Học tập đạo đức HCM

Rộn ràng sinh vật cảnh Thành Nam

Thứ sáu - 28/09/2012 04:55
Chưa khi nào không khí ở những làng sinh vật cảnh (SVC) đất Thành Nam lại rộn ràng, háo hức như thời điểm này, khi sự kiện Kỷ niệm 750 năm Thiên Trường-Nam Định, đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh và quyết định công nhận TP Nam Định là đô thị loại I đang đến gần.

 

Nghệ nhân "trang điểm" cho tác phẩm của mình

NHỮNG VƯỜN "SIÊU" CÂY CẢNH

 

Những ngả đường dẫn vào làng cây cảnh truyền thống nổi tiếng ở các huyện Hải Hậu, Nam Trực, Nghĩa Hưng… tràn ngập không khí vui tươi phấn khởi hướng về sự kiện lễ hội lớn. Đi đến đâu chúng tôi cũng gặp hình ảnh các nghệ nhân tất bật chăm tỉa và bình chọn tác phẩm nghệ thuật độc đáo nhất chuẩn bị “trình làng”.

 

Khi ánh mặt trời vừa hừng lên, anh Nguyễn Văn Thẩm, một nghệ nhân trẻ (đội 10, xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Hưng) đã vội cầm dao kéo ra vườn tỉ mỉ cắt tỉa từng nhánh lá, “vặn” lại từng dáng thế uốn lượn theo ý tưởng riêng để hoàn thiện cho tác phẩm của mình. Thỉnh thoảng anh lại tạm ngưng tay kéo, nhấp một hớp trà nóng ngồi trầm ngâm tâm đắc với những dáng thế của cây vừa “bẻ”.

 

Gặp khách ghé thăm, anh Thẩm phấn khởi chỉ vào hai cây cảnh khổng lồ đặt trước cửa nhà rồi hào hứng nói: “Sau nhiều năm dưỡng cây, mày mò bẻ thế, đến nay tác phẩm “Đôi Tam sơn” mới thành công đấy. Nhân dịp tỉnh tổ chức triển lãm SVC, tôi sẽ “rinh” tác phẩm này đi trình làng”.

 

Trong vườn của anh còn sở hữu khoảng 100 gốc, loại “siêu cây cảnh”, chủ yếu là sanh, tùng la hán, ổi Tàu, khế, mơ cảnh cổ thụ… Đặc biệt, với tác phẩm “Đôi Tam sơn” này đã có nhiều khách hàng đến tìm mua nhưng anh chưa chịu bán.

 

Tiếp tục, chúng tôi ghé thăm vườn của gia đình ông Đinh Quang Hùng (xóm 9, xã Nghĩa Phong) và không khỏi ngạc nhiên trước vẻ đẹp của hàng trăm gốc sanh cổ, bonsai các loại, có nhiều cây khoảng gần trăm tuổi được trồng trong chậu và ương dưỡng dưới đất vườn.

 

Ông Hùng phấn khởi khoe: “Qua nhiều ngày tuyển chọn, cuối cùng tôi đã “nhắm” được 5 tác phẩm tâm đắc nhất cho đợt triển lãm này. Lần đầu tiên người nghệ nhân chúng tôi có cơ hội được khoe tác phẩm của mình tại ngày hội lớn khiến ai cũng háo hức, trong lòng cứ vui như…tết”.

Một tác phẩm SVC được chọn đi triển lãm lần này

 

Theo ông Hùng, 5 tác phẩm đẹp như tranh vẽ đã được Hội đồng thẩm định thống nhất bình chọn xứng đáng đi triển lãm trong đợt này là cặp cây sanh cổ (55 tuổi), hai cây trực to và 1 cây bonsai cổ, giá trị của từng cặp cây này đều được xem là vô giá. “Sau đợt triển lãm này, tôi sẽ quyết tâm đầu tư để phát triển quy mô vườn lên thành “khu vườn Hoàng Long kỳ viên” nhằm phục vụ khách từ khắp nơi đến tận vườn tham quan chiêm ngưỡng”, ông Hùng khẳng định.

 

SẼ LÀ NGÀY HỘI “FESTIVAL”

 

Tiếp tục theo chân đoàn nghệ nhân Hội SVC tỉnh Nam Định đến thẩm định các vườn cây để chuẩn bị cho ngày khai hội, chúng tôi như được lạc vào khu đại bản doanh của làng nghề truyền thống SVC với hàng nghìn loại cây cảnh cổ, quý hiếm, đẹp như tranh vẽ…

 

Đến thăm vườn cây của nghệ nhân Nguyễn Văn Bính (xã Nghĩa Phú), nổi tiếng là một trong những khu vườn sinh thái đẹp với nhiều loại cây cảnh giá trị và có quy mô lớn nhất tỉnh Nam Định. Căn biệt thự hoành tráng của gia đình ông Bính nằm lọt giữa khu vườn rộng mênh mông, trồng đủ các loại cây cảnh cổ như sanh, si, đa, tùng, (tùng kim, la hán), lộc vừng, sứ, bồ đề... đang được thị trường ưa chuộng.

 

Dẫn khách ra vườn chiêm ngưỡng từng tác phẩm, ông Bính tâm sự: “Mỗi gốc cây cảnh của tôi là một câu chuyện dài về quá trình sưu tầm, chăm sóc, ương dưỡng, uốn nắn dáng thế để thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo như thế này đấy. Tôi đang trăn trở chọn ra một số tác phẩm ưng ý nhất để đem vào lễ hội góp vui đây”.

 

Theo ông Bính, gia đình ông có tổng cộng 4 vườn (diện tích trên 10.000 m2), hiện có khoảng 700 gốc cây cảnh các loại, trong đó chiếm trên 30% số cây cảnh trong vườn nhà ông đã được gần 100 năm tuổi, như những cây sanh (thế làng) được ký đá sống trong nước không cần đất nuôi, cây sanh (thế trực huyền), cây sanh (thế bám tường tạo hình quạt), cây tùng (thế tam tùng)… đều khoảng từ 75-100 năm tuổi.

 

Tất cả những cây bonsai cổ của ông với nhiều kiểu dáng thế độc đáo có một không hai trong làng cây cảnh. Cứ đụng đến cây nào ông cũng đọc được vanh vách tên, tuổi với nguồn gốc xuất xứ...

 

Trong số nhiều vườn cây cảnh được Hội đồng thẩm định đánh giá rất cao, có khu vườn của gia đình nghệ nhân Đoàn Văn Du (đội 14, xóm 9, xã Nghĩa Phong). Với thâm niên gần 40 năm trong “nghiệp vườn”, đến nay ông Du có hơn 500 gốc cây cảnh các loại, trong đó có 160 tác phẩm đã hoàn thành.

 

Theo ông Vũ Đình Khiết, Chủ tịch Hội SVC huyện Nghĩa Hưng, đến nay mọi công tác chuẩn bị cho ngày hội trưng bày triển lãm SVC đã hoàn thành, riêng huyện Nghĩa Hưng tham gia với 81 tác phẩm cây cảnh xuất sắc nhất và hàng trăm tác phẩm tượng nghệ thuật Tam Đa, Phật, chim, hoa… được các nghệ nhân nổi tiếng trong huyện đúc bằng các loại gỗ, rễ cây rất độc đáo.

Điểm độc đáo ở vườn nhà ông Du là tất cả các loại cây cảnh cổ đều do chính bàn tay ông gây dựng, ương dưỡng từ phôi cây để lai tạo và hình thành tác phẩm chứ không phải sưu tầm như nhiều vườn khác. Đồng thời, từ lâu vườn cây đã được mệnh danh là “Vườn khuyến học” bởi mỗi khi con cái, cháu chắt nội ngoại khi học hành đỗ đạt, ông đều dành cây cảnh có giá trị để thưởng nhằm khích lệ tinh thần hiếu học của con cháu.

 

Trao đổi với NNVN, ông Phạm Hồng Cờ, Chủ tịch Hội SVC tỉnh Nam Định cho biết: Tất cả tác phẩm cây cảnh xuất sắc mà Hội đồng thẩm định đã thống nhất bình chọn đều phải đạt được những tiêu chí chung để tham gia triển lãm sinh vật cảnh lần này. Đây là lần đầu tiên tỉnh đứng ra tổ chức triển lãm SVC, với quy mô cấp vùng ĐBSH nên có thể coi đây như một Festival về SVC.

 

Để kịp khâu chuẩn bị, Hội SVC tỉnh đã cho thành lập Hội đồng thẩm định gồm thành viên BCH Hội SVC các huyện cùng một số hội viên dày dạn kinh nghiệm và tích cực nhất như nghệ nhân Lâm Như Thiệu, Phạm Nhật Tân, Nguyễn Văn Bính, Nguyễn Văn Thẩm…tổ chức trực tiếp đến các vườn bình chọn từng tác phẩm cây cảnh xứng đáng nhất cho đợt triển lãm này…

Ngày 28/9/2012 - Theo Tư vấn nông nghiệp


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập246
  • Hôm nay105,091
  • Tháng hiện tại851,865
  • Tổng lượt truy cập93,229,529
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây