Mặt trái của thâm canh
Nhưng chính sự thâm canh thái quá với việc lạm dụng các biện pháp hóa học đã để lại nhiều hậu quả. Theo GS-TS Phạm Văn Biên, nguyên Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, nhiều vấn đề bức xúc hiện nay trong nông nghiệp như tình trạng thoái hóa đất, lạm dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất đã gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, làm suy thoái môi trường, chất lượng nông sản không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng sức khỏe con người; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm làm cả xã hội phải quan tâm lo lắng trong thời gian qua. Kế đó là tình trạng một số sâu bệnh hại phát sinh thành dịch, gây thiệt hại nặng mà chưa có phương cách phòng trừ hữu hiệu, tình trạng tồn dư hóa chất trong nông sản vượt mức cho phép, không ít mặt hàng nông sản từ lúa gạo, hồ tiêu, thủy sản... bị các nước nhập khẩu phải kiểm tra khắt khe và cảnh báo, thậm chí bị trả về. Những vấn đề bức xúc ấy càng trầm trọng thêm khi biến đổi khí hậu theo chiều hướng cực đoan ngày càng rõ nét, dịch hại ngày càng diễn biến phức tạp, khó quản lý.
Sản xuất rau hữu cơ theo chuẩn châu Âu và Mỹ ở trang trại Organica tại huyện Long Thành, Đồng Nai
Hàng loạt bức xúc ấy khiến ngành nông nghiệp phải tìm ra giải pháp hữu hiệu. Lối thoát ở đây chính là phải phát triển một nền nông nghiệp trên cơ sở sử dụng các biện pháp canh tác và BVTV theo hướng hữu cơ sinh học, áp dụng những quy trình sản xuất tiên tiến ở nhiều cấp độ như sản xuất rau an toàn, sản xuất theo chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm bảo đảm cho đất khỏe, cây khỏe và môi trường khỏe trong một hệ thống sản xuất nông nghiệp bền vững, cung cấp các loại nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Theo GS-TS Nguyễn Thơ, Phó Chủ tịch Hội KHKT BVTV Việt Nam, việc phòng trừ dịch hại hiện nay không còn là “sâu nào thuốc nấy”. Theo quan điểm hiện đại, quản lý dịch hại là sự giao thoa giữa các ngành khác nhau trong sản xuất nông nghiệp. Quản lý tổng hợp cây trồng trên cơ sở cải tạo đất theo hướng hữu cơ sinh học là xu thế mà thế giới đang làm. Việt Nam cũng đã bắt đầu chú ý và mục đích của vấn đề là tìm các giải pháp bảo vệ, làm tăng sức khỏe đất, từ đó tăng cường sức khỏe cho cây trồng. Thông qua biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ sinh học làm cây trồng tăng sức đề kháng sâu bệnh. Hoạt hóa vi sinh vật có ích và đối kháng, hạn chế quần thể vi sinh vật là tác nhân gây bệnh có nguồn gốc từ trong đất.
“Kho vũ khí” thay thế
Giải pháp hữu cơ sinh học hoàn toàn có thể thực hiện được bằng những biện pháp kỹ thuật cụ thể và hữu hiệu. Nổi bật là 16 kết quả nghiên cứu và ứng dụng biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại - kết quả hết sức quan trọng để thay thế thuốc hóa học BVTV trong nền nông nghiệp hữu cơ. Đó là việc sử dụng nấm Trichoderma, Metarhizium trừ bệnh đốm nâu trên thanh long; sử dụng nấm Paecilomyces trừ tuyến trùng Meloidogyne hại hồ tiêu; sử dụng chế phẩm hỗn hợp vi sinh vật trừ bệnh héo rũ đậu phộng ở Bình Định; sử dụng xạ khuẩn trừ bệnh đạo ôn lúa; sử dụng chế phẩm vi sinh vật kết hợp phân hữu cơ trừ bệnh tuyến trùng trên cà tím; sử dụng thực khuẩn thể (bacteriophage) trừ bệnh vi khuẩn hại cây trồng; sử dụng nhện nhỏ bắt mồi trừ bọ trĩ, bọ phấn, nhện đỏ; sử dụng kiến vàng trừ bọ xít muỗi cây ca cao... Những nghiên cứu mới đang được quan tâm như ứng dụng thuốc trừ cỏ sinh học thay cho thuốc trừ cỏ hóa học. Đây là thông tin được nhiều địa phương rất quan tâm. Tất cả những kết quả nghiên cứu này cùng với hàng trăm kết quả đã có trước đây hình thành nên một “kho vũ khí” hữu hiệu và triển vọng để phòng trừ sâu bệnh trong nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nhiều biện pháp canh tác hữu cơ cũng được nghiên cứu và áp dụng để giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh hại như xử lý rơm rạ tại ruộng lúa bằng chế phẩm vi sinh; trồng đậu phộng dại (lạc dại) phủ đất vườn cây lâu năm, sử dụng giấm gỗ trong canh tác rau; gieo sạ lúa đồng loạt né rầy; sử dụng chế phẩm Vinaxanh, Vneco phòng trừ bệnh hồ tiêu…
Theo Hội KHKT BVTV Việt Nam, việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ không phải là điều đơn giản. Hiện nay việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn nhiều trở ngại khi nhận thức của người tiêu dùng và toàn xã hội chưa cao. Nông dân đã quen với sản xuất theo hướng thâm canh dựa vào hóa học (phân bón, thuốc BVTV) nên không dễ dàng từ bỏ. Các sản phẩm hữu cơ thường năng suất không cao, có khi mẫu mã không đẹp, giá thành sản xuất cao, phân khúc thị trường hẹp. Việc sử dụng phân ủ hữu cơ, thuốc BVTV sinh học hay biện pháp thủ công đòi hỏi nhiều công sức, thời gian, hiệu quả chậm, khó thực hiện đồng loạt và khó cung ứng đủ, kịp thời cho hàng ngàn, hàng chục ngàn hécta. Chưa có đủ những tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể về nông nghiệp hữu cơ. Chưa có tổ chức trong nước cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ. Chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học trong việc nghiên cứu, sản xuất, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ.
Vì vậy, biện pháp khả thi đảm bảo an toàn sinh học là với phần lớn diện tích đang canh tác theo hướng thâm canh truyền thống cần khuyến cáo giảm bớt lượng phân vô cơ, thuốc BVTV (sử dụng quá mức cần thiết) trên cơ sở thực hiện những quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn như GlobalGAP, BasicGAP... đã phát huy nhiều mặt tác dụng tích cực thời gian qua mà IPM (quản lý tổng hợp dịch hại cây trồng) là cơ sở quan trọng trong tất cả những quy trình đó.
Theo: Công Phiên/sggp.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;