Nhiều điểm sáng trong DĐĐT
Báo cáo việc triển khai thực hiện Chương trình số 02-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, XDNTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015" trên địa bàn một số xã của huyện Phúc Thọ cho thấy sự nỗ lực của các địa phương trong công tác DĐĐT.
Ở Hát Môn, có 1.900 hộ thực hiện DĐĐT ở 10 cụm dân cư với tổng diện tích trên 180ha. Kết thúc năm 2012, cụm 2 và cụm 9 dồn xong cả vùng đồng và vùng bãi với diện tích 15,16ha. Năm 2013, các cụm dân cư tiếp tục tổ chức họp dân thông báo về quy hoạch góp đất làm giao thông thuỷ lợi, lên sơ đồ ghép ruộng.
Theo lãnh đạo xã Hát Môn, DĐĐT là khâu đột phá, quan trọng trong thực hiện chương trình XDNTM nhằm cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển nên cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc, đặc biệt là nhân dân đồng thuận ủng hộ. Đây là yếu tố quan trọng và cần thiết, là điều kiện thuận lợi để xã Hát Môn hoàn thành công tác DĐĐT và XDNTM. Hiện, xã đã đạt và cơ bản đạt 7 tiêu chí NTM.
Thực hiện chủ trương DĐĐT, năm 2012, xã Võng Xuyên triển khai ở 4/12 cụm dân cư (2, 5, 9 và 8b). Đến nay, việc dồn đổi từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn cơ bản hoàn thành. Theo Bí thư Đảng ủy xã Đoàn Văn Ngọc: Sau khi bàn bạc công khai, dân chủ, nhân dân đồng thuận cao, cụm 5 tổ chức gắp phiếu giao ruộng cho dân. Để tạo sự công bằng, xã quán triệt thực hiện hai lần gắp phiếu; lần một chọn số thứ tự, lần hai xác định thửa đất.
Tại Vân Nam, theo báo cáo của UBND xã, thời gian qua, xã đã nghiêm túc thực hiện các chỉ thị, quyết định của UBND huyện về công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tổ chức kiện toàn ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm nên trên địa bàn không để xảy ra dịch bệnh.
Triển khai XDNTM, đến nay, Vân Nam đã đạt và cơ bản đạt 5 tiêu chí NTM (quy hoạch, bưu điện, nhà ở, hệ thống chính trị, an ninh trật tự). Đường giao thông thôn, xóm đã thực hiện 54 tuyến, chiều dài 3,8km và hoàn thành 60% khối lượng, phấn đấu 6 tháng cuối năm 2013 cơ bản hoàn thành kiên cố hóa đường giao thông xóm.
Ông Phùng Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, với 64% diện tích đất canh tác trên tổng diện tích đất tự nhiên, năm 2013, huyện đặt mục tiêu DĐĐT hơn 3.100ha đất nông nghiệp, làm tiền đề XDNTM.
Với khối lượng công việc thực hiện khá lớn trong năm thì đây là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và nhân dân hưởng ứng, tự giác tham gia tích cực. Để tránh trình trạng chủ quan, tập trung DĐĐT vào cùng thời điểm cuối năm, dẫn tới gặp nhiều khó khăn và áp lực công việc trong quá trình tổ chức thực hiện, UBND huyện chỉ đạo: Sau thu hoạch vụ xuân 2013, nơi có điều kiện thuận lợi thực hiện dồn đổi ruộng đất; sau thu hoạch vụ mùa, tập trung DĐĐT ở những diện tích không sản xuất cây vụ đông; sau thu hoạch vụ đông, hoàn thành nốt diện tích còn lại.
Hiện, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đang tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu rõ lợi ích của DĐĐT; cùng với đó công khai các chính sách hỗ trợ, hoàn thiện sơ đồ hệ thống giao thông thuỷ lợi nội đồng ở các thôn, cụm dân cư và xây dựng phương án giao ruộng để tổ chức họp lấy ý kiến bổ sung hoàn chỉnh; lập các dự án thành phần theo thứ tự ưu tiên về đào đắp giao thông thuỷ lợi nội đồng, kiên cố hoá kênh mương.
Ông Tuấn cho biết thêm, năm 2012, Phúc Thọ có 19 xã đăng ký DĐĐT. 14 xã đã thực hiện giao ruộng cho 4.736 hộ với diện tích 557ha, đạt 53% kế hoạch của huyện và đạt 111% kế hoạch thành phố giao. Qua đó, giảm từ 5,8 thửa/hộ xuống còn 1,59 thửa/hộ. Các xã đã lập, phê duyệt và tổ chức thi công 39 dự án đào đắp giao thông thuỷ lợi nội đồng phục vụ công tác DĐĐT, với tổng mức đầu tư hơn 58 tỷ đồng, trong đó kinh phí đào đắp gần 32,4 tỷ đồng.
"Đả thông" nhận thức để XDNTM
Năm năm qua, triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Chương trình 02 của Thành uỷ Hà Nội, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Phúc Thọ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Nếu như năm 2012, tốc độ tăng trưởng kinh tế là 7,2% (công nghiệp tăng 2%, dịch vụ tăng 1,2%, nông nghiệp giảm 3,2%) thì 6 tháng đầu năm 2013, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,1%. Sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mới cả về chuyển dịch cơ cấu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Năm 2012, năng suất lúa bình quân đạt 61,2 tạ/ha/vụ, giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 92 triệu đồng, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng… Bộ mặt nông thôn của huyện có nhiều đổi mới, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển; việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn ngày càng được quan tâm… Đến nay, 100% xã, thị trấn được sử dụng điện an toàn, hệ thống giao thông nông thôn cơ bản đáp ứng được nhu cầu lưu thông, phát triển kinh tế. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đạt 17,6 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 2.188 hộ, chiếm 5,11%; lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế được quan tâm, 100% số xã đạt phổ cập THCS, 95% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên; chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố; lĩnh vực văn hoá - thông tin, phúc lợi, an sinh xã hội được quan tâm…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phúc Thọ vẫn còn một số khó khăn khi nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa đầy đủ, chưa rõ vai trò nhân dân là chủ thể trong XDNTM. Tiến độ triển khai các nội dung ở một số xã còn chậm, chưa thực sự sôi động và liên tục. Việc phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư còn một số khó khăn; nhu cầu vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn lớn, song khả năng của địa phương và nhân dân đóng góp còn hạn chế. Công tác DĐĐT được triển khai từ sớm nhưng một số xã thực hiện chưa quyết liệt, khi thực hiện còn lúng túng. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hoá vào sản xuất chưa nhiều…
Tại Hội nghị triển khai phương hướng, nhiệm vụ DĐĐT năm 2013, lãnh đạo huyện Phúc Thọ thẳng thắn nhìn nhận: Dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, công tác DĐĐT trên địa bàn đã và đang được người dân hưởng ứng tích cực, song ở một số xã, cán bộ và người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của DĐĐT. Có nơi, người dân chỉ thấy cái lợi nhỏ trước mắt mà chưa "nhìn xa, trông rộng", làm ảnh hưởng đến phong trào của địa phương. Cán bộ, lãnh đạo, nhất là chính quyền, chi bộ thôn, cụm dân cư chưa thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân. Ngoài những bất cập nêu trên, có nơi chưa quyết liệt thực hiện nhiệm vụ này ngay từ đầu, dẫn đến tình trạng một số địa phương không thực hiện được kế hoạch UBND huyện giao. Tính đến tháng 4/2013, vẫn còn 5 xã chưa thực hiện chỉ tiêu đăng ký năm 2012. Chưa kể đặc thù đồng đất của Phúc Thọ có cả đồi gò và vùng bãi phân tán nên quá trìn DĐĐT gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như tại Tích Giang, Trạch Mỹ Lộc, địa hình ruộng đồng bậc thang, khó dồn đổi; trong khi đó, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng chưa hoàn chỉnh, gây tâm lý lo ngại trong dân... Hơn nữa, do thị trường bất động sản trầm lắng, khó khăn cho việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng giao thông thủy lợi nội đồng phục vụ công tác DĐĐT.
Bí thư Huyện uỷ Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu cho biết: Huyện tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) và Chương trình 02 của Thành uỷ, hướng tới nền nông nghiệp phát triển toàn diện, hiện đại, XDNTM bền vững, thu nhập của nông dân ngày một tăng. Phúc Thọ cần kiên trì thực hiện mục tiêu phát huy lợi thế, tiềm năng phát triển nông nghiệp; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nông thôn; quan tâm hơn nữa đến nâng cao đời sống cho nông dân, bảo tồn, giữ gìn các nét đẹp văn hoá truyền thống trong khu dân cư.
Theo Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình 02, huyện đã có 22/22 xã được phê duyệt quy hoạch xã NTM và lập dự án để tổ chức triển khai thực hiện. Toàn huyện xây dựng được 35km đường trục xã, 50,6km đường trục thôn, liên thôn và 160km đường ngõ xóm. Hệ thống thủy lợi được tập trung cải tạo, nâng cấp đến nay cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, phục vụ sản xuất; DĐĐT được 3609,15ha. |
Thanh Thanh - Trâm Anh
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã