Nhiều mối lo
Khẳng định ngành Nông nghiệp là trụ đỡ cho nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội vẫn tỏ ý quan ngại với các bất cập trong ngành, đặc biệt là về chất lượng vật tư nông nghiệp, con giống và chất lượng nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp.
Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Cà Mau) nêu vấn đề ĐBSCL có đến 70% diện tích phục vụ nuôi trồng thuỷ sản, trong đó một lượng lớn nuôi trồng thủy sản xuất khẩu. Tuy nhiên, tại vùng này chỉ có 1 viện nghiên cứu nhỏ nên khó thu hút nhân lực và những đề tài nghiên cứu tương xứng với hiệu quả của nuôi trồng thuỷ sản mang lại.
Đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) lại băn khoăn về vấn đề chất lượng vật tư nông nghiệp hiện bị “thả nổi”, nhiều nơi xuất hiện giống giả, thuốc bảo vệ thực vật giả… khiến nông dân "lãnh đủ".
Mặt khác, theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), việc doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận khi bán vật tư nông nghiệp kém chất lượng còn làm mất lòng tin của người nông dân với các sản phẩm chân chính, có hàm lượng khoa học cao. Những việc làm này vô hình trung sẽ dần phá vỡ mối liên kết “3 nhà” khi nông dân không còn tin nhà khoa học và doanh nghiệp.
Nhìn nhận ở một góc độ khác về chất lượng phát triển nông nghiệp và nông thôn hiện nay, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nêu lên các nguyên lý về phát triển nông nghiệp trong thời gian qua. Những nguyên lý dựa vào sức người, sức đất để giúp Việt Nam từ nước đói ăn thành đủ ăn và nay đã là nước xuất khẩu có nhiều mặt hàng nông sản đứng đầu thế giới.
Theo bà Bùi Thị An, việc nghiên cứu những nguyên lý này dưới góc độ khoa học xã hội sẽ giúp ngành Nông nghiệp nắm được xu hướng hoặc quy luật để có thể ứng dụng trong việc tái cơ cấu sắp tới cũng như việc đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp như thế nào để có hiệu quả cao nhất.
Nâng cao chất lượng toàn ngành
Ghi nhận ý kiến và các câu hỏi xoay quanh vấn đề kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định trước đây nền nông nghiệp Việt Nam chỉ đi theo chiều rộng. Nhưng đã đến lúc phải phát triển chiều sâu, đó là chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. “Đã đến lúc chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng để nông dân, doanh nghiệp và đất nước sẽ có lợi hơn trên từng đồng vốn”, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Về việc chỉ có 1 cơ sở nghiên cứu nông nghiệp tại ĐBSCL, Bộ trưởng Phát chia sẻ: “Vấn đề không phải có bao nhiêu viện nghiên cứu mà là năng lực các viện này như thế nào”. Quan điểm của Bộ NNPTNT là không phát triển nhiều viện nghiên cứu mà cần nâng cao năng lực các viện hiện có. Cùng với đó, hiện Bộ đang đẩy mạnh các cơ chế huy động nguồn lực nghiên cứu KHKT trên cả nước để cùng tập trung nghiên cứu cho thuỷ sản của vùng “đất vàng” này.
Về vật tư nông nghiệp kém chất lượng, mặc dù đã có văn bản hướng dẫn và phân cấp trách nhiệm quản lý giữa các ngành, các địa phương, nhưng Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của Bộ NNPTNT và đứng đầu là Bộ trưởng.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đang được hoàn thiện tới từng lĩnh vực, từng địa phương theo hướng nâng cao chất lượng, tạo thế cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp. Việt Nam được đánh giá là còn nhiều dư địa để phát triển nông nghiệp, nhưng đã đến lúc khoa học công nghệ phải giữ vai trò then chốt để nâng cao chất lượng và hiệu quả của nông sản.
Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp dựa vào hộ gia đình là chính. Mô hình kinh tế này đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Trong thời gian tới, chúng ta cần tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định và phân phối chuỗi sản xuất công bằng hơn.
Theo VGP |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;