CÒN NHIỀU RÀO CẢN
Được kỳ vọng góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tạo ra các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, nhưng hiện kinh tế trang tại (KTTT) trên địa bàn tỉnh phát triển khá manh mún.
Ông Đoàn Văn Ba (khu 8, thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ) cho biết: Hiện gia đình ông có 6,6ha đất lâm nghiệp, trồng 5.000 gốc cam, 400 gốc vải, nhãn và cây ăn quả khác, mỗi năm doanh thu khoảng 3 tỷ đồng. Hoàn toàn đáp ứng tiêu chí xác định KTTT được quy định tại Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT. Nhưng 3 năm nay việc xin cấp giấy chứng nhận KTTT của gia đình ông vẫn không được cấp có thẩm quyền xem xét.
Đến hết năm 2016, cả tỉnh mới có 435 trang trại được cấp giấy chứng nhận KTTT theo tiêu chí mới (tăng 86 trang trại so với năm 2015). KTTT phát triển không đồng đều giữa các địa phương và loại hình sản xuất. Ngoài 3 địa phương có số lượng nhỉnh hơn là huyện Đầm Hà (110 trang trại), TX Đông Triều (97 trang trại), huyện Tiên Yên (60 trang trại), các địa phương còn lại, tỷ lệ trang trại được cấp giấy rất thấp, dao động (từ 10-20 trang trại): Huyện Bình Liêu chỉ có 1, TP Cẩm Phả có 2, Ba Chẽ có 9, Vân Đồn có 11, Hoành Bồ có 15, cá biệt là huyện Cô Tô chưa có trang trại nào. Nếu so sánh con số trên với năm 2013, các địa phương này dường như “dậm chân tại chỗ” trong việc cấp giấy chứng nhận KTTT. |
Ông Phạm Hồng Hải, Phó Phòng NN&PTNT huyện Hoành Bồ, giải đáp vướng mắc về vấn đề này: Nếu xét về tiêu chí quy định tại Thông tư 27 thì ông Ba đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận KTTT. Tuy nhiên, diện tích 6,6ha của ông Ba là đất lâm nghiệp, nếu chứng nhận KTTT cho loại hình trồng trọt thì sẽ sai về mặt quản lý đất đai.
Những vướng mắc như trường hợp của ông Ba hiện rất phổ biến trên địa bàn toàn tỉnh. Ông Ba cho rằng, nếu các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt và có sự hướng dẫn rõ ràng thì việc xin cấp giấy chứng nhận KTTT của gia đình ông sẽ không bị kéo dài nhiều năm như vậy. Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều hộ dân, hiện phần lớn các hộ phải dồn điền đổi thửa, mua bán, thuê mướn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của nhiều chủ khác nhau với nhiều loại đất khác nhau để có quỹ đất đủ lớn theo quy định. Thế nhưng, do có quá nhiều giao dịch, trao đổi nên đa số các chủ trang trại gặp khó khăn ở việc xác nhận, chứng nhận và cấp sổ đỏ sau mua bán. Chưa kể việc cấp GCNQSDĐ chậm cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ cấp giấy chứng nhận KTTT. Một số địa phương như Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, tỷ lệ cấp GCNQSDĐ ở các xã vẫn thấp, mới đạt 30-50%.
Bà Nguyễn Thị Loan (thôn 5, xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái), kiến nghị: Việc cấp giấy chứng nhận KTTT đối với nông dân có ý nghĩa như một tờ giấy “thông hành” để chủ trang trại được hưởng các chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước cũng như thuận lợi trong việc tiếp cận với vốn tín dụng của ngân hàng. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các tiêu chí cho phù hợp với điều kiện tỉnh miền núi. Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, hướng dẫn, thẩm định và vào cuộc một cách tích cực trước những vướng mắc của bà con.
KHÓ VỀ VỐN VÀ ĐẦU RA NÔNG SẢN
Một trong những điều kiện quan trọng giúp người dân mở rộng phát triển sản xuất là vốn tín dụng. Tháng 5-2015, Chính phủ ban hành Nghị định 55 với nhiều thay đổi mang tính đột phá về hạn mức, đối tượng cho vay. Đơn cử như mức cho vay không có tài sản đảm bảo đã tăng gấp 1,5-2 lần so với Nghị định 41/NĐ-CP và bổ sung 2 nhóm đối tượng được vay vốn không có tài sản đảm bảo (HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản). Nghị định 55 được hy vọng có thể đem lại “cú hích” quan trọng cho tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, chính sách này vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Đến hết năm 2016, dư nợ cho vay HTX, liên hiệp HTX chỉ đạt 9,5 tỷ đồng, chiếm 0,12% tổng dư nợ. Nhiều hộ nông dân chưa tiếp cận được nguồn tín dụng này, thậm chí không biết đến Nghị định 55. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do công tác tuyên truyền, tập huấn các chế độ chính sách cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa được triển khai sâu rộng ở cơ sở; một số tổ chức tín dụng chưa thực sự quan tâm đến việc hướng dẫn về quy trình, thủ tục cho vay theo hướng rõ ràng, minh bạch, đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn vay. Các khó khăn về đất đai, cấp GCNQSDĐ và xác định giá trị tài sản trên đất quá thấp so với thực tế vẫn đang là những rào cản của người nông dân.
Không chỉ khó khăn trong tiếp cận vốn, việc tìm đầu ra ổn định cho nông sản cũng là mong mỏi lớn nhất hiện nay của nông dân. Ông Phan Quốc Hưng, Giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ nấm linh chi (thôn Xóm Giáo, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà), cho biết: Với 2.000m2 nhà xưởng, các thiết bị và nguyên liệu trồng nấm, gia đình ông đầu tư gần 1 tỷ đồng cho sản xuất nấm linh chi. Hiện sản phẩm đã được lựa chọn tham gia OCOP, được cấp chứng nhận chất lượng, mã số, mã vạch, được Bộ Y tế chứng nhận đảm bảo VSATTP. Tuy nhiên, tiêu thụ sản phẩm chỉ thuận lợi trong 2 năm đầu. Từ năm 2016 đến nay, các tư thương đã ngừng lấy hàng do việc sản xuất ồ ạt trong dân, gia đình ông hiện tồn hơn 1 tấn nấm linh chi chưa tiêu thụ được. Thời điểm này, gia đình ông buộc phải dừng sản xuất và có nguy cơ đối mặt với thua lỗ do chưa thu hồi được hết vốn.
Có thể thấy, với sự yếu thế trong liên kết, khả năng kết nối thị trường nên nông dân thường phải chịu thua thiệt. Bà Nguyễn Thị Hoàn, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Song Hành (TX Quảng Yên), cho rằng: Làm nông nghiệp không khó, nhưng tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tại Quảng Ninh thì quá khó. Hiện sản phẩm rau an toàn của Công ty đã đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất về VSATTP, nhưng chủ yếu cung ứng cho các bếp ăn, siêu thị lớn ở Hà Nội và Hải Phòng. Còn các đơn vị ngành Than, trường học, bệnh viện trên địa bàn tỉnh thì Công ty không thể tiếp cận được.
Trong thời gian qua, nông nghiệp tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, đời sống, thu nhập của nông dân vẫn bấp bênh. Để tháo gỡ những vướng mắc này, vai trò định hướng, hỗ trợ của các cơ quan chức năng và địa phương từ sản xuất, chế biến, tìm thị trường đến tiếp cận vốn vay phải được nêu cao hơn nữa. Hằng năm, việc kết nối tiêu thụ nông sản phải được đánh giá một cách cụ thể, chỉ rõ những hạn chế ở từng đơn vị; các chính sách hỗ trợ vay vốn trong nông nghiệp, nông thôn phải được đưa về tận cơ sở; những vướng mắc của người dân xung quanh việc cấp GCNQSDĐ, chứng nhận KTTT phải được kịp thời giải quyết... Có như vậy thì bức tranh nông nghiệp, nông thôn, nông dân của tỉnh mới có bước phát triển thực sự về chất.
Hoàng Nga/baoquangninh.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;