Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2017, cả nước có 1,2 triệu đàn ong gồm các giống ong Ý và ong nội. Trong đó, số đàn ong nội khoảng 200 nghìn đàn, ong ngoại khoảng 1 triệu đàn. Số người nuôi ong khoảng 30 nghìn người, trong đó, có 6 nghìn người nuôi chuyên nghiệp. Do đặc thù của ngành ong phải di chuyển thường xuyên nên rất khó khăn cho công tác quản lý, đồng thời chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chăn nuôi ong, vì vậy, liên tục xảy ra những mâu thuẫn giữa người nuôi ong với nhau hoặc giữa người nuôi ong với những người xung quanh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá thực trạng ngành nuôi ong hiện nay ở nước ta, bàn về chất lượng và một số giải pháp nâng cao chất lượng mật ong. Hội thảo cũng bàn về nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học trong canh tác nông nghiệp bền vững nhằm hài hòa lợi ích của người nuôi ong và nông dân canh tác các loại cây trồng nông lâm nghiệp.
TS. Phạm Đức Hạnh - Giám đốc Trung tâm ong- Viện Chăn nuôi - nhận định, mặc dù ngành ong mật Việt Nam đã có những thành công nhất định nhưng vẫn còn một số hạn chế. Theo đó, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm chưa ổn định, tính cạnh tranh chưa cao. Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các hộ nuôi ong và khai thác mật còn lỏng lẻo; mật độ nuôi ong tại một số địa phương chưa hợp lý; khoảng cách các trại nuôi đặt quá dày dẫn đến tình trạng khai thác thiếu bền vững, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế nghề nuôi ong. Cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học về giống ong còn hạn chế, có nơi, người nuôi ong thường tự tạo ong chúa để thay thế cho những ong chúa già. Nhiều đơn vị còn mua giống trôi nổi không rõ nguồn gốc, gây pha tạp, tỷ lệ cận huyết cao. Quy trình kiểm soát chất lượng, quy trình khai thác, chế biến, bảo quản chưa chặt chẽ đã làm giảm chất lượng sản phẩm mật ong....
TS. Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện chăn nuôi – cho hay: Mặc dù, Việt Nam hiện đang đứng thứ 6 thế giới và thứ 2 châu Á về xuất khẩu mật ong, hàng năm Việt Nam sản xuất ra trên 55.000 tấn mật ong và hơn 1.000 tấn sáp ong, trong đó khoảng 85- 90% sản lượng mật của Việt Nam được xuất khẩu. Khác với sản phẩm nông nghiệp khác trong nước, thị trường tiêu thụ sản phẩm ong chủ yếu là Hoa Kỳ và các nước châu Âu, Nhật Bản. Đây là những thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng mật ong.
Năm 2014 Việt Nam đã xuất khẩu gần 50.000 tấn mật ong thu về 150 triệu USD. Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan xuất khẩu mật ong của Việt Nam đã giảm đáng kể cả về sản lượng và kim ngạch, gây khó khăn không nhỏ tới đời sống người nuôi ong và các doanh nghiệp xuất khẩu. Năm 2017 Việt Nam chỉ xuất khẩu được 39.000 tấn thu về gần 70 triệu USD.
Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, nguyên nhân chính là do số liệu thống kê thấp hơn nhiều so với số liệu mật ong xuất khẩu. Do vậy một số người và tổ chức cho rằng mật ong xuất khẩu từ Việt Nam chủ yếu của Trung Quốc. Mặt khác, một số hộ dân nuôi ong còn chạy theo lợi nhuận nên thời gian khai thác còn tùy tiện làm giảm chất lượng của mật ong.
Theo bà Trần Ngọc Lan- chuyên viên Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để ngành chăn nuôi ong mật phát triển bền vững, phát huy hết tiềm năng ngành ong, trong thời gian tới, ngành ong sẽ tuyển chọn, lai tạo sản xuất giống ong chất lượng cao, mặt khác sẽ đầu tư kinh phí nhập giống ong mới để nâng cao chất lượng giống ong ngoại. Bên cạnh đó, ngành sẽ xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm ong tiến tới tương đương với bộ tiêu chuẩn của EU, giám sát chặt chẽ hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm. Những vùng có thương hiệu mật ong cần xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng tiêu chuẩn, qui chuẩn địa phương để quản lý nuôi ong. Đồng thời, cần xây dựng các tổ, đội, hợp tác xã nuôi ong, liên kết thành chuỗi hàng hóa, để ổn định cung - cầu, đảm bảo an toàn thực thẩm.
TS Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi – nhấn mạnh: Thông qua hội thảo lần này, các ý kiến đóng góp quan trọng của các chuyên gia, các DN sẽ góp phần cải thiện khả năng cạnh tranh và nâng cao chất lượng mật ong Việt Nam trong tương lai, qua đó hướng tới một ngành nuôi ong bền vững, trung thực và hai hòa lợi ích, thân thiện môi trường. |
Nguyễn Hạnh/congthuong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã