Theo tính toán của Bộ LĐTB&XH, tiền lương của công chức hiện nay chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến hội chứng “tước đoạt để bù đắp” của công chức. Và thực tế, thu nhập ngoài lương của công chức lại cao (phụ thuộc vào từng vị trí, lĩnh vực quản lý, từng địa phương... Loại thu nhập này không minh bạch, không rõ ràng, không ai có thể thống kê, đánh giá, định lượng được, chủ yếu là do tham nhũng, tiêu cực trong thi hành công vụ.
|
Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội: “Chúng ta đã duy trì quá lâu một chính sách tiền lương thấp đối với công chức, thực hiện cải cách lương lâu nay chỉ là “gọt gót chân cho vừa giày”, tức là cải cách lương kiểu đối phó với giá, chạy theo giá mà không giải quyết được triệt để”.
TS Nguyễn Hữu Dũng chỉ ra vấn đề mấu chốt nhất trong chính sách cải cách tiền lương hiện nay là: “Tiền lương Nhà nước quy định trả cho cán bộ, công nhân viên chức mặc dù còn rất thấp, nhưng khoản chi này luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi ngân sách Nhà nước”.
So với năm 2002 (mức lương tối thiểu là 210.000 đồng/tháng) thì đến nay, tiền lương danh nghĩa (mức tối thiểu là 830.000 đồng/tháng) tăng 295,2%. Mức điều chỉnh tiền lương thực tế bình quân hằng năm giai đoạn từ năm 2003-2011 chỉ bằng 1/2 đến 1/4 mức điều chỉnh bình quân hằng năm giai đoạn từ 1993- 2002, trong khi tổng quỹ tiền lương và trợ cấp lại tăng thêm bình quân gần 2 lần/ năm. Điều đó cho thấy quỹ lương công chức đang phình to. Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, tỷ lệ cán bộ hiện không đáp ứng được nhu cầu công việc đang chiếm một tỷ lệ quá lớn. Nhà nước cần mạnh dạn thanh lọc, đào thải những công chức không đáp ứng được nhu cầu công việc để cải thiện lương công chức, viên chức.
Đồng quan điểm trên, TS Vũ Như Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho rằng, mức lương tối thiểu áp dụng đối với khu vực hành chính, sự nghiệp hiện là thấp và không đủ sống. Phương thức trả lương mang tính bình quân, cào bằng, chế độ phụ cấp dàn trải khiến tiền lương và vai trò của lương ngày càng thấp. Trong khi đó, tổng nguồn ngân sách dành cho lương không thấp và liên tục tăng. Cụ thể, năm 2010 lương phụ cấp chiếm 6,7% GDP, trong khi năm 2011 con số này tăng lên chiếm gần 9,6% GDP, đồng thời chiếm 51% chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Bất cập ở chỗ trong khi tổng chi cho lương tăng thì tiền lương cán bộ, công chức vẫn thấp.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Vấn đề Xã hội Quốc hội, ông Đặng Như Lợi nêu thẳng vấn đề: “Chỉ một phần ba cán bộ viên chức đang làm việc ngày đêm, Nhà nước cần mạnh dạn tinh giảm 40% tổng số công chức, viên chức không đủ năng lực. Chế độ bao cấp duy trì từ năm 1972 đã đến lúc cần xóa bỏ dù có đụng chạm, liên quan đến quyền lợi của ai đi chăng nữa”.
Thu phí dịch vụ công theo giá thị trường
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, ở nhiều quốc gia trên thế giới, tiền lương là nguồn thu nhập chủ yếu của công chức và tối thiểu chiếm đến 90% tổng thu nhập. Ở Việt Nam hiện nay, khoản thu nhập từ lương chỉ chiếm từ 30-100% tùy thuộc vào vị trí công tác. Vì vậy, tiền lương cần được tính toán sao cho đủ để bản thân mỗi công chức và gia đình của họ có thể sống được bằng lương, thậm chí có tích lũy. Nếu đạt được mục tiêu này thì công chức mới có thể tận tụy với công việc của họ và dành 100% thời gian, công sức để hoàn thành nhiệm vụ được giao, từ đó mới không tham nhũng và nhận hối lộ.
Các đại biểu kiến nghị nên xóa bỏ lương tối thiểu của công chức. PGS. TS Nguyễn Khắc Thanh, Phó Viện trưởng Viện kinh tế, Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đưa ra phương án thay thế mức lương tối thiểu. Ông đề xuất tiền tệ hóa tiền lương, trả lương theo công việc, năng lực, vị trí và chức vụ sao cho đảm bảo nguồn sống cho cán bộ, công chức và viên chức. Theo đó, những người chưa có nhà được phụ cấp thuê nhà, người nuôi con chưa đến 18 tuổi phải được Nhà nước hỗ trợ...
Tại hội thảo, ngoài yêu cầu tinh giảm biên chế, nhiều chuyên gia đều nhất trí với giải pháp: cần phải thực hiện chế độ dịch vụ công, chuyển chế độ thu phí sang thu theo giá thị trường để tăng nguồn cung. Như vậy mới có nguồn thu bù đắp vào lương công chức và giảm gánh nặng chi cho ngân sách Nhà nước.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã