Tự phá vỡ sự bền vững Nói về định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng: “Tư duy sản xuất nông nghiệp của mình không nhìn đến chế biến sâu mà hiện tại chỉ “ăn xổi ở thì”. Muốn thay đổi được thì phải có những chính sách ưu đãi mạnh, nhất là đối với các sản phẩm chế biến”. Cũng theo đồng chí Trần Văn Nam, cần có cơ chế chung cho các sản phẩm nông nghiệp, thậm chí dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ các mô hình phát triển nông nghiệp, hay nói cách khác là bảo trợ ngay từ chính sách. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập lý giải thêm: “Vấn đề chính nằm ở chỗ định hướng, quy hoạch vùng sản phẩm nông nghiệp. Nếu có quy hoạch tốt cả về đầu tư công nghệ chế biến, vùng sản xuất cho từng loại trái cây, nông sản… thì chắc chắn sẽ quản lý được chất lượng, bảo đảm đầu ra cho nông phẩm. Ở phạm vi từng địa phương thì dễ thực hiện nhưng liên kết vùng theo khu vực tỉnh, thành phố vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn”. Một nghịch cảnh tồn tại từ lâu, khiến cho không ít doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư lo ngại là giá của sản phẩm trong lĩnh vực đầu tư tăng quá cao. Với bất kỳ một sản phẩm nào, kể cả đã được ký kết hợp đồng, khi giá tăng cao thì người sản xuất vẫn sẵn sàng phá vỡ hợp đồng đã ký kết để bán cho thương lái hoặc các đối tượng khác trả giá cao hơn. Chỉ khi nào giá nông phẩm ở mức độ ổn định thì hợp đồng ký kết mới được thực hiện đúng. Trong khi đó, thông thường khi hợp đồng đã được ký kết thì DN sẽ đưa cán bộ kỹ thuật đến để hướng dẫn cho người sản xuất; người nông dân được hưởng lợi từ việc hỗ trợ như mua phân bón, vật tư nông nghiệp rẻ hơn so với hàng hóa tương đương trên thị trường cùng thời điểm. Ở góc độ quản lý nhà nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập cho rằng: Một trong những khó khăn lớn nhất đối với các địa phương là nguy cơ phá vỡ về quy hoạch của chính sản phẩm nông nghiệp đó khi có giá vì người sản xuất sẽ lao vào phát triển ồ ạt. Đáng quan tâm hơn là khi giá cao, người sản xuất sẽ tìm đủ mọi cách như dùng quá nhiều phân bón, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật… với mục đích tăng năng suất cây trồng, vật nuôi dẫn đến hậu quả là các nông phẩm khi thu hoạch thường tồn dư quá nhiều chất độc hại. Chẳng hạn như cây tiêu, có những nơi người sản xuất bón phân đạm đến hơn 600 kg/ha, nhưng theo khảo sát của các nhà khoa học chỉ cần khoảng 250 đến 260 kg/ha. Hay như cây lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ cần khoảng 80 đến 100 kg phân đạm/vụ là vừa, nhưng nhiều vùng vẫn sử dụng từ 150 đến 200 kg/ha. Lượng phân đạm dư thừa này sẽ bốc hơi, chảy theo dòng nước hoặc tràn ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, đồng thời sẽ tốn thêm một khoản chi phí không nhỏ cho người sản xuất. GS Mai Văn Quyền nhận định: Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến phá vỡ các tiêu chí của phát triển nông nghiệp bền vững. Bởi lẽ, muốn phát triển nông nghiệp bền vững phải dựa vào ba yếu tố chính là bảo đảm về kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, vấn đề về kinh tế như trồng trọt cần ổn định về năng suất và đời sống của người dân được nâng lên; về xã hội, mỗi người dân đều phải có công ăn việc làm, đời sống ổn định; về môi trường, cả về vĩ mô lẫn vi mô phải được bảo vệ tốt. Cần tạo mô hình “chuẩn” Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự đồng hành, vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành trong thời gian qua đã thật sự tạo nên luồng sinh khí mới cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp. Lựa chọn hàng đầu là chương trình nông nghiệp công nghệ cao, nhưng đối với các địa phương tại khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm như vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ được triển khai như thế nào, chủ thể tham gia là ai…? Thực tế có không ít các DN, địa phương đã tạo ra những mô hình liên kết mang lại những thành công nhất định. Trong đó, tập trung theo hướng liên kết chặt chẽ giữa nông dân với DN; hoặc tự liên kết lại theo tổ hợp tác và được kiểm soát chặt chẽ từ diện tích nuôi, trồng, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các mô hình này đều sản xuất nông phẩm theo tiêu chuẩn và chất lượng mà đối tác đã đặt hàng. Tại An Giang, mô hình HTX Vinacam Tri Tôn được coi là một trong những điển hình trong việc triển khai mô hình liên kết giữa DN với nông dân phát triển vùng nguyên liệu lúa Nhật (Japonica DS1). Hình thành từ năm 2012 trên cơ sở ký kết hợp tác giữa Công ty cổ phần nông sản Vinacam với Tổ hợp tác lúa Nhật và đến tháng 4-2016 đã được chính thức chuyển đổi thành mô hình HTX liên kết giữa người dân với DN. Ban đầu, tổ hợp tác chỉ có 500 ha trồng lúa Nhật nhưng giờ đây đã có 2.000 ha với 43 hộ tham gia vào HTX Vinacam Tri Tôn. Vào ngày 8-4-2016, huyện Tri Tôn đã ký văn bản ghi nhớ cam kết giao 12.000 ha lúa cho HTX để phát triển vùng nguyên liệu gạo Nhật. Ông Lâm Thành Kiệt, đại diện lãnh đạo HTX Vinacam Tri Tôn cho biết: “Với những giải pháp kỹ thuật ban đầu và sử dụng đúng chủng loại, liều lượng riêng về thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đã giúp người dân giảm từ 20 đến 30% chi phí. Quan trọng nhất là hiệu quả về năng suất lúa và chất lượng gạo được nâng cao hẳn”. Đây là mô hình HTX trồng lúa đầu tiên ở nước ta ứng dụng công nghệ kỹ thuật số của I-xra-en vào chăm sóc, kiểm soát về môi trường, tầm soát sâu bệnh cho cây lúa. Trong đó, người nông dân chỉ cần thấy có hiện tượng lạ, chụp ảnh đưa về văn phòng HTX qua màn hình vi tính được kết nối với Trung tâm quản lý của Tập đoàn ARAMA (I-xra-en), cán bộ kỹ thuật tự phân tích và thông báo lại kết quả, hướng dẫn cách xử lý cho bà con nông dân. Ông Lâm Thành Kiệt cho biết thêm, ngoài việc thường xuyên mua lúa với giá cao hơn lúa thông thường từ 1.200 đồng đến 1.500 đồng/kg, vụ đông xuân 2016 đã ghi nhận một thành công lớn là đưa năng suất lúa Nhật này đạt trung bình từ 12 đến 14 tấn/ha. Với năng suất và giá ấy giúp cho người nông dân đạt lợi nhuận hơn 40% giá trị trên mỗi ha lúa. Nguyên nhân chính của hiệu quả này được xác định là trước đây người dân thường gieo sạ khoảng 200 kg thóc giống/ha, nhưng sau khi thử nghiệm và tầm soát, HTX đã hướng dẫn người dân một ha chỉ gieo sạ từ 100 đến 120 kg thóc giống. Việc gieo sạ thưa giúp cho cây lúa phát triển tốt, năng suất cao và giảm bớt phân nửa tiền thóc giống. Tại một số địa phương khác như Bến Tre, Đồng Tháp… cũng đã có những mô hình thực hiện rất thành công trong sản xuất, sản phẩm chiếm lĩnh được thị trường lớn, khó tính. Trong đó, phải kể đến Tổ hợp tác sản xuất chôm chôm Tiên Phú, xã Tiên Long, huyện Châu Thành (Bến Tre) đã tạo được thương hiệu và hầu hết sản phẩm đều xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ và Trung Đông… Hay như mô hình nuôi và chế biến cá tra của Công ty TNHH Hùng Cá tỉnh Đồng Tháp. DN Hùng Cá đã tự nuôi và đầu tư dây chuyền công nghệ khép kín từ chế biến cá thành phẩm, các phụ phẩm khác được đưa vào chế biến làm thức ăn cho cá. Cách làm này đã giúp cho DN phát triển ổn định cả về nguồn nguyên liệu, chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo nhìn nhận của Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre Phan Thị Thu Sương, có thể xem mô hình Tổ hợp tác sản xuất chôm chôm Tiên Phú là một trong những mô hình chuẩn cần được nhân rộng bởi đã tạo được sự ổn định và phát triển bền vững. Dĩ nhiên, thực tế không chỉ có mô hình sản xuất chôm chôm Tiên Phú. Từ thực tiễn những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững ở nhiều vùng miền, các ngành chức năng cần sớm đúc kết thành những mô hình chuẩn để nhân rộng… (*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 10-1-2017 |
NHÓM PHÓNG VIÊN CƠ QUAN THƯỜNG TRÚ TẠI TP HỒ CHÍ MINH http://www.nhandan.com.vn/ |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã