình độ người lao động đáp ứng nhu cầu của công nghệ sản xuất tiên tiến.

Thứ bảy, quốc gia và các doanh nghiệp phải đầu tư cho nghiên cứu khoa học một cách xứng đáng. Ví dụ Việt Nam chi khoa học công nghệ  năm 2012 bình quân là 3 đô la/người, thua Thái Lan 7 lần, thua Malaysia 29 lần, Singapore 43 lần.

Thứ tám, đó là không ngừng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, thực hiện công khai, minh bạch, nghe dân, nghe doanh nghiệp, vì dân, vì doanh nghiệp. Một nghiên cứu quốc tế cho thấy, không cần tăng đầu tư xã hội nhưng nếu chính quyền minh bạch phục vụ dân và doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp quyết định đầu tư nhanh hơn, hiệu quả hơn và GDP có thể tăng thêm 0,5 - 1,5 % một năm.

PV (ghi)
http://daidoanket.vn

 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập175
  • Hôm nay40,149
  • Tháng hiện tại196,675
  • Tổng lượt truy cập90,260,068
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây