Học tập đạo đức HCM

Nặng lo tiêu chí thu nhập

Thứ năm - 03/08/2017 03:17
Theo Quyết định 1980 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016- 2020, trong đó quy định thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 đối với các tỉnh ĐBSCL là từ 50 triệu đồng/người/năm trở lên.

Đây được xem là tiêu chí khó và chưa bền vững đối với nhiều địa phương, nhất là các xã thuần nông.

Công việc lựa khoai giúp cho nhiều lao động có việc làm với thu nhập ổn định.
Công việc lựa khoai giúp cho nhiều lao động có việc làm với thu nhập ổn định.

Thu nhập vẫn còn thấp

Năm 2016, để xây NTM đạt tiêu chí thu nhập, thì thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 34 triệu đồng là đã “cán mốc” về đích. Đến năm 2017 phải đạt 37 triệu đồng.

Những năm tiếp theo, sẽ tiếp tục tăng thêm 4- 5 triệu đồng để đến năm 2020 đạt 50 triệu đồng/người/năm.

Để nâng cao thu nhập bình quân đầu người theo đúng lộ trình hàng năm là thách thức lớn đối với nhiều địa phương, đặc biệt là các xã thuần nông- thu nhập chủ yếu dựa vào nông nghiệp, còn chịu ảnh hưởng thời tiết bất thường, dịch bệnh, giá cả đầu ra không ổn định...

Thống kê đến cuối năm 2016, thu nhập bình quân đầu người/năm của xã Tân Hạnh (Long Hồ) chỉ đạt 28,5 triệu đồng.

Trong khi đó, các xã điểm chỉ “nhỉnh” hơn một chút như: Phú Đức (Long Hồ) 29,5 triệu đồng; Hòa Hiệp (Tam Bình) 30 triệu đồng; Trung An (Vũng Liêm) 31,4 triệu đồng; Đông Bình (TX Bình Minh) 34,5 triệu đồng.

Như vậy, các xã trên cần giúp người dân tăng thêm thu nhập từ 2,5- 8,5 triệu đồng/người mới “cán mốc” chỉ tiêu năm 2017.

Đây là con số không nhỏ, đòi hỏi phải có giải pháp đột phá để đáp ứng yêu cầu không ngừng nâng cao đời sống người dân nông thôn.

Điểm qua một số xã nợ tiêu chí và đã đón bằng đạt chuẩn NTM trong 6 tháng đầu năm nay, cũng theo thống kê năm 2016, xã Tân Lược (Bình Tân) vừa “cán mốc” hơn 34,1 triệu đồng; Tân An Luông (Vũng Liêm) 34,2 triệu đồng; Mỹ Hòa (TX Bình Minh) hơn 34,9 triệu đồng.

Riêng xã Hậu Lộc (Tam Bình) đạt cao nhất gần 37,2 triệu đồng, vượt 200.000đ so yêu cầu năm 2017.

Tuy nhiên, theo lộ trình những năm tiếp theo, các xã vẫn phải nỗ lực rất nhiều để nâng chất tiêu chí thu nhập và giữ vững danh hiệu cho mình.

Giải pháp nâng cao thu nhập

Cuối quý II/2017, thu nhập bình quân đầu người/năm của xã Mỹ Phước (Mang Thít) đạt khoảng 35,5 triệu đồng.

Theo quy định đến quý II/2017, thu nhập bình quân đầu người/năm đối với các xã NTM từ 35 triệu đồng trở lên, Cục Thống kê tỉnh đã thẩm định công nhận xã Thuận An (TX Bình Minh) đạt 56,97 triệu đồng/người/năm- cao nhất tỉnh; xã Phước Hậu (Long Hồ) đạt gần 35,7 triệu đồng; xã Trung Hiệp (Vũng Liêm) gần 35,4 triệu đồng.

Ông Hồ Phước Dư- Chủ tịch UBND xã, Trưởng BCĐ Xây dựng NTM xã cho biết: Xã đang tập trung nâng chất các mô hình hiện có; đồng thời vận động liên kết xây dựng mô hình mới như: trồng gấc, nuôi vịt siêu thịt, gà lông màu, cá bông lau, tôm càng xanh. 

Do đặc điểm của xã là người dân không “bám” nông nghiệp nhiều vì thiếu bền vững, trong khi dân số tăng mà diện tích đất không tăng cũng đang là “bài toán” đặt ra đối với địa phương vì nếu chỉ tập trung làm nông nghiệp thì rất khó đạt tiêu chí thu nhập.

“Bình quân một người làm công ở lĩnh vực công nghiệp cũng có thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm. Do đó, xã đang tập trung phối hợp với các ngành có liên quan định hướng tạo việc làm và nâng chất mô hình xuất khẩu lao động.

Hiện, có công ty đang đầu tư ở địa phương sẽ thu hút công nhân, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập”- ông Hồ Phước Dư cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Mễ- Bí thư Đảng ủy xã Đông Bình, Trưởng BCĐ Xây dựng NTM xã, hiện xã đang vận động nhân dân chuyển đổi sản xuất, khuyến khích phát triển nghề truyền thống; xây dựng các mô hình giải quyết lao động nhàn rỗi;

nhân rộng những mô hình có hiệu quả; không sạ lúa trái vụ để tránh mất mùa, tích cực đưa cây màu xuống ruộng, trồng lúa nếp, cải tạo vườn tạp; thành lập các tổ hợp tác thanh long ruột đỏ, cốm dẹp; đồng thời, chuyển đổi từ nông nghiệp sang làm các ngành nghề thương mại, dịch vụ khác, nhất là vận động người dân 4 ấp lân cận sang mua bán tại chợ Đông Bình vì mua bán mới có thu nhập cao.

Bí thư Thị ủy Bình Minh, Trưởng BCĐ Xây dựng NTM thị xã- Nguyễn Hiếu Nghĩa cho biết: Địa phương đang cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng giảm diện tích trồng lúa sang trồng màu và cây lâu năm.

Theo đó, mỗi xã sẽ xây dựng đặc trưng riêng như: Mỹ Hòa tập trung cho cây trồng chủ lực là bưởi Năm Roi, Thuận An trồng xà lách xoong, rau diếp cá; các xã còn lại trồng cam sành và thanh long ruột đỏ.

Theo đó, Thị ủy xuất ngân sách hỗ trợ giống và kỹ thuật để giúp người dân chuyển đổi hoặc cho thuê đất để chuyển đổi.

Đồng thời thành lập các HTX theo hướng xây dựng mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực. Thị ủy cũng đã xây dựng kế hoạch phối hợp đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động và phát triển các làng nghề nhằm tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn và nâng cao thu nhập.

Qua khảo sát thực tế tại một số xã đăng ký về đích NTM năm nay, ông Nguyễn Văn Quang- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM và đô thị văn minh tỉnh- nhận định: Tiêu chí thu nhập là một trong những tiêu chí rất quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn.

Đối với các xã thuần nông, nếu chỉ tập trung làm lúa 3 vụ thì rất khó để nâng cao thu nhập. Do đó, cần chuyển sang trồng lúa chất lượng cao, trồng 2 lúa- 1 màu hoặc 1 lúa- 2 màu.

Đồng thời, cần có những giải pháp tích cực để chuyển đổi ngành nghề, mở rộng sản xuất tiểu thủ công nghiệp, giới thiệu việc làm tại các khu, tuyến công nghiệp... nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập theo lộ trình đề ra.

Đồng chí Trần Minh Cảnh- Bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa Phước (Long Hồ), Trưởng BCĐ Xây dựng NTM xã: Qua hơn 4 năm cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xã đã vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, hỗ trợ giống cây trồng có giá trị kinh tế cao để nhân dân chuyển đổi; cùng với đó là sự vươn lên của người dân trong tăng gia sản xuất, bố trí lao động phù hợp, chuyển sang làm công nhân, gia công... Qua đó đã góp phần sử dụng có hiệu quả thời gian nông nhàn, nâng cao thu nhập. Hiện, cả 6/6 ấp đều có tổ hợp tác chăn nuôi dê cho hiệu quả cao. Bên cạnh, xã còn có các điểm du lịch đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, dự kiến đến cuối năm nay thu nhập bình quân đầu người có thể đạt hơn 37 triệu đồng/người/năm.

Theo Baovinhlong.com

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập409
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại865,648
  • Tổng lượt truy cập92,039,377
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây