Học tập đạo đức HCM

Phát triển mô hình tổ, đội tàu liên kết khai thác xa bờ khu vực miền Trung: Hiệu quả nhiều mặt

Thứ sáu - 26/08/2016 09:14
Trong bối cảnh nghề khai thác thủy sản xa bờ ngày càng khó khăn do thiên tai và tranh chấp trên biển thì việc phát triển các mô hình tổ, đội tàu liên kết là rất cần thiết để đáp ứng hai mục tiêu: khai thác hiệu quả kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Nghề biển: Đã khó càng thêm khó

Theo báo cáo tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề: “Phát triển các mô hình tổ, đội tàu liên kết khai thác xa bờ khu vực miền Trung” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Quảng Nam, tính đến cuối năm 2015, cả nước có khoảng 3.800 tổ ngư dân đoàn kết trên biển với 21.400 tàu cá và 135.809 lao động. Số lượng tổ hợp tác đã tăng thêm trên 2.000 tổ. Riêng vùng duyên hải Nam Trung Bộ có nghề cá phát triển với đa dạng nghề nghiệp, số lượng tàu thuyền trên 31.800 chiếc, chiếm gần 24,8% số lượng tàu thuyền của cả nước. Đây là nơi hình thành và phát triển nghề khai thác cá biển đầu tiên của cả nước, ngư dân có truyền thống đi biển lâu đời. Không chỉ khai thác tại các ngư trường truyền thống, bà con còn vươn tới những vùng ngư trường xa như vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan và vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Tuy nhiên, nghề khai thác xa bờ đang gặp nhiều khó khăn do thiên tai, do tranh chấp trên biển, việc tiêu thụ sản phẩm khai thác phụ thuộc nhiều vào thương lái. Ông Trương Công Bảy, Chủ tịch Hội Nghề cá xã Bình Minh (Thăng Bình - Quảng Nam), cho biết, việc phát triển mô hình tổ đội giúp ngư dân yên tâm bám biển dài ngày, có thể nương tựa, giúp đỡ nhau trong quá trình đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm. “Trên thực tế, sau khi Hội đồng Trọng tài của Tòa Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, tàu ngư dân ra vùng biển Hoàng Sa thường bị Trung Quốc ngăn cản, xua đuổi với mật độ dày hơn. Nếu các tàu hoạt động đơn lẻ, rủi ro sẽ tăng lên”, ông Bảy nói.

Có một thực tế là, chưa bao giờ giá trị kinh tế trong khai thác hải sản lại eo hẹp như thời điểm này, sự “bắt tay” của các đầu nậu, tư thương ở khắp dải ven biển miền Trung đã khiến cho đầu ra của hải sản ngày càng teo tóp. Nhiều chuyến biển sản xuất đạt năng suất cao nhưng không đem lại lợi nhuận đáng kể cho ngư dân do khâu tiêu thụ gặp khó khăn.

Điểm yếu cố hữu của nghề biển miền Trung là ngư dân mới chỉ quan tâm đầu tư lớn về năng lực khai thác mà chưa trang bị những thiết bị cần thiết cho việc bảo quản sản phẩm. Đơn cử như tại Quảng Nam, trong tổng số 4.289 phương tiện khai thác hải sản, có 585 tàu cá sản xuất xa bờ nhưng mới chỉ có 15 tàu cá có trang bị hầm bảo quản hải sản bằng công nghệ mới; đến nay, tỉnh vẫn chưa được đầu tư khu hậu cần nghề cá quy mô.

Liên kết để tăng sức mạnh

Trong khai thác thủy sản có nhiều rủi ro, ngoài thiên tai bất ngờ ập đến thì có nhân tai. Chính vì vậy, việc hình thành các tổ đội đoàn kết trên biển là hết sức cần thiết. Bà con tương trợ giúp nhau lúc gặp hoạn nạn, đặc biệt là quá trình an ninh trên biển phức tạp như tàu nước ngoài đâm chìm, cướp hải sản… Ngư dân đi đông thì tàu nước ngoài cũng sợ, không dám xâm phạm.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc TT Khuyến nông Quốc gia

Theo ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, từ thực tế khó khăn của nghề khai thác thủy sản, việc hình thành các tổ đội liên kết là một đòi hỏi cấp thiết để tăng thêm sức mạnh cho ngư dân. “Trong khai thác thủy sản có nhiều rủi ro, ngoài thiên tai bất ngờ ập đến thì có nhân tai. Chính vì vậy, việc hình thành các tổ đội đoàn kết trên biển là hết sức cần thiết. Bà con tương trợ giúp nhau lúc gặp hoạn nạn, đặc biệt là quá trình an ninh trên biển phức tạp như tàu nước ngoài đâm chìm, cướp hải sản… Ngư dân đi đông thì tàu nước ngoài cũng sợ, không dám xâm phạm”, ông Tiêu nói.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, đánh giá, việc hình thành tổ đội đoàn kết đã tạo ra một liên kết ngang trong chuỗi giá trị của sản phẩm hải sản khai thác xa bờ nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả, an toàn khi hoạt động trên biển. “Các tàu cá tham gia tổ, đội khai thác hải sản đã đạt hiệu quả cao hơn, sản lượng tăng lên, có tàu tăng 1,2 - 1,5 lần so với khi chưa vào tổ, bởi bám biển được dài ngày, thời gian đánh bắt tăng, chi phí cho chuyến biển giảm. Các tổ, đội khai thác đã chủ động và làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tàu cá trong tổ, đội bị sự cố, tai nạn trên biển. Nhiều tổ, đội đã tổ chức đóng góp xây dựng quỹ để tạo kinh phí cho các hoạt động tương trợ, giúp đỡ nhau của các thành viên trong tổ mình”, ông Thắng bày tỏ.

Ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam, nhận định, việc hình thành các tổ đội liên kết tương tự như mô hình tàu cung ứng hậu cần trên biển. Khi một tàu trong tổ đội vào đất liền bán hải sản sẽ nhanh gọn, đầu ra đảm bảo vì cá, mực được bảo quản tốt. Cùng với đó, tàu này mua ngay dầu, nước đá và mọi vật dụng khác ra cung ứng cho các tàu trong tổ đang đánh bắt, nhờ đó tiết kiệm được khoản chi phí không nhỏ, giúp ngư dân tăng thời gian bám biển, giảm chi phí đầu vào và tạo sự ổn định cho đầu ra của sản phẩm.

Hiệu quả đã rõ nhưng hiện nay, mô hình tổ đội liên kết trên biển vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong khâu vận hành. Thông tin liên lạc 2 chiều giữa tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển và cơ quan quản lý nhà nước chưa thường xuyên, gây khó khăn trong việc thông báo diễn biến tình hình thời tiết, phối hợp tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Một số tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển được thành lập nhưng hoạt động chưa đúng theo quy ước do ngư dân vẫn còn tư tưởng dấu ngư trường, không thông báo tọa độ với ngành chức năng. Sự kết nối, liên lạc giữa tổ, đội đoàn kết sản xuất này với tổ, đội đoàn kết sản xuất khác nhiều khi rời rạc, hình thức, khiến cho việc cứu hộ, cứu nạn trên biển gặp không ít khó khăn. “Nhận thức của một bộ phận ngư dân về tầm quan trọng của mô hình đoàn kết còn hạn chế. Một số địa phương cũng chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Các điểm yếu đó cần được giải quyết kịp thời để phát huy tối đa vai trò của mô hình trong thời gian tới”, ông Tiêu nói.

Ông Đỗ Văn Tiến, Đội tàu đoàn kết C10 xã Duy Vinh, Duy Xuyên (Quảng Nam), cho biết: “Hiện nay, phần lớn ngư dân tham gia các tổ đội liên kết trên tinh thần tự giác chứ chưa có ràng buộc cũng như sự hỗ trợ của Nhà nước. Ngư dân khá vất vả trong việc sản xuất trên biển nên rất cần sự đồng hành của các ngành chức năng. Để làm được việc đó, thiết nghĩ, ngành thủy sản sớm tham mưu UBND tỉnh, Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ kịp thời để mô hình đoàn kết sản xuất đi vào chiều sâu, cần cụ thể hóa quyền lợi và nghĩa vụ trong việc tham gia tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để các chủ tàu, ngư dân có trách nhiệm hơn”.

Khai thác gắn với bảo vệ chủ quyền

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT), vấn đề cốt lõi hiện nay của nghề cá là làm giàu từ biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Do đó, trong thời gian tới, ngành thủy sản từ Trung ương đến địa phương cũng như chính quyền các tỉnh, thành ven biển cần tạo điều kiện để ngư dân liên kết sản xuất. Các nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng, ngư dân và nhà quản lý phải vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp chặt chẽ. Khi chuỗi giá trị từ việc khai thác hiệu quả cho đến bảo quản tốt sản phẩm và cung ứng hải sản ra thị trường đảm bảo thì nghề cá sẽ phát triển bền vững, tạo động lực lớn cho ngư dân trong quá trình bám biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền. “Chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển giao, hỗ trợ các địa phương ứng dụng các công nghệ sản xuất mới như lưới vây bằng dệt không gút; chà rạo có thiết bị vệ tinh đánh bắt cá ngừ; sử dụng lồng bẫy để khai thác hải sản tầng đáy như bạch tuộc, tôm hùm và hệ thống ánh sáng phù hợp hơn cho nghề lưới vây. Các tỉnh, thành ven biển miền Trung cần xây dựng cơ chế, gắn kết với chúng tôi để triển khai hiệu quả, tạo cú hích cho việc phát triển nghề cá”, ông Tuấn khẳng định.

Ông Nguyễn Việt Thắng cho biết, hội sẽ tập hợp tiếng nói của ngư dân để có những kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Sắp tới, hội đề xuất hỗ trợ chi phí cho bà con để tăng tính tương trợ, hỗ trợ nhau, bảo đảm có hiệu quả kinh tế, hiện diện trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

“Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tập trung xây dựng mô hình ứng dụng máy dò ngang sonar để nâng cao hiệu quả đối với tàu đánh bắt xa bờ; xây dựng mô hình hầm bảo quản để bảo vệ sản phẩm đánh bắt được nhằm giảm tỷ lệ hao hụt, bán được giá cao hơn. Hầm bảo quản PU foam có tính năng giữ nhiệt tốt nên lượng đá tiêu hao ít, đã tăng thời gian bám biển. Qua kết quả các mô hình triển khai năm 2015, các chủ hộ mô hình cho biết, lượng đá mang theo đã giảm 50% so với khi chưa có hầm bằng PU. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới để tăng hiệu quả đánh bắt cho ngư dân”, ông Kim Văn Tiêu nói.

Thời gian tới, ngành thủy sản từ Trung ương đến địa phương cũng như chính quyền các tỉnh, thành ven biển cần tạo điều kiện để ngư dân liên kết sản xuất. Các nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng, ngư dân và nhà quản lý phải vào cuộc mạnh mẽ, phối hợp chặt chẽ. Khi chuỗi giá trị từ việc khai thác hiệu quả cho đến bảo quản tốt sản phẩm và cung ứng hải sản ra thị trường đảm bảo thì nghề cá sẽ phát triển bền vững, tạo động lực lớn cho ngư dân trong quá trình bám biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản)

Theo Khánh Nguyên/kinhtenongthon.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập213
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm212
  • Hôm nay20,486
  • Tháng hiện tại201,890
  • Tổng lượt truy cập92,579,554
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây