Chỉ còn vài tháng nữa là bước vào thị trường phục vụ Tết, các doanh nghiệp (DN) chế biến thuỷ sản cho thị trường trong nước hiện đang muốn chốt các hợp đồng, đơn hàng với các hệ thống siêu thị.
Tiêu chuẩn cao hơn... EU
Thế nhưng, cửa vào siêu thị đang bị đóng lại vì các DN vướng quy định về Giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu (Minimum Required Performance Limit – MRPL) của các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong sản phẩm thực phẩm.
Công văn phản ánh mới đây nhất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) gửi đến Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính Mai Tiến Dũng về các mức MPRL cho chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh của hàng thủy sản tiêu thụ nội địa đã phản ánh rõ những bất cập đó.
Điều đáng chú ý, VASEP dẫn Quyết định số 2005/34/EC ngày 11/1/2005 của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy khi kết quả phân tích của lô hàng thấp hơn mức MPRL thì vẫn được phép nhập khẩu vào EU để làm thực phẩm.
Vậy tại sao những lô hàng dù đã đạt chuẩn theo quy định của EU lại không đạt theo quy định của Việt Nam? Phải chăng có chuyện lạ đời khi tiêu chuẩn của Việt Nam cao hơn EU? Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến các DN thủy sản đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Sự chậm chạp của cơ quan quản lý thể hiện rõ trong câu chuyện này. Như chia sẻ của VASEP, vào cuối tháng 8/2018, Hiệp hội đã có cuộc họp với đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) để trình bày và bàn giải pháp tháo gỡ cho bất cập nói trên.
Tuy nhiên, đến nay, khi tháng 9 đã trôi đến những ngày cuối cùng (tháng quan trọng nhất để chốt đơn hàng cho dịp Tết), VASEP vẫn chưa nhận được phản hồi giải quyết cho các bất cập và bức xúc đó.
Đây không phải "điểm nghẽn" duy nhất mà các DN thủy sản gặp phải ngay trên thị trường nội địa. Hồi tháng 6/2018, Phó Tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam còn lưu ý về những quy định bất hợp lý trong Nghị định 09/2016/ NĐ-CP khiến các DN thủy hải sản sản xuất hàng dùng cho thị trường nội địa cũng không kém phần vất vả khi vào siêu thị.
Nghị định 09 có quy định "Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt" (có hiệu lực từ ngày 28/1/2017) trên thực tế đã gây ra rất nhiều chuyện "dở khóc dở cười" cho DN thủy sản, dẫn đến ách tắc trong quá trình sản xuất, công bố, đưa sản phẩm ra thị trường. Theo ông Nam, việc bổ sung iốt không thể bắt buộc theo mệnh lệnh hành chính được.
Bao giờ tháo gỡ?
Việc Bộ Y tế chậm có dự thảo sửa đổi Nghị định 09 như chỉ đạo từ trước đó khá lâu của Thủ tướng Chính phủ khiến cho các DN thủy sản vẫn đang phải vật lộn với hàng loạt khó khăn phát sinh từ việc phải bổ sung vi chất trong quá trình sản xuất, thậm chí còn bị giảm thị phần ngay tại thị trường nội địa.
Các chuyên gia của EU cũng không đồng tình với quy định này. Hồi tháng 7 năm nay, tại Diễn đàn DN Việt Nam, Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam trong bản kiến nghị có nêu rõ yêu cầu "muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt" đã gây nên nhiều khó khăn, thách thức cho ngành chế biến thực phẩm, trong đó có DN thủy sản.
Có thể thấy, việc bất cập trong chính sách cộng với nhiều loại chi phí đầu vào gia tăng cũng như phải tăng chiết khấu cho hệ thống siêu thị khiến DN thủy sản Việt khó tiếp cận thị trường nội địa. Lẽ nào các nhà xây dựng chính sách không nhận thấy rõ để giúp tháo gỡ một phần khó khăn này?
Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH Thương mại Sài Gòn Food, thị trường thủy hải sản đông lạnh nội địa hiện nay được chia làm hai kênh: kênh truyền thống và kênh hiện đại. Trong hai kênh tiêu thụ này, 68% DN thủy sản nhắm vào kênh hiện đại, 32% nhắm vào kênh truyền thống (chủ yếu là các cơ sở sản xuất nhỏ).
Về yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng tại nơi sản xuất, theo bà Lâm, chủ yếu là đạt tiêu chuẩn Việt Nam, HACCP, ISO, quy trình lựa chọn nguyên liệu, quy trình cấp đông, phòng kiểm nghiệm vi sinh, vận chuyển bằng xe chuyên dùng, hệ thống xử lý nước thải, tỷ lệ mạ băng, thành phần đúng với công bố.
Còn yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng tại nhà phân phối bao gồm: điều kiện bảo quản kho, thời gian lên hàng trên quầy, tủ đông trưng bày, xử lý sản phẩm khách bỏ lại.
Để nâng cao chất lượng nhằm gia tăng thị phần tại thị trường nội địa, giới chuyên gia lưu ý DN thủy sản Việt cần cam kết sản xuất đúng tiêu chuẩn, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và cải tiến sản phẩm hiện tại, cập nhật thông tin thị trường và hệ thống phân phối.
Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là khâu chính sách cần khẩn trương rà soát và nhanh chóng cắt bỏ những quy định bất hợp lý để mặt hàng thuỷ sản Việt dễ dàng vào siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ, chứ không phải tạo rào cản như hiện nay.
Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã