Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, đạt hiệu quả cao
Quá trình tái cơ cấu ngành trồng trọt, được các địa phương trong tỉnh Quảng Bình tập trung là, chuyển đổi đất lúa thiếu nước, hiệu quả thấp, sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao, đầu ra thông thoáng như: ngô, đậu xanh, dưa hấu, ớt, khoai lang...
Những địa phương vùng gò đồi, chuyển đổi đất vườn tạp, đất trồng cao su kém hiệu quả, sang trồng các loại cây ăn quả như: cam, bơ, ổi...; và cây dược liệu: cà gai leo, đinh lăng, nghệ, sả chanh... bước đầu, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp-PTNT, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 2.100ha đất lúa, trong đó diện tích cây trồng cạn 372ha, diện tích lúa-cá 1.733ha, tăng 1.752ha so năm 2013; giá trị thu nhập đạt từ 38-160 triệu đồng/ha, lãi 10-55 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 3-8 lần so trồng lúa.
Một số địa phương, như: xã Hàm Ninh (Quảng Ninh), hình thành vùng chuyên trồng dưa hấu trái vụ trên đất lúa, cho năng suất bình quân 206 tạ/ha, thu nhập 85 triệu đồng/ha/vụ 2 tháng; lợi nhuận 30,7 triệu đồng/ha, gấp 3,2 lần so trồng lúa. Xã Hiền Ninh, hình thành vùng chuyên trồng mướp đắng vụ hè-thu, với diện tích 3-6ha, cho năng suất khá cao: 160 tạ/ha; thu nhập bình quân 130 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 80 triệu đồng/ha.
Tại huyện Quảng Trạch, bà con chuyển đổi trồng ngô vụ hè-thu, làm thức ăn xanh cho gia súc, năng suất sinh khối đạt 30 tấn/ha, đưa lại thu nhập 21 triệu đồng/ha, lãi 1,4 triệu đồng/ha.
Toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi được trên 110ha, đối với vùng gò đồi. Trong đó, huyện Bố Trạch 55ha, Quảng Trạch 27 ha, Lệ Thủy gần 27ha, Minh Hóa 30ha… với các loại cây chủ lực như: cây ăn quả, sim, cây dược liệu…
Đáng ghi nhận là, các địa phương đã hình thành vùng chuyển đổi tập trung, như: cà gai leo, tại các huyện Bố Trạch, Minh Hóa; cây ăn quả: cam, bơ, ổi..., tại Bố Trạch, Quảng Trạch; cây nghệ, sả, chanh tại huyện Lệ Thuỷ...
Song song với chuyển đổi cây trồng, ngành nông nghiệp còn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, góp phần đưa nhiều giống lúa, ngô, lạc… có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Từng bước tăng giống ngắn ngày (chiếm 57%), tăng gần 36% so năm 2013; tỷ lệ sử dụng giống chất lượng đạt 62%, tăng gần 45% so năm 2013. Riêng vụ hè-thu đạt 78%; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận I đạt 63%, tăng 4,5% so năm 2013…
Để ỗ trợ người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về đất đai; tiếp cận nguồn vốn chính sách ưu đãi, để xây dựng cơ sở sản xuất.
Từ nguồn vốn đó, nhiều mô hình trồng trọt được triển khai nhân rộng, như: liên kết sản xuất cánh đồng lớn trên cây lúa, ngô, gừng. Xây dựng vùng rau an toàn; ứng dụng công nghệ tưới Israel…, làm tăng diện tích chuyển đổi.
Ngoài ra, Tỉnh cũng khuyến khích các xã, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ sử dụng giống mới, có năng suất, chất lượng cao; vì vậy, giá trị thu nhập từ trồng trọt năm 2018 đạt 52 triệu đồng, tăng 7 triệu đồng so năm 2013.
Tam Nông: Cải tạo vườn tạp trồng bưởi Diễn cho thu nhập cao
Bưởi Diễn là cây phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất cao hạn, đất đồi vườn, đem lại hiệu quả kinh tế cao ở huyện Tam Nông (Phú Thọ), vì vậy, đang được khuyến khích, nhân rộng theo quy hoạch.
Những vườn bưởi ở xã Cổ Tiết cho thu nhập cao
Được biết, huyện Tam Nông đã xây dựng kế hoạch phát triển cây bưởi Diễn giai đoạn 2017 – 2020; trong đó, tập trung mở rộng diện tích theo hướng, hình thành các vùng sản xuất tập trung, có sản phẩm hàng hóa; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, mẫu mã quả.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh giống bưởi, tiến tới xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm bưởi Diễn Tam Nông; phấn đấu đến 2020, toàn huyện có 160ha bưởi Diễn đạt chuẩn.
Các xã đã thực hiện rà soát, cải tạo vườn tạp và bố trí một phần diện tích đất trồng cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng bưởi Diễn. Trong đó, tập trung vào diện tích đất ruộng cao hạn; đất đồi thấp, độ dốc dưới 15 độ, có nguồn nước tưới. Việc mở rộng diện tích bưởi được gắn với cơ cấu lại trồng trọt, chuyển đổi cây trồng.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 65ha bưởi Diễn, trong đó diện tích trồng mới gần 50ha. Công tác tuyên truyền, vận động tích tụ ruộng đất cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất có chuyển biến tích cực, toàn huyện đã hình thành 3 trang trại trồng bưởi Diễn.
Thực tế cho thấy, cây bưởi 4 - 6 tuổi đạt 40 - 50 quả/cây, cây từ 7 - 10 tuổi đạt 75 - 80 quả/cây. Ở diện tích đã cho thu hoạch, thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích gần 300 triệu đồng/ha/năm. Với giá trị mang lại, bưởi Diễn thực sự là cây làm giàu cho người dân. Để tránh tình trạng phát triển ồ ạt không kiểm soát được chất lượng, huyện đã giám sát chặt chẽ diện tích quy hoạch cây bưởi, đảm bảo theo kế hoạch cụ thể để phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Hiệu quả kinh tế từ bưởi Diễn cao hơn nhiều so cây trồng khác, nên khi đưa vào thay thế cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc, đã được người dân đồng tình, ủng hộ. Mô hình bưởi Diễn đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới của địa phương.
Huyện đã phối hợp với ngành chức năng và các xã, tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật chăm sóc bưởi Diễn cho người dân, để nâng cao chất lượng sản phẩm, kéo dài chu kỳ thu hái.
Là hộ có diện tích đất đồi khá rộng, những năm trước, ông Nguyễn Quốc Hoàng, khu 10, xã Cổ Tiết, chủ yếu trồng các loại cây như: Sắn, vải, nhãn, xoài... Tuy nhiên, sau nhiều năm canh tác cho thấy, các loại cây trên, hiệu quả kinh tế không cao, công chăm sóc, thu hoạch rất vất vả.
Qua tìm hiểu, thấy bưởi Diễn phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, được người tiêu dùng lựa chọn, chăm sóc không quá khó, nên từ năm 2009 ông đã thử nghiệm. Buổi đầu, trồng thử 40 gốc, năm 2014, cho thu hoạch ổn định, bình quân 50 quả/gốc, giá bán 20.000 đồng/quả. Vì vậy, năm sau, ông đã trồng thêm 60 cây nữa, tất cả đều sinh trưởng, phát triển tốt.
Hiện, cây bưởi Diễn trên đất Tam Nông đã khẳng định được hiệu quả, song, việc trồng mới bưởi Diễn còn phân tán, quy mô nông hộ, sản xuất nhỏ lẻ vẫn là chủ yếu, thiếu liên kết chuỗi trong sản xuất kinh doanh. Đã có một số tiến bộ kỹ thuật mới được ứng dụng, nhưng nhìn chung thâm canh vẫn chưa cao, đây là điều Tam Nông cần lưu ý.
Nghệ An: Trồng ớt chỉ thiên thu lãi trên 130 triệu đồng/ha
Vụ thu hoạch ớt năm nay, người dân các xã Nghĩa An, Nghĩa Liên, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) đang phấn khởi vì không chỉ được mùa mà còn được giá.
Ớt sai quả, thương lái đến thu mua tại vườn
Đây là năm thứ 2 gia đình bà Nguyễn Thị Huyền, xóm 7, xã Nghĩa An trồng ớt chỉ thiên. Bà cho biết, cây ớt có khả năng sinh trưởng tốt, mùa thu hoạch kéo dài, cứ 3 - 5 ngày thu một lứa và cho quả liên tục 7 - 8 tháng, lợi nhuận cao. Do ớt chỉ thiên năng suất cao: 8 tạ - 1 tấn/ sào; với gần 7 sào ớt, chị Huyền lãi trên 90 triệu đồng/năm.
Chị Cao Thị Tư, xã Nghĩa Liên cho biết: "Sau khi mạnh dạn chuyển đổi đất mía kém hiệu quả sang trồng ớt, tôi thấy cây ớt phù hợp với chất đất của địa phương, sai quả, thương lái đến tận vườn thu mua, không phải vận chuyển đi xa. Năm nay, gia đình thu hoạch hơn 7 tạ/sào, trừ chi phí lãi ròng khoảng 12 triệu đồng/sào".Không những được mùa mà còn được giá; hiện, giá thu mua ớt tại vườn13 - 15.000 đồng/kg…
Nhận thấy đây là cây dễ trồng, khả năng kháng bệnh tốt, thời gian thu hoạch kéo dài đến 8 tháng; giá bán tương đối ổn định, nên xã Nghĩa Liên đã tăng diện tích trồng ớt chỉ thiên lên 5ha.
Theo ông Lê Thanh Đàn - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Liên, cây ớt cay hiện đang chiếm ưu thế, người dân thu hoạch đến đâu, được tư thương thu mua kịp thời đến đó. Giá ớt tăng, đã kích thích nông dân sản xuất; đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích.
Mặc dù giá ớt tăng, song, trước mắt còn phụ thuộc vào thương lái, nên không ổn định. Do đó, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo, bà con cần tăng cường mối liên kết 4 nhà; chủ động ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã để tránh thiệt thòi.
Theo An Như/Báo KTNT.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;