Đang bán thanh long trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), anh Lê Ngọc (ngụ ở xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) cho biết do thương lái Trung Quốc không nhập hàng nên anh đã chở thanh long từ Bình Thuận lên TP Hồ Chí Minh bán, mong “gỡ” lại chút vốn.
"Chỉ vài ngày trước, giá thanh long vẫn còn cao, bán ra ở mức 20.000 – 25.000 đồng/kg, nay rớt giá và bán ra chỉ còn 15.000 đồng/2 kg. Nguyên nhân là do thương lái Trung Quốc ngưng thu mua và chủ vựa cũng ngưng nhập hàng nên không bán được, buộc các nhà vườn phải đem hàng đi bán lẻ ở các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, do mặt hàng này rất kén khách hàng nên sức mua cũng không cao”, anh Ngọc cho biết.
Thanh long giá rẻ đổ bộ vào TP Hồ Chí Minh khá nhiều nên các tiểu thương cũng mua thanh long về các chợ lẻ để bán kiếm lời. Chị Nguyễn Minh, một tiểu thương tại chợ Hoa Cau (quận 9) cho biết: "Những ngày này tại chợ đầu mối Thủ Đức đi đâu cũng thấy quả thanh long. Thanh long ở đây được bán rất rẻ, hàng đẹp loại 2 chỉ khoảng 3.000 – 4.000 đồng/kg, còn loại 3 tức “hàng dạt”, nhỏ được bán khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg". Thấy thanh long đang bán rẻ nên chị Minh cũng nhập 200 kg thanh long ruột đỏ và ruột trắng loại 2 về bán, tuy nhiên, 3 ngày nay chị Ngọc cũng chỉ bán được 30 - 50 kg bởi sức mua mặt hàng này rất thấp.
Trong khi đó, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận, hiện nay Bình Thuận là tỉnh cung cấp thanh long cho thị trường nội địa và xuất khẩu lớn nhất cả nước với diện tích hơn 27.000 ha, tạo sản lượng hơn 600.000 tấn/năm. Tuy nhiên trong số đó, hơn 80% đều được xuất khẩu qua con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Vì vậy, khi không thể xuất khẩu, trái thanh long, đặc biệt là “hàng dạt” phải chấp nhận bán cho thương lái với giá "rẻ như cho" để tiêu thụ tại các tỉnh thành.
Theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, cùng thời điểm này, vụ thanh long 2017 có mức giá trên 20.000 đồng/kg, các nhà vườn có tâm lý chọn thời điểm tiêu thụ thanh long nên vào vụ làm điện sớm. Đến thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10, sản lượng thanh long đột ngột tăng cao, khiến thị trường đảo lộn. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở thu mua, xuất khẩu thanh long cũng bị động về kế hoạch, dẫn đến một lượng lớn thanh long bị ùn ứ cục bộ và giá tụt mạnh thời gian qua.
Không riêng tỉnh Bình Thuận, tại các tỉnh như Tiền Giang, Long An... giá thanh long cũng đang rớt giá mạnh và không tiêu thụ được. Anh Trần Khải Hoàn, chủ một vườn thanh long ở tỉnh Long An, cho biết: "Những tháng gần Tết các năm trước, thanh long ruột đỏ bán tại vườn lên tới 15.000 - 30.000 đồng/kg thì nay loại 1 cũng chỉ 7.000 - 8.000 đồng/kg, còn loại 2, 3 giá chỉ 2.000 - 4.000 đồng/kg. Trong khi đó, loại 1 tại các vườn chỉ chiếm khoảng 10 - 30%, do đó vụ thanh long này gia đình anh thua lỗ nặng".
Trước đó, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi thuộc Bộ Công thương và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cũng đã phát đi thông tin cảnh báo tới bà con nông dân về việc Trung Quốc đang mở rộng diện tích thanh long, thời điểm thu hoạch lại trùng đúng vào vụ thanh long của Việt Nam (từ tháng 5 đến 11 hàng năm) nên có thể dẫn tới nguy cơ giảm cầu – thừa cung, “đầu ra” gặp nhiều khó khăn do lượng thanh long nội địa của Trung Quốc tăng cao. Vì vậy, bà con nông dân cần chủ động trong khâu tiêu thụ, tránh tình trạng cung vượt cầu khiến mặt hàng thanh long rớt giá như hiện nay. Tuy nhiên, tình trạng thanh long rớt giá vẫn xảy ra và người nông dân “trở tay không kịp” nên rơi vào cảnh thua lỗ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã