Vừa tuần tự tiệm tiến, vừa tăng tốc đột phá
Với tiêu đề "Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực canh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020", đề án do Bộ Kế hoạch đầu tư soạn thảo đã thể hiện ngay mục đích và ý nghĩa của cuộc "đổi mới lần hai" này ngay từ cái tên.
Nội dung đề án phải làm gì, làm như thế nào, vì sao lại phải làm và làm vì mục đích gì... có những lúc sục sôi trên nghị trường, có lúc lại im ắng, vắng bóng ở các diễn đàn kinh tế và trải qua rất nhiều lần chỉnh sửa, bản đề án này có gì mới?
Quay ngược lại thời gian, khi Việt Nam rơi vào lạm phát rồi suy giảm kinh tế năm 2008-2009 dưới tác động khủng hoảng kinh tế toàn cầu, câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế đã được đặt ra như một yêu cầu bức thiết nhất. Khi đó, "tái cơ cấu" được nhắc tới như một cụm từ quen thuộc, một điều tất yếu của mọi ngành, mọi lĩnh vực và cả ở từng doanh nghiệp nhỏ cụ thể. Nhưng cụ thể, nội hàm của việc tất yếu ấy là gì thì chưa được làm sáng rõ.
Trên thực tế, ở quãng thời gian dài phía trước, đòi hỏi và mong muốn này đã được nhắc đến nhiều lần ở các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng năm và từng giai đoạn của Chính phủ. Đó chính là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thông điệp chuyển từ tăng trưởng kinh tế chiều rộng sang tăng trưởng chiều sâu. 25 năm trước (1986), đó chính là công cuộc đổi mới, cải cách nền kinh tế.
Đóng tàu vẫn là ngành ưu tiên (ảnh: Phạm Huyền) |
Có chăng là khác về cách gọi, bản đề án "đổi mới lần hai" này tiếp tục phát huy và thống nhất về chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, về ý nghĩa và mục tiêu cần đạt được, về các nguyên tắc và định hướng triển khai thực chất đã được định hình từ trước, xuyên suốt hàng chục năm qua.
Đơn cử như, tương tự nhiều bản kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế trung và dài hạn hiện nay của Chính phủ, bản đề án nêu định hướng chung của tái cơ cấu là chuyển dịch cơ cấu kinh tế công, nông nghiệp và dịch vụ theo hướng giảm dần tỷ trọng nông lâm ngư nghiệp, tăng tương ứng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Trong nội bộ các ngành kinh tế, Việt Nam phải chuyển dịch từ công nghệ thấp, năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp sang công nghệ có hàm lượng khoa học cao, năng suất và giá trị gia tăng cao.
Trong đó, khu vực nông lâm ngư nghiệp phải tận dụng tốt các lợi thế miền khí hậu nhiệt đới của Việt Nam, chuyên môn hóa có quy mô lớn, đạt các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn sản xuất với chế biến, xuất khẩu...
Khu vực công nghiệp sẽ tăng giá trị nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ, ưu tiên phát triển các sản phẩm có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong các ngành cơ khí, thông tin truyền thông, công nghệ cao, dược, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Khu vực dịch vụ phải phát triển đa dạng về loại hình như dịch vụ kinh doanh, dịch vụ phục vụ tiêu dùng, dịch vụ công nghệ cao hoặc dịch vụ thâm dụng lao động. Tương lai, Việt Nam cần phải có một số trung tâm dịch vụ du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Các định hướng đó nhằm cải thiện mạnh mẽ nội lực nền kinh tế Việt Nam lên một trình độ cao hơn, cạnh tranh hơn.
Tái cơ cấu nền kinh tế là quá trình phân bổ lại các nguồn lựcquốc gia để nâng cao hiệu quả chung của nền kinh tế. Kết quả cần đạt là có một cơ cấu hợp lý hơn, năng động hơn, năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng trưởng lớn hơn. 5 nguyên tắc tái cơ cấu là: ưu tiên chất lượng tăng trưởng; đồng bộ và thống nhất các giải pháp; gắn với mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế; gắn với kế hoạch phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa; tiến hành toàn diện, đồng bộ, tuần tự từng bước và có hệ thống. |
Tuy nhiên, so với thời kỳ trước, tổng chiến dịch tái cơ cấu lần này khẳng định đậm nét quan điểm lâu dài về phát triển kinh tế Việt Nam là chú trọng công nghệ và kinh tế tri thức.
Điều này thể hiện ở mục tiêu 4 việc thiết yếu, trọng tâm phải làm: thứ nhất là cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng. Thứ hai là thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường. Thứ ba là tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và cả nền kinh tế và thứ tư, đó là phát triển một nền kinh tế tri thức.
Mục tiêu mang tính định lượng lớn nhất là đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại như chiến lược đã định.
Tuy nhiên, có lẽ điểm mới nhất mà cơ quan soạn thảo này đề cập chính là một sách lược về cách thức thực thi: "Vừa tuần tự tiệm tiến, vừa tăng tốc đột phá". Chú giải cho 10 chữ "vàng" này, bản đề án cắt nghĩa: tuần tự tiệm tiến là chỉ áp dụng đối với các ngành mà công nghệ ít thay đổi. Còn đối với những ngành công nghệ thay đổi nhanh thì cần phải tăng tốc độc phá, tức là, chọn và áp dụng ngay từ đầu loại công nghệ hiện đại nhất, áp dụng phương thức tổ chức sản xuất và quản lý tiên tiến nhất dể phát triển.
Bảy nhóm ngành ưu tiên
Tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, phát triển manh mún, đề án tái cơ cấu đã nhấn mạnh việc cần phải xác định lựa chọn các ngành mục tiêu để tập trung phát triển. Việt Nam sẽ phát huy các sản phẩm, ngành hiện đang có lợi thế cạnh tranh tốt và sẽ phát triển ưu tiên các ngành có lợi thế so sánh lớn trong giai đoạn áp sát năm 2020.
Ví dụ, hiện nay, trong nông nghiệp, chúng ta có ngành lúa gạo, cà phê, cao su, hạt điều..., rau quả nhiệt đới, chăn nuôi lợn, thủy sản, gỗ, mây tre, hàng thủ công.
Trong công nghiệp, chúng ta đang có các ngành chế biến lương thực thực phẩm, nước giải khát, may mặc, giày da, vật liệu xây dựng, cáp điện, đồ gia dụng, nhựa, máy tính, điện tử và phụ kiện, đóng tàu và các phương tiện giao thông.
Trong dịch vụ, chúng ta có thương mại, xây dựng, khách sạn, nhà hàng, du lịch, viễn thông, tài chính ngân hàng, logistics, giáo dục, y tế...
Đây là những ngành Bộ Kế hoạch đầu tư đánh giá có hiệu quả cao, tỷ trọng giá trị gia tăng cao, có độ lan tỏa nhạy cảm cao, tạo được nhiều việc làm và chiếm tỷ trọng trong GDP và kim ngạch xuất khẩu lớn.
Không dừng lại ở đó, cơ quan soạn thảo đề án kiến nghị 7 nhóm ngành, sản phẩm cần ưu tiên trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, từ 2016-2020. Đó là luyện kim, hóa dầu, đóng tàu và các phương tiện vận tải, điện tử, logistics, du lịch, bưu chính viễn thông và hạ tầng công nghệ.
7 nhóm ngành, sản phẩm này sẽ thay thế dần các ngành gia công, đang thâm dụng nhiều lao động hiện nay như dệt may, giày da, gỗ, lâm sản...
Theo lý giải của Bộ Kế hoạch đầu tư, bảy nhóm ngành trên là những ngành có công nghệ cao, không quá xa so với lợi thế cạnh tranh hiện nay của Việt Nam, có tiềm năng phát triển và có thị trường toàn cầu, có thể thúc đẩy cac ngành khác cùng phát triển và có tác động kết nối vùng, kết nối kinh tế trong nước với khu vực, thế giới. Nói tóm gọn, đó là 7 ngành sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế đạt mục tiêu vào năm 2020.
Ổn định kinh tế, hoàn thiện thể chế
Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đưa ra 12 nhóm giải pháp cho tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.
Theo đó, có 3 nhóm lĩnh vực cần "đổi mới cơ chế" gồm nâng cao hiệu quả đầu tư Nhà nước, ưu đãi thu hút tư nhân và FDI tham gia, sản xuất nông nghiệp.
4 nhóm lĩnh vực cần "nâng cao" đó là, chất lượng quy hoạch, hiệu lực quản lý Nhà nước và chất lượng dự án FDI , chất lượng doanh nghiệp dân doanh và chất lượng nguồn nhân lực.
3 nhóm lĩnh vực cần "xây dựng, thực hiện" là các chương trình đồng bộ phát triển ngành ưu tiên từ Trung ương tới địa phương, phát huy lợi thuế vùng, chuyển đổi cơ cấu vùng kinh tế và phát triển khoa học công nghệ.
Cuối cùng, 2 nhóm giải pháp đồng thời là 2 mục tiêu lựa chọn lớn nhất xuyên suốt trong tiến trình phát triển của Việt Nam, đó là ổn định kinh tế vĩ mô; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo cơ quan soạn thảo, khi thực hiện 12 nhóm giải pháp trên, Việt Nam sẽ đạt được những kết quả lớn trong các khu vực, ngành, sản phẩm cần tái cơ cấu và sẽ có tác động tích cực từ cấp vi mô tới vĩ mô của môi trường kinh doanh và nền kinh tế nói chung.
Dự kiến, Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ chủ trì đề án tái cơ cấu đầu tư công, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thực thi đề án tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán và các định tế tài chính. Ngân hàng Nhà nước chủ trì đề án tái cơ cấu hệ thống tài chính. Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch đầu tư sẽ lên danh mục các sản phẩm, ngành ưu tiên.
Tổng chỉ huy cho công cuộc đổi mới này là Hội đồng quốc gia về năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững do Thủ tướng làm Chủ tịch. Sau khi lấy ý kiến thường vụ Quốc hội, đề án sẽ được đưa ra trình chính thức Quốc hội vào kỳ họp tới.
Những mục tiêu cụ thể phải đạt được trong năm 2020: Tỷ trọng khu vực nông nghiệp phải giảm từ mức 20,6% năm 2010) xuống 15%, tạo việc làm cho 5-8 triệu lao động và tăng thu nhập cho người nông dân lên gấp 3 lần so với 2010. Tỷ lệ lao động nông nghiệp khoảng 30-40% lao động xã hội. Tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm 85% trong tổng GDP, trong đó, tỷ trọng khu vực dịch vụ khoảng 43-44% GDP, tỷ trọng công nghiệp chế tạo sẽ tăng lên từ 25% năm 2010 lên 40%, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 45% trong tổng GDP. Năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đạt khoảng 35%. Giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 2,5- 3% hàng năm. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống là Đông Âu, thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, ASEAN, Úc, các thị trường mới cần đẩy mạnh là Ấn Độ, Nam Á, châu Phi và Trung Đông, Mỹ La-tinh. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;