Theo báo cáo của Đoàn giám sát, trong giai đoạn 2011-2016, sản lượng khai thác hải sản tăng trưởng bình quân năm đạt 5%/năm. Đến ngày 31-12-2016, tổng số tàu cá trên toàn quốc là khoảng gần 110.000 tàu. Đến nay, cả nước đã đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng 83 cảng cá; đã và đang đầu tư xây dựng 65 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá.
Toàn cảnh phiên họp sáng 21-9. Ảnh: THÙY DƯƠNG |
Một số mô hình khai thác trên biển đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên biển, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, tạo ra mối liên hệ thông tin chặt chẽ giữa tàu và bờ, giúp các cơ quan quản lý có thể kiểm đếm và hướng dẫn các tàu đi tránh trú bão, đồng thời nắm tình hình an ninh, trật tự trên biển, sẵn sàng huy động lực lượng khi cần thiết vào nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Trong giai đoạn 2011-2016, diện tích và sản lượng nuôi trồng hải sản trên biển, đảo không ngừng tăng. Chính phủ cũng có chỉ đạo triển khai quy hoạch nuôi cá biển, nuôi nhuyễn thể hàng hóa tập trung, rong biển đến năm 2020.
Sau gần 3 năm thực hiện, Nghị định 67/2014/NĐ-CP đã thực sự đi vào cuộc sống, đã đạt được mục tiêu hiện đại hóa tàu cá, số lượng tàu khai thác gần bờ giảm 13,2%, số lượng tàu cá khai thác xa bờ tăng 20,1%; tai nạn tàu cá giảm đáng kể; góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, đời sống người dân được nâng lên.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung giám sát. Ảnh: THÙY DƯƠNG |
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ một số hạn chế, bất cập trong công tác phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Các điều kiện về phương tiện, trang thiết bị và nhân lực chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước về khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; các trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu, kém đồng bộ. Tình hình tàu cá vi phạm các quy định về khai thác thủy sản vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi. Tiến độ đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, bến bãi, khu neo đậu tránh trú bão vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nuôi trồng hải sản chưa tương xứng với tiềm năng, còn tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, đầu tư không theo quy hoạch, thiếu đồng bộ, do đó khó kiểm soát được dịch bệnh và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Việc đầu tư khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao nhằm chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng chế biến sâu, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu vẫn chưa phát huy hiệu quả rõ rệt; các phương thức quản lý biển mới, tiên tiến còn chậm được nghiên cứu áp dụng. Việc nghiên cứu và cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu hải sản để định hướng tổ chức sản xuất trong nước còn hạn chế.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đề nghị phải gia cố, xây dựng mô hình quản lý và mô hình sản xuất trên biển kèm theo điều kiện bảo đảm về an ninh, tài sản cho ngư dân. Ngư dân vươn khơi xa là những người rất có dũng khí, không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn vì mong muốn tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Do vậy, cần nghiên cứu, đề xuất mô hình bảo đảm an toàn cho ngư dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đánh giá cao sự sáng tạo trong mô hình đánh bắt trên biển ở nhiều địa phương; nỗ lực của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giảm đánh bắt gần bờ, tăng đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Võ Trọng Việt nêu vấn đề về sự yếu kém của dịch vụ hậu cần, dẫn tới ngư dân phải đi lại nhiều, làm gia tăng chi phí.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề xuất ý tưởng lập lực lượng dân quân tự vệ ở vùng nuôi trồng hải sản, bởi giá trị của những vùng nuôi trồng này rất cao, dẫn tới sự tranh chấp vùng nuôi, trộm cắp hải sản, dẫn tới người dân phải lập chòi canh ngay trên biển. Mùa mưa bão, kêu gọi người dân vào bờ tránh trú bão rất khó khăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu lại phản ánh của cử tri rất phấn khởi trước những chính sách hỗ trợ của Nhà nước với phát triển nghề cá trên biển. Nhất trí với một số đại biểu phát biểu trước, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị cần làm rõ vụ việc tàu cá vỏ thép để người dân tin tưởng vào việc thực hiện chính sách của Nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: THÙY DƯƠNG |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói về việc khai thác tận diệt hải sản và việc nước ta vẫn chưa tiến hành lệnh cấm đánh bắt trong một khoảng thời gian nhất định; việc ngư dân xâm phạm vùng biển Philippines, Malaysia, Indonesia…; tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên vùng biển nước ta… Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát phân tích kỹ hơn về nội dung này. Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc tới tình trạng chỉ coi trọng lợi ích kinh tế mà xem nhẹ yếu tố quốc phòng, an ninh và ngược lại. Điều đó cho thấy sự kết hợp giữa hai yếu tố chưa thật sự nhuần nhuyễn.
Sau nội dung giám sát này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 14 của UBTVQH.
Theo qdnd.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;