Những mô hình kiểu mẫu
Tính đến cuối tháng 7/2017, cả nước có 2.776 xã (đạt 31,1%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Ngay sau khi các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các cấp tỉnh, huyện, xã đã tập trung chỉ đạo, thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương hoặc phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo bộ tiêu chí của tỉnh, huyện.
Hình ảnh đẹp nông thôn mới kiểu mẫu. |
Có thể nói bắt đầu từ Hà Tĩnh, mô hình nông thôn kiểu mẫu, vườn kiểu mẫu đang thực sự có sức lan tỏa sâu rộng. Sau 6 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả vượt bậc, trở thành một trong những điển hình của cả nước trong thực hiện chương trình này. Không chỉ đẩy nhanh, mạnh các xã về đích nông thôn mới theo 19 tiêu chí, Hà Tĩnh đã xây dựng và ban hành 15 tiêu chí xã NTM kiểu mẫu.
Trong đó, xây dựng và nhân rộng các khu dân cư NTM kiểu mẫu là một tiêu chí quan trọng. Đây được coi là “tiêu chí 20” trong Chương trình xây dựng NTM của tỉnh với mục tiêu làm chuyển biến nhận thức của người dân về phát triển kinh tế vườn, chỉnh trang nhà ở, xây dựng hàng rào xanh, bảo vệ môi trường; thay đổi tập quán sản xuất của người dân từ tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hoá, khai thác phát huy tối đa tiềm năng đất vườn…
Sau hơn 3 năm thực hiện “tiêu chí 20”, đến nay, Hà Tĩnh đã có trên 1.300 thôn triển khai xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, trong đó 490 thôn cơ bản đạt chuẩn, 120 thôn đã đạt chuẩn và 5.556 vườn triển khai xây dựng vườn mẫu với 1.300 vườn đạt 5/5 tiêu chí. Đó là một sự nỗ lực không hề nhỏ của chính quyền và người dân ở mảnh đất “gánh hai đầu đất nước”.
Nhận thấy lợi ích vô cùng lớn từ mô hình NTM kiểu mẫu, sau Hà Tĩnh, rất nhiều địa phương đã bắt tay vào xây dựng NTM kiểu mẫu. Từ kinh nghiệm của Hà Tĩnh, đầu năm 2017, Quảng Ninh đã đưa ra bộ tiêu chí cụ thể cho khu dân cư NTM kiểu mẫu (10 tiêu chí, 30 chỉ tiêu) và vườn mẫu (5 nhóm tiêu chí và 19 chỉ tiêu).
Theo lãnh đạo Ban Xây dựng NTM tỉnh, hầu hết các tiêu chí trong xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu và vườn mẫu người dân đều tự thực hiện được, như: Xây dựng nhà ở đúng quy cách, quy hoạch và phát triển vườn, giữ gìn vệ sinh môi trường, quản lý nhà văn hoá, công trình thể thao của thôn hiệu quả, xanh hoá hàng rào... Song song với đó, UBND tỉnh cũng đã hoàn thiện xây dựng cơ chế hỗ trợ xây dựng các mô hình: Hỗ trợ 100 triệu đồng/khu dân cư kiểu mẫu; 20 triệu đồng/vườn mẫu. Đây chính là động lực khích lệ phong trào thi đua xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu tại các địa phương.
Đến thời điểm này, 100% địa phương trong tỉnh đều đã chỉ đạo xây dựng khu dân cư (thôn) NTM kiểu mẫu, vườn mẫu với tổng số đăng ký là 172 thôn và 535 vườn. Số lượng đăng ký này đã vượt so với dự kiến kế hoạch ban đầu là 100 thôn và 1.300 vườn. Không hình thức, không khẩu hiệu suông, tại một số địa phương triển khai các mô hình trên cho thấy sự vào cuộc rất tích cực từ chính quyền đến người dân, tạo sức lan toả lớn trong cộng đồng trong triển khai các mô hình này.
Các phong trào ra quân làm sạch đường làng, ngõ xóm, xây dựng khu dân cư xanh - sạch - đẹp và đảm bảo ANTT, hiến đất mở rộng đường vào khu xóm, cải tạo nhà ở và công trình phụ khang trang, đảm bảo vệ sinh... ở các địa phương ngày càng được người dân hưởng ứng, tham gia nhiệt tình, trách nhiệm, tạo ra không khí thi đua sôi nổi ở khu dân cư
Đến với huyện Đầm Hà, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng về cảnh quan, môi trường của vùng nông thôn. Thực hiện triển khai xây dựng thôn NTM kiểu mẫu và vườn kiểu mẫu, huyện Đầm Hà triển khai 10 thôn kiểu mẫu, 35 vườn mẫu. Đến thời điểm này có thể nói là các chỉ tiêu đưa ra đã được hoàn thành vượt mức. Những con đường bê tông thẳng tắp, hàng rào cây xanh mát, điện thắp sáng khắp đường làng ngõ xóm. Và cùng với đó là những khu vườn ổi, bưởi, táo trĩu quả cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ là bằng chứng sinh động và rõ nét nhất cho mô hình nông thôn mới kiểu mẫu ở Đầm Hà.
Trên cơ sở khảo sát thực tế tại một số địa phương đã được công nhận đạt chuẩn NTM của các tỉnh thành, Tổ công tác xây dựng tiêu chí NTM kiểu mẫu của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đề xuất tiêu chí xã NTM kiểu mẫu theo 2 hướng: Công nhận xã đạt NTM kiểu mẫu và công nhận xã đạt NTM kiểu mẫu về lĩnh vực. Theo đó, công nhận xã đạt NTM kiểu mẫu phải là xã đạt chuẩn NTM và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng 5 nhóm tiêu chí: Hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; giáo dục, y tế, văn hóa; cảnh quan môi trường và quốc phòng, an ninh, hành chính công. Trong đó có ít nhất 2 nhóm tiêu chí phải đạt tuyệt đối. Công nhận xã đạt NTM kiểu mẫu lĩnh vực phải là xã đã chuẩn NTM và toàn bộ các tiêu chí xã NTM phải được nâng cao hơn so với mức đạt chuẩn tại thời điểm xét, đánh giá xã NTM kiểu mẫu.
Cần phù hợp thực tiễn
Tại hội thảo về xây dựng nông mới được tổ chức mới đây, khi đánh giá về các mô hình NTM kiểu mẫu, nhiều ý kiến cho rằng, nếu xây dựng NTM kiểu mẫu thì cần phải có những tiêu chí chất lượng vượt bậc. Trong đó việc nâng cao đời sống kinh tế và hưởng thụ tinh thần của người dân phải là một tiêu chí bắt buộc; thu nhập bình quân đầu người, trình độ dân trí của xã, huyện NTM kiểu mẫu phải cao hơn so với những đơn vị đạt NTM.
Đồng tình với các ý kiến này, tuy nhiên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh việc xây dựng các tiêu chí NTM kiểu mẫu phải toàn diện, sát với tình hình thực tế, thể hiện được sự nổi bật và phù hợp với đặc thù của mỗi vùng miền. Cần quan tâm đến chất lượng môi trường sống cho người dân bằng việc nâng cao thu nhập cho người dân, chỉ tiêu chất lượng cuộc sống và đảm bảo an ninh trật tự… Xây dựng NTM kiểu mẫu cũng phải nhận được sự đồng thuận cao và đạt được sự hài lòng của người dân…
Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu cũng gặp không ít khó khăn, ngoài sự nỗ lực còn đòi hỏi sự sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của địa phương mình. Theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa – Quảng Ngãi) Phạm Văn Sơn thì xây dựng NTM được xem là rào cản lớn đối với xã Nghĩa Sơn, địa phương có hơn 98% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi, ngoài lợi thế về đất đai, việc xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu phải đảm bảo một số tiêu chuẩn về diện tích, thiết kế, cách bố trí và tổ chức sản xuất theo hướng vừa hiệu quả, vừa đảm bảo mỹ quan.
Xác định khó khăn, nên dù Ban Chỉ đạo Chương trình NTM tỉnh chưa ban hành và hướng dẫn các tiêu chí về vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, nhưng xã Nghĩa Sơn đã đi trước vận động, tuyên truyền người dân thay đổi thói quen, nếp nghĩ trong cách làm; mạnh dạn vay vốn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật để hình thành những khu vực sản xuất hiệu quả, thân thiện với môi trường; trồng các loại cây, cải tạo cảnh quan quanh nhà...Cách làm này đã giúp Nghĩa Sơn gìn giữ môi trường, đường sá luôn sạch đẹp.
Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm mà đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo và đồng thuận của chính quyền và địa phương vì một môi trường sống ở nông thôn tốt hơn, bền vững hơn, đáng sống hơn.
Theo Trường Giang/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;