Học tập đạo đức HCM

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Ðồng

Chủ nhật - 09/04/2017 11:59
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và những "cú huých" từ chính sách của tỉnh, Lâm Ðồng đã và đang hình thành một thế hệ nông dân kiểu mới. Thế hệ đó, có cả những lão nông "thay đổi tư duy" để tiến vào nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, cùng những thanh niên trình độ học vấn cao, chọn khởi nghiệp từ nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) trên miền đất ba-dan Lâm Ðồng.

Nông dân áo trắng

Chúng tôi hẹn gặp lão nông Nguyễn Ðăng Hiến, ở làng hoa Thái Phiên, để thăm phòng nuôi cấy mô, nhân giống cây theo phương pháp vô tính. Nhiều nhà nông ở làng hoa Thái Phiên coi ông Hiến là người "đặt nền móng" cho ngành sản xuất giống hoa bằng phương pháp in vitro tại làng hoa truyền thống này.

Ông Hiến từng học ngành vô tuyến điện, đến năm 1989 ông chuyển sang làm nông. Bao năm lăn lộn với ruộng vườn, từ cải bắp, súp lơ, khoai tây… Vụ nối vụ, những giống cây bắt đầu già nua, năng suất thấp. Năm 1997, ông quyết định dốc vốn xây dựng phòng cấy mô. Ông đã đi nhiều nơi tìm gặp chuyên gia, những người am hiểu về kỹ thuật cấy mô để học hỏi. Ngày đó, khái niệm in vitro còn xa lạ với nông dân Ðà Lạt, cho nên ông vừa làm, vừa rút kinh nghiệm rồi tìm hiểu thêm qua sách. Sau một thời gian, ông đã "trẻ hóa" được giống atisô, khoai tây và hoa cúc các loại. Giờ đây, những cây giống hoa cúc từ phòng nuôi cấy mô của ông đã đến với bà con nông dân, doanh nghiệp sản xuất hoa tại Lâm Ðồng và nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Hai đứa con của ông học công nghệ sinh học và đã ra trường, kế nghiệp cha. "Ngày ngày ngắm nhìn dải nhà kính trồng hoa dài tít tắp của bà con làng hoa Thái Phiên, mình vui lắm", ông Hiến nói.

Cũng tại làng hoa Thái Phiên, ông Lê Văn Hải đã thành công trong lĩnh vực sản xuất cây giống theo phương pháp cấy mô, với gần mười giống hoa cúc sạch bệnh, cung cấp cho nông dân và doanh nghiệp trong cả nước. Tiếp chúng tôi ngay tại phòng thí nghiệm, trong chiếc áo blu trắng, ông nhẹ nhàng nhấc từng hộp chứa mầm giống và giới thiệu về quy trình "trẻ hóa" giống hoa cúc một cách bài bản từ khâu chọn mầm, xử lý thuốc, lấy đỉnh sinh trưởng tại vườn đến môi trường "trẻ hóa", qua giai đoạn tạo chồi… Ông Hải cho biết, cách đây 15 năm, ông đã quyết định đầu tư phòng cấy mô với diện tích 50 m2. Do nhu cầu thị trường, đến nay phòng cấy mô đã được mở rộng gấp đôi. Mỗi năm ông Hải cung cấp ra thị trường hơn 20 triệu cây giống hoa cúc, tương đương 40 ha sản xuất hoa nhà kính, mang về thu nhập hàng tỷ đồng.

Trên cung đường từ trung tâm Ðà Lạt đến làng hoa Thái Phiên, trang trại hoa lan "YSA Orchid" của anh Phan Thanh Sang (33 tuổi, một trong mười gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015), nườm nượp du khách. Từ một giỏ hoa đầu tiên, đến phòng thí nghiệm nhỏ chuyên lai tạo, nhân giống nuôi cấy mô hoa lan và vườn lan 20 m2 tại nhà, đến nay Phan Thanh Sang đã lai tạo ra nhiều giống hoa lan chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng, như: lan hài, hoàng thảo, vũ nữ, lan hồ điệp và một số giống phong lan rừng Việt Nam.

Giờ đây, trên cao nguyên Lâm Ðồng, những nông dân áo trắng như ông Hiến, ông Hải, anh Sang không còn hiếm. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Ðồng Nguyễn Văn Sơn, toàn tỉnh hiện có khoảng 50 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, sản xuất hơn 32 triệu cây giống gốc in vitro hằng năm và hơn 200 vườn ươm, cung cấp gần hai tỷ cây giống thương phẩm phục vụ sản xuất.

Làm giàu từ nông nghiệp

Trở lại câu chuyện của ông chủ trẻ trang trại YSA Orchid. Từ thời còn ngồi ghế giảng đường, Phan Thanh Sang đã nhận thấy thế mạnh của ngành hoa Ðà Lạt, nên anh vừa học, vừa trồng hoa để tích lũy kinh nghiệm. Năm 2007, tốt nghiệp đại học, Sang mạnh dạn vay vốn để đầu tư phòng thí nghiệm lai tạo giống hoa lan. Sau đó, khi chất lượng hoa lan đã được thị trường đánh giá cao, anh tiếp tục xây dựng thương hiệu YSA Orchid. Hiện gia đình Sang sở hữu ba khu trang trại, tổng diện tích hơn 10 ha, tạo việc làm ổn định cho hơn 30 công nhân, với mức lương từ bốn đến sáu triệu đồng/tháng. YSA Orchid đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trên thị trường trong nước và xuất khẩu, thu nhập bình quân đạt ba tỷ đồng/ha/năm. Chủ nhân của nó trở thành một trong những điển hình của tinh thần khởi nghiệp trong tuổi trẻ xứ hoa Ðà Lạt.

Là thạc sĩ tài chính ngân hàng, đang công tác tại một chi nhánh ngân hàng ở Ðà Lạt, anh Nguyễn Văn Dương (39 tuổi), chuyển hướng sang trồng rau thủy canh kết hợp du lịch, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Anh Dương đang sở hữu hai công ty tại TP Ðà Lạt, gồm Công ty Nông sản thủy canh Việt Nam, chuyên trồng, phân phối rau thủy canh và Công ty TNHH Ðà Lạt rau thủy canh, chuyên phân phối hệ thống trồng, chuyển giao công nghệ trồng rau thủy canh và phát triển du lịch canh nông. Tổng doanh thu hai công ty đạt hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho khoảng 60 người, với mức lương tám triệu đồng/người/tháng. Anh Dương cho biết, trồng rau thủy canh chỉ 25 ngày là thu hoạch. Nhờ trồng gối đầu, hằng ngày đều cho thu hoạch khoảng một tấn rau, lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng/ngày. "Khi quyết định khởi nghiệp bằng NNCNC tôi cũng có nhiều trăn trở, vì đầu tư ban đầu rất lớn. Nhưng đến nay, tôi biết mình đã chọn đúng. Nông nghiệp thông minh, sản phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn đang là xu hướng thời đại", anh Dương nói.

Năm 2010, lần đầu tiên đến Ðà Lạt, ông Nghiêm Văn Minh (61 tuổi, quê Khánh Hòa), chuyên gia phần mềm vi tính ở Pháp, đã bị miền đất này mê hoặc và ông quyết định trở về làm nông dân phố núi, trồng dâu tây công nghệ cao theo công nghệ hiện đại của Pháp. Ông nhận định: "Khí hậu Ðà Lạt tương tự ở Pháp, có thể trồng dâu quanh năm đạt hiệu quả cao". Sau thời gian chọn lọc được giống dâu phù hợp, ông đã thuê 3 ha đất trong khu du lịch hồ Than Thở và thành lập Công ty sinh học sạch Bio Fresh. Không chỉ trồng dâu tây, hiện nay trang trại của vợ chồng ông Minh còn canh tác nhiều giống cây đưa từ Pháp về, như phúc bồn tử, dưa lưới, cà chua, xà-lách, rau thơm, cây dược liệu và sản xuất các loại si-rô, mứt từ dâu, phúc bồn tử. Hiện sản phẩm Bio Fresh đã có mặt tại nhiều siêu thị, hệ thống khách sạn, nhà hàng lớn trong nước và xuất khẩu.

Là địa phương dẫn đầu trong sản xuất NNCNC của cả nước, Lâm Ðồng đã và đang trở thành miền đất hứa với những người chọn khởi nghiệp bằng nghề nông, vươn lên làm giàu từ nông nghiệp. Tại trang trại sản xuất hoa lan của gia đình anh Nguyễn Xuân Trường, tại xã Tu Tra, huyện Ðơn Dương (Lâm Ðồng), hiện đã có hơn 2,6 ha lan hồ điệp, với hệ thống nhà kính hiện đại được đầu tư gần 100 tỷ đồng và mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng mỗi năm.

Tiếp cận và từng bước làm chủ khoa học công nghệ, thay đổi từ nếp nghĩ đến cách làm, tư duy đột phá trong sản xuất nông nghiệp, đã hình thành một thế hệ nông dân kiểu mới trên cao nguyên Lâm Ðồng. "Với bản chất tốt đẹp và tư tưởng đổi mới, nông dân thế hệ mới sẽ làm được những điều các thế hệ trước đây chưa làm được, đó là làm giàu từ nông nghiệp. Ðây cũng là mục tiêu của Ðảng ta đề cập trong các nghị quyết, nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trí thức hóa nông dân", Bí thư Tỉnh ủy Lâm Ðồng Nguyễn Xuân Tiến chia sẻ.

Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại

Lâm Ðồng có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; doanh nghiệp và người dân sớm tiếp cận khoa học kỹ thuật từ các doanh nghiệp nước ngoài; nguồn nhân lực NNCNC khá chất lượng; nông dân tiếp cận nhanh khoa học công nghệ và dám đầu tư cái mới. Ðây là cơ sở để Lâm Ðồng hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững và hiện đại.

Thời gian gần đây, nhiều nhà nông tại Lâm Ðồng đã ứng dụng công nghệ "tưới vườn bằng điện thoại thông minh", do ngành nông nghiệp Lâm Ðồng hỗ trợ. Không cần có mặt tại trang trại, nông dân vẫn liên tục cập nhật được các thông số về độ ẩm, nước tưới, phân bón, nhiệt độ nhà kính. Và, chỉ cần một vài thao tác trên điện thoại, họ có thể tưới vườn. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng Phạm S, các doanh nghiệp, nhà nông Lâm Ðồng đã lựa chọn, đầu tư công nghệ, thiết bị phù hợp; xây dựng quy trình canh tác đạt tiêu chuẩn sản xuất NNCNC. Do đó, các công nghệ tiên tiến trên thế giới được chuyển giao và áp dụng có hiệu quả, như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tưới nhỏ giọt, thủy canh và công nghệ sau thu hoạch…

Năm 2016, hơn 20 nông dân và chuyên gia nông nghiệp của tám nước ASEAN đã đến Lâm Ðồng tham quan, nghiên cứu chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau, hoa, cà-phê ứng dụng công nghệ cao. Chương trình do Ban Thư ký ASEAN phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức. Sau khi tham quan một số mô hình, bà Lea Astrude T.Santiago, chủ trang trại Our Farm Republic (Phi-li-pin), cho biết: "Tôi thật sự ấn tượng về sản xuất NNCNC Lâm Ðồng. Nhiều thiết bị máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ ở đây, chúng tôi chưa có được".

Những năm qua, Lâm Ðồng luôn thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, có chính sách hợp lý trong ưu đãi đầu tư; khuyến khích khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực NNCNC; tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cùng với các dự án đầu tư trong nước, ba năm gần đây, tỉnh thu hút 67 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào NNCNC. Các dự án mang tính đột phá như: Dự án sản xuất giống rau chất lượng cao lớn nhất Ðông - Nam Á của Tập đoàn tài chính Bejo - Hà Lan, có giá trị đầu tư 9,5 triệu ơ-rô; dự án nghiên cứu và nhân giống hoa cao cấp lớn nhất Việt Nam của Dalat Hasfarm, với tổng kinh phí 1,5 triệu USD; phối hợp với tỉnh Ðông Flanders (Bỉ) triển khai dự án xây dựng trung tâm công nghệ cao canh tác rau, hoa, cây cảnh trong nhà kính... Từ những tiềm năng, lợi thế so sánh, các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá Lâm Ðồng là địa phương có nhiều cơ hội để hợp tác đầu tư nông nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế. Hiện có 11 dự án Nhật Bản đầu tư tại Lâm Ðồng, với tổng nguồn lực đầu tư khoảng 32 triệu USD.

Trong tương lai, Lâm Ðồng đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất rau, hoa mang tầm khu vực; trung tâm cà-phê Arabica Việt Nam, vùng chè ô-long năng suất cao nhất thế giới, "thủ đô" sản xuất đông trùng hạ thảo của Ðông-Nam Á; trung tâm bò sữa, cá nước lạnh của Ðông-Nam Á và trung tâm sản xuất cây giống in vitro, cây dược liệu của cả nước, quốc tế…

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 5-4-2017.

 

Theo UÔNG THÁI BIỂU và MAI VĂN BẢO/nhandan.com.vn
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập804
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại772,719
  • Tổng lượt truy cập93,150,383
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây