2.061 xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới

Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp do Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày, cho thấy: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt và triển khai rộng rãi trên toàn quốc và đạt nhiều kết quả quan trọng, như: Thay đổi diện mạo nông thôn, nhất là về hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nhận thức của người dân được thay đổi, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, người dân đã chủ động tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi động rộng khắp cả nước....

Tính đến nay, đã có 2.061 xã (chiếm 23%) đã đạt tiêu chí nông thôn mới, 27 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới được cải thiện rõ rệt, có mức tăng tích cực so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,07% năm 2011 xuống còn dưới 28% năm 2015. Riêng những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng/năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng/năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.

 Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo. Ảnh: quochoi.vn.

 

Tái cơ cấu nông nghiệp cần theo hướng phát triển nông nghiệp sạch

Qua thảo luận, các đại biểu đều nhất trí với nhận định được Đoàn giám sát đưa ra về những kết quả quan trọng mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, quá trình triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện diễn ra chậm, tồn tại nhiều hạn chế.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng, việc chuẩn bị các năng lực hội nhập bị xao nhãng, việc quá tập trung với ứng phó ngắn hạn, cấp bách, chưa chú ý đầu tư đầy đủ tới xây dựng năng lực hội nhập đang làm cho những thách thức trong quá trình hội nhập thực sự gay gắt. Đại biểu đặc biệt nhấn mạnh thách thức to lớn khi các địa phương nghèo, trình độ phát triển thấp, nhiều khó khăn sẽ dựa vào nguồn tài chính nào và lực lượng chủ thể nào đủ mạnh để chuyển dịch nhanh cơ cấu nền kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Chính phủ cần hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là các địa phương chưa phát triển, gặp nhiều khó khăn xây dựng đề án tái cơ cấu phù hợp với hoàn cảnh riêng. Cùng với đó, các địa phương cần tích cực phối hợp tối đa với các chuyên gia để chủ động xây dựng đề án tái cơ cấu của địa phương. Sự phối hợp này sẽ bảo đảm được tính nhất quán của tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong toàn bộ tái cơ cấu nền kinh tế, giúp đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với điều kiện, đặc thù địa phương, phát huy được lợi thế và sáng kiến địa phương.

 Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu thảo luận. Ảnh: TTXVN.

 

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) lại bày tỏ băn khoăn đến việc sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chưa tạo ra giá trị gia tăng, việc ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế, nông dân còn lạm dụng chất hóa học, đặc biệt là phân bón, thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, làm ra sản phẩm nông nghiệp không an toàn, làm thoái hóa đất canh tác, ô nhiễm môi trường, gây hậu quả lâu dài. Đại biểu TP Hà Nội nhấn mạnh, nếu không đẩy nhanh việc xây dựng nông thôn mới gắn tái cơ cấu nông nghiệp thì sản phẩm nông nghiệp sẽ “thua ngay trên sân nhà” khi hội nhập kinh tế và thế giới, khiến đời sống của nhân dân không được nâng lên...

Với quan điểm tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần lấy doanh nghiệp làm chủ lực, đại biểu Nguyễn Quốc Bình lý giải việc tái cơ cấu nông nghiệp là thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp từ thủ công sang quy mô hóa, hiện đại hóa. Việc này nếu chỉ nhà nước hay nhân dân đều không làm được mà phải dựa vào doanh nghiệp. Vì thế, cần đề ra những cơ chế, chính sách pháp luật đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. “Đây phải được coi là nội dung chính, là đòn bẩy để tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”, đại biểu khẳng định.

Theo đó, tái cơ cấu nông nghiệp cần cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp nông nghiệp có thu như trạm giống cây trồng, vật nuôi, công ty thủy lợi, trung tâm khuyến nông, khuyến ngư…Những đơn vị này trong nhiều năm qua hoạt động với cơ chế bao cấp, không phải là đơn vị nghiên cứu hay đơn vị kinh tế thực thụ nên dù có đóng vai trò dẫn dắt người dân làm theo, nhưng không thể cam kết bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Kết quả là, khi xảy ra tình trạng được mùa mất giá hay được giá mất mùa, người thiệt thòi nhất vẫn là nông dân. Vì thế, khi doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp sẽ là người quyết định sự phân khúc thị trường, nên sẽ hướng dẫn người nông dân làm theo quy trình canh tác của mình và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Mô hình này đã và đang được triển khai thành công tại Lâm Đồng, Long An, Đồng Tháp, An Giang….

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình, tái cơ cấu nông nghiệp cần theo hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vì các chính sách phát triển nông nghiệp của nước ta từ trước vẫn áp dụng cho nông nghiệp vô cơ, nền nông nghiệp sử dụng nhiều chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật…, trong khi đó sản phẩm của nông nghiệp vô cơ là nguyên nhân chính gây ra các căn bệnh ung thư và làm giảm khả năng miễn dịch cơ thể, làm thoái hóa đất đai. Hiện cả thế giới đã chuyển sang phát triển nông nghiệp hữu cơ.

"Đã đến lúc Quốc hội, Chính phủ cần có chủ trương mạnh mẽ và định hướng chuyển nhanh sang phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để bảo vệ sức khỏe nhân dân và giúp nước ta chủ động hội nhập kinh tế quốc tế dựa trên tiềm năng phát triển nông nghiệp của mình. Chính phủ cần nghiên cứu, điều chỉnh khung pháp lý cho phát triển nông nghiệp cho phù hợp với xu hướng tất yếu này, vì nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, như khuyến khích các chính sách về phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, cải tạo đất bằng công nghệ sinh học, bảo quản nông sản bằng chế phẩm sinh học..."- đại biểu TP Hà Nội kiến nghị.

Rà soát lại các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới cho phù hợp

Về việc thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, nhiều đại biểu đánh giá, Bộ tiêu chí còn nhiều điểm bất cập. Mặc dù đã được sửa đổi nhưng một số tiêu chí, chỉ tiêu như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở, nghĩa trang vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiện đặc thù về địa lý và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng; những bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc; chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; các địa phương khó vận dụng trong chỉ đạo thực hiện, đánh giá xã đạt chuẩn, nhất là các tỉnh, khu vực khó khăn hoặc tỉnh có địa bàn đa dạng (cả xã vùng thấp, xã vùng cao). Một số tiêu chí như tổ chức sản xuất, văn hóa, môi trường chưa được quan tâm đúng mức trong chỉ đạo, thực hiện làm ảnh hưởng đến chất lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu rõ: Một số tiêu chí đưa ra bất hợp lý, như tiêu chí về chợ, trung tâm bưu điện, nhà văn hóa; thậm chí có không ít chợ được xây dựng đã đã lãng phí, trong khi đó, kinh phí để đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế, đặc biệt là các nhà văn hóa ở từng thôn bản còn thiếu. Hiện nay, nhiều thôn bản có số lượng dân cư rất cao nhưng thiếu nơi sinh hoạt cộng đồng để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức các hội nghị và đặc biệt là thư viện để thiếu nhi, thanh niên vui chơi, giải trí. "Thực tế ở nhiều địa phương, mỗi thôn có 300-400 hộ nhưng nhà văn hóa vẫn còn xập xệ, sức chứa thấp, chỉ khoảng 20-30 người. Nếu không có sự thay đổi, chỉ quan tâm về kinh tế, không quan tâm đến văn hóa sẽ dẫn đến lệch mục tiêu xây dựng nông thôn mới, không đáp ứng được yêu cầu của Trung ương về xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"- đại biểu tỉnh Quảng Bình bày tỏ.

Còn đại biểu Lại Xuân Môn (Bạc Liêu) đề nghị cần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới sát với yêu cầu thực tế, tránh tình trạng các địa phương nóng vội mà chạy theo thành tích, do đó, Chính phủ cần tập trung rà soát lại các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới cho phù hợp, khả thi. Đại biểu nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới cần tập trung vào chất lượng không chạy theo số lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, nghĩa là xây dựng nông thôn mới phải tạo ra được phương thức sản xuất mới, sinh kế mới; người nông dân phát huy được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới.

 Đại biểu Lại Xuân Môn đề nghị cần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới sát với yêu cầu thực tế.

 

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hồng Vân cho rằng, đối với các xã khó khăn, nhất là các địa phương có nguồn thu ngân sách tại chỗ thấp, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn ngân sách Trung ương thì việc phấn đấu để đạt chuẩn 19 tiêu chí trong 5 năm tới là khó khả thi. Do đó, Chính phủ cần xác định mục tiêu phù hợp với các xã khó khăn để tạo động lực cho các xã vươn lên, từng bước vượt qua tâm lý ỷ lại, thụ động, trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thống nhất mục tiêu chung của chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đối với các xã khó khăn, cần tập trung ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập, giảm nghèo, nâng cao dân trí, phát triển hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, đường giao thông, trường học...

Theo Nguyễn Thảo/qdnd.vn