Chiều 22/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Cùng với nguồn vốn Trung ương đầu tư trực tiếp trên 5.200 tỷ đồng, trong năm qua, các địa phương đã huy động, lồng ghép các nguồn lực để triển khai các chương trình xây dựng nông thôn mới với số vốn lên tới gần 158.000 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2014, cả nước đã có 785 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9/11 xã điểm xây dựng nông thôn mới đã đạt 19 tiêu chí và 2 đơn vị cấp huyện là Xuân Lộc và Long Khánh của tỉnh Đồng Nai đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân mỗi xã đạt 10 tiêu chí đã tăng trên 5 tiêu chí/xã so với năm 2010 và không có xã nào trắng tiêu chí.
Mặc dù vậy, một số tiêu chí cơ bản các địa phương còn đạt tỷ lệ thấp như tiêu chí giao thông mới có hơn 23% xã đạt chuẩn, tiêu chí hạ tầng văn hóa mới có gần 18%... Khu vực miền núi phía Bắc là vùng có mức đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới thấp nhất cả nước.
Ý kiến của các địa phương tại hội nghị đề xuất nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là tăng cường sự phối hợp trong chỉ đạo, điều hành tại cơ sở, tăng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, có cơ chế chính sách thu hút nhiều doanh nghiệp làm đầu tàu thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đảm bảo môi trường nông thôn mới, chất lượng nông sản và khắc phục tình trạng sản xuất tự phát…
Nhiều ý kiến cũng đề nghị sớm sửa đổi, bổ sung hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí phù hợp với thực tiễn hơn liên quan đến tiêu chí về cơ sở hạ tầng văn hóa, nghĩa trang, điện, nhà ở, tiêu chí về hình thức sản xuất, quy hoạch...
Bày tỏ đồng tình với các báo cáo, ý kiến phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống nông dân luôn là nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đồng bộ trên các lĩnh vực cũng chính là nội dung cụ thể trong tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn nông thôn, cũng chính là nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. 4 năm qua Chính phủ đã hình thành hệ thống cơ chế, chính sách khá đồng bộ và đi vào cuộc sống với sự nhận thức, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; phong trào xây dựng nông thôn mới nhận được sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Qua đó sản xuất nông nghiệp và nói rộng hơn là kinh tế nông thôn đã có bước phát triển tích cực, nhất là thu nhập tăng gần gấp 2 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm; bộ mặt nông thôn, nhất là cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại; cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn cũng chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp gắn với gia tăng giá trị sản xuất.
Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là có nơi, có lúc sự quan tâm chỉ đạo còn chưa đúng mức, thiếu chặt chẽ và trách nhiệm chưa cao; trong khi nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu nhưng có nơi lại sử dụng chưa hiệu quả, lãng phí, thất thoát, thậm chí có nơi chỉ trông chờ Trung ương mà chưa tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực hiệu quả; kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới vẫn còn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng, miền; một số cơ chế chính sách phải tiếp tục hoàn thiện vì chưa đủ mạnh, chưa đủ hấp dẫn liên quan đến thu hút đầu tư, hợp tác liên kết sản xuất, tín dụng, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ...
Để đạt được mục tiêu trong năm 2015 phấn đấu hoàn thành 20% số xã đạt chuẩn; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới trở lên và cả nước có trên 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việc đầu tiên, tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành, nhiệm năm 2015 cũng như 5 năm tới là phải nhận thức sâu sắc Nghị quyết T.Ư về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà cụ thể là chương trình xây dựng nông thôn mới. Quán triệt, nhận thức ý nghĩa quan trọng như thế, từng cấp ủy coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm thường xuyên của mình, phải có chương trình, kế hoạch, phải kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn, phải tháo gỡ khó khăn kịp thời, rồi nhân điển hình, nhân cách chỉ đạo tốt, kinh nghiệm tốt, mô hình tốt. Cán bộ nào không thực hiện, thiếu trách nhiệm thì thay thế…”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phân tích sự cần thiết đưa Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 vào Chương trình Đại hội Đảng các cấp; đồng thời yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cùng các Bộ, ngành, địa phương rà soát lại các cơ chế chính sách phù hợp hơn, đặc biệt là chính sách ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thậm chí là có cơ chế tín dụng hỗ trợ tích cực lĩnh vực này; đồng thời phải sớm có chính sách khuyến khích cả về đất đai, thuế, lao động… nhằm thu hút doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư sản xuất nông nghiệp và sản xuất công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn nông thôn; khẩn trương nghiên cứu và ban hành chính sách thiết thực khuyến khích liên kết hợp tác đa dạng giữa người nông dân với doanh nghiệp đầu vào và đầu ra cũng như chính sách dậy nghề cho người lao động theo hai hướng nâng cao năng suất, chất lượng làm nông nghiệp và chuyển đổi nghề sang công nghiệp, dịch vụ.
Thủ tướng cũng yêu cầu chính sách tín dụng cần tăng cho vay đối với hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và hộ cận nghèo; tăng cường cho vay hộ sản xuất hàng hóa, đồng thời chú ý chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan tính toán tăng thêm nguồn lực đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới, dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng trong hai năm tới; các địa phương sử dụng hiệu quả các nguồn lực gắn với đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội hóa để tập trung triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới.
Liên quan đến rà soát, bổ sung và hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng nêu rõ quan điểm không chạy theo hình thức mà hạ thấp tiêu chí, đồng thời tính toán các tiêu chí đối với các xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực chất hơn nữa. Thủ tướng cũng đề nghị đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào thi đua rộng khắp trên cả nước để ngày càng thu hút sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân./.